Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019 vừa hoàn thành chưa biết kết quả ra sao, thì ngày 18/7, tại Hội nghị giao ban công tác khoa giáo 6 tháng đầu năm 2019, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã tuyên bố, kỳ thi THPT quốc gia năm 2021 sẽ thay đổi.
Nhớ lại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cũng có hàng loại giải pháp đấy thôi. Nhưng rút cục các sai phạm nghiêm trọng đã xảy ra nhưng không có ai bị cách chức, xin từ chức cho đến khi bị khởi tố.
Các chuyên gia giáo dục cho biết, thông thường, để thay đổi một kỳ thi THPT thông thường phải mất 12 năm nhưng Bộ GD&ĐT mới chỉ thực hiện một nửa lộ trình trong 6 năm đã quá vội vàng thay thế. Lại còn chuyện biên soạn sách giáo khoa, Bộ mới nhận được 5 bộ sách do các nhà xuất bản gửi đến và đang tổ chức thẩm định. Không biết bao giờ chọn được sách giáo khoa tốt nhất để năm tới dùng. Được biết, theo lộ trình, sẽ thực hiện chương trình mới theo từng lớp. Năm học 2020-2021 áp dụng với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, 8 và 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, 9 và 12.
Chuyên gia lưu ý, để có bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh phải mất ít nhất 12 năm nhưng Bộ GD&ĐT lại có “sáng kiến” rút gọn một nửa thời gian để thực hiện trong 6 năm. Coi chừng “dục tốc bất đạt”! Việc đổi mới sách giáo khoa, đổi mới kỳ thi THPT quốc gia cần đồng bộ nhưng vẫn phải bám vào kiến thức đã có, được thể hiện trong các bộ sách giáo khoa. Đó là chưa kể việc trong thời gian ngắn thay đổi bộ sách giáo khoa sẽ rất tốn kém. Trong khi sách giáo khoa hiện tại vẫn đang dùng tốt đã phải thay cái mới thì rất lãng phí.
Các nhà giáo tâm huyết cho rằng, việc thay đổi kỳ thi THPT quốc gia có liên quan mật thiết đến việc thay đổi bộ sách giáo khoa. Chúng ta đổi mới giáo dục từ năm 2015 nhưng năm nào cũng nảy sinh nhiều vấn đề trong kỳ thi THPT quốc gia ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh, phụ huynh và người dân cả nước. Đáng xấu hổ vì kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có các vụ án hình sự lên quan đến việc sửa điểm thi tại 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang. Còn kỳ thi năm 2019 chưa được tổng kết đầy đủ sao đã vội vẽ vời thay thế khi các kỳ thi chưa đạt được sự ổn định.
Theo phổ điểm mà Bộ GD&ĐT đã công bố sau kỳ thi THPT quốc gia 2019 cho thấy, hai môn Tiếng Anh và Lịch sử có điểm thi thấp nhất nhưng chỉ thấy Bộ trưởng kêu là không chấp nhận được mà không thấy nói gì về cải thiện 2 môn này từ nội dung chương trình đến sách giáo khoa, các dạy, cách học...
Vì vậy, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, hướng đi của ngành giáo dục đang quá vội vàng, bị rút gọn nên có thể dẫn đến nhiều hệ lụy mà các em học sinh là người phải gánh chịu.