Ngày 5/9, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, vừa thực hiện thành công đồng thời 2 ca ghép tạng xuyên Việt (1 ghép tim và 1 ghép gan) từ một người cho chết não tại Hà Nội.
Trước đó, khoảng 22h25 ngày 30/8, Bệnh viện Trung ương Huế nhận được thông tin có người hiến tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện 103 (Hà Nội). Lập tức, một ê kíp của đơn vị này được điều đi Hà Nội trong đêm để làm việc với các bên liên quan.
Tại Bệnh viện 103, ngay khi có kết quả tương thích giữa người cho với 2 người nhận (ghép tim và gan) tại Huế, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã quyết định cho phép các kíp mổ của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với các kíp mổ của Bệnh viện Quân y 103 phẫu thuật lấy đa tạng hiến từ người đã chết não.
Sau hơn 2 tiếng rưỡi, quả tim và gan của người hiến được phẫu thuật, lấy ra khỏi cơ thể người chết não và được ê kíp bác sĩ vận chuyển lên máy bay chuyển cấp tốc về Huế trong sáng cùng ngày.
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện cùng lúc 2 ca ghép tạng cho bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân Trần Văn T. (36 tuổi, quê Lý Sơn, Quảng Ngãi) đang điều trị do bị suy tim giai đoạn cuối vì bệnh cơ tim giãn; bệnh nhân Lê Khắc T. (52 tuổi, trú huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) bị mắc ung thư gan trên nền xơ gan mất bù đang chờ ghép tim và gan. Đây là 2 bệnh nhân được đánh giá là thích hợp nhất về các chỉ tiêu tuyển chọn với nguồn tạng hiến nói trên.
Toàn bộ các kíp phẫu thuật, kíp gây mê, kíp rửa tạng... tập trung phối hợp khẩn trương để thực hiện ghép tạng đồng thời trên 2 bệnh nhân.
Sau quá trình ghép tạng, quả tim ghép của người hiến đã tự đập và đảm bảo huyết động trong lồng ngực của bệnh nhân Trần Văn T. lúc 11h45 ngày 31/8, chỉ sau hơn 4 giờ thiếu máu lạnh. Còn lá gan ghép bắt đầu thực hiện chức năng của mình trong cơ thể bệnh nhân Lê Khắc T. một cách đầy đủ sau hơn 7 giờ thiếu máu lạnh.
Hiện tại, cả 2 bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, các thông số huyết động hô hấp ổn định, các chỉ số sinh hóa và huyết học trong giới hạn, bệnh nhân được rút nội khí quản, ngưng máy thở và tiếp tục được chăm sóc theo dõi cũng như tập vận động nhẹ để phục hồi chức năng.
Chỉ trong 36 giờ đồng hồ được ghép tạng nhận từ người chết não, 2 bệnh nhân hồi phục thần kỳ, tỉnh táo và có thể tự ăn uống.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, để thực hiện thành công 2 ca ghép tạng này, bệnh viện đã phối hợp đồng bộ với nhiều trung tâm, khoa phòng (gồm nhiều chuyên ngành) trong toàn đơn vị; đặc biệt là công tác tổ chức, hậu cần như cung cấp đầy đủ máu cùng các chế phẩm của máu với số lượng rất lớn đồng thời cho hai bệnh nhân có cùng nhóm máu…
“Thành công của hai ca ghép tạng xuyên Việt cùng một thời điểm đã khẳng định vị thế của bệnh viện trong chinh phục đỉnh cao của ghép tạng”, ông Hiệp cho hay.
Trong tháng 8/2019, cùng với sự ra đời của Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện đã thực hiện ghép tạng thành công 21 trường hợp, trong đó có ca 1 ghép gan, 2 ghép tim xuyên Việt, 18 ca ghép thận. Kết quả này nhờ có sự giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam và sự nỗ lực của tập thể y, bác sĩ của bệnh viện.