Trong chuyến hành trình theo dấu chân Bình Định Vương Lê Lợi trong những ngày gian khổ kháng chiến chống quân Minh ở Thanh Hóa, chúng tôi đã bị “lạc lối” ở bản nguyên sơ Năng Cát, xã Trí Nang. Tên bản do Lê Lợi đặt trong một lần hành quân qua đây.
Tên gọi của bản Năng Cát, huyện Lanh Chánh gắn với những câu chuyện truyền đời bên bếp lửa của người Thái nơi đây về nghĩa quân Lam Sơn và Lê Lợi. Chuyển kể rằng, trong lần Vua Lê và quân lính bị giặc truy đuổi, đến tối mới tìm được nơi dựng trại, nấu cơm. Đường chật, người đông, nấu được nồi cơm thật vất vả. Ngay đội quân bảo vệ cho Lê Lợi cũng tất bật, vội vàng. Họ mang nồi niêu ra khe để vo gạo, múc nước. Vì kéo nhau xuống khe quá đông, nước khe cạn, làm vẩn đục dòng nước, đến nỗi khi đem nồi cơm nấu riêng cho nhà Vua về cũng có cát đọng dưới đáy, lẫn cả với cơm. Lê Lợi liền đặt luôn cho vùng đất ấy là Năng Cát.
Các thiếu nữ Thái bản Năng Cát dưới mái nhà sàn
Trước đây, để lên được bản, người dân phải đánh vật với con đường đá lởm chởm, những khúc cua tay áo gai người, các con suối vắt ngang làm nản lòng người đến bản. Kể từ khi được tỉnh Thanh Hóa đầu tư, đánh thức tiềm năng du lịch khu vực này, đường đã được rải cấp phối, đoạn vào bản đã được đổ bê tông rộng rãi thoải mái phóng ô tô lên tận nơi. Nằm dưới chân núi Chí linh, cách trung tâm thị trấn Lang Chánh 21 km, bản Năng Cát xã Trí Nang có tổng diện tích tự nhiên 600 ha, dân số 596 nhân khẩu, đồng bào sinh sống ở đây chủ yếu là người dân tộc Thái.
Nhà sàn dân tộc Thái còn giữ được sự nguyên sơ
Chúng tôi tới núi Chí Linh khi trời ngả sang chiều, những hạt nắng nhạt đánh đáo trên những cành cây, hốc đá. Với khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 15-18 độ C. Thiên nhiên đã ban tặng cho Năng Cát nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thác Ma Hao gắn với lịch sử chống giặc ngoại xâm của nghĩa quân Lê Lợi. Sau khi vẩn vơ, lạc lối bên trên hình thù đá đủ loại của thác Ma Hao và đắm mình trong dòng nước mát nô đùa thỏa thích, những chiếc bụng đói cồn cào bắt đầu biểu tình. Du khách có thể tận hưởng những món đặc sản của núi rừng ngay đường vào thác hoặc vào trung tâm bản Năng Cát, cách đó vài km để vừa thưởng thức ẩm thực vừa chiêm ngưỡng giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng của đồng bào người Thái.
Các món ăn đặc biệt và rượu men Thái làm say lòng người
Nét nguyên sơ của miền sơn cước vẫn còn được gìn giữ trong những nếp nhà sàn nằm lưng chừng núi của người Thái nơi đây. Năng Cát có 130 hộ dân thì có tới 124 hộ ở nhà sàn, một không gian kiến trúc độc đáo hiếm có ở các bản làng vùng cao - với kiểu kiến trúc nhà sàn cổ của người Thái miền tây Thanh Hóa, cao rộng, thoáng đãng, đa phần là nhà 4 gian 2 chái. Nhà cửa của người Thái Năng Cát vừa cao ráo, tạo được một quần thể kiến trúc đẹp và thơ mộng.
Từ ngày có đề án phát triển du lịch, người dân được tập huấn, cầm tay chỉ việc từng chút một công với việc mếm khách là bản tính dân tộc Thái, bất kỳ ai đến đây đều có thể lựa chọn cho mình một gian nhà sàn rộng rãi để trải nghiệm với giá cả rất phải chăng.
Du khách có thể tham gia cấy lúa trên ruộng bậc thang cùng người bản địa
Chúng tôi được chủ nhà Trưởng bản Hà Văn Cảnh cho thưởng thức món cá tầm, cá hồi, loại cá được nuôi bằng mạch nước vắt ra từ lòng đá núi nấu với lá cây Sa lăng (cái thứ cây chỉ có trên đỉnh Pù Rinh) không thể sống khi mang đi trồng ở nơi khác. Lá Sa lăng có vị thơm và bùi nên khi được cuốn với cá hồi, cá tầm, dù là xào, nướng hay gỏi, đều tạo nên một cảm giác khá dễ chịu. Cơm lam dẻo mềm quyện trong cái mùi ngai ngái của ống nứa non, thịt lam, thịt lợn cỏ nướng cuốn lá bưởi, chẻo cá, náp cá, chẻo gừng thịt gà. Các loại rau tự nhiên trong rừng như rau dớn, rau sắng, măng rừng và nhâm nhi chén rượu men lá thơm lừng. Sau bữa cơm, mọi người cùng nhau quây quần bên đống lửa, lắng nghe tiếng sáo ôi vang vọng núi rừng, tiếng khắp thái, hát đối đáp của những đôi nam nữ trao duyên với âm điệu trầm hùng của dàn chiêng cổ, tiếng khua luống truyền thống từ ngàn đời. Và được say sưa trong những vòng xòe, cùng những bước chân của các cô gái Thái đẹp nổi tiếng xứ Châu Lang, vòng tay mềm mại trong diệu múa mừng cơm mới, hay nhịp nhàng trong điệu múa sạp gắn kết. Trong không gian ấy người cục mịch nhất cũng có thể thành thi sĩ.
Hòa nhịp cùng với những bài múa, hát của người Thái bên bếp lửa
Đến với Năng Cát chúng tôi không chỉ được tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào người Thái, hòa mình vào cuộc sống thường ngày của những nười dân nơi đây trong các trò chơi, trò diễn như ném còn, chọi cù, chơi quay. Cùng thưởng thức những tài nghệ của người phụ nữ Thái trên những tấm thổ cẩm đủ màu sắc. Tục truyền, người con gái Thái khi bước chân về nhà chồng phải biết thêu khăn, dệt vải, may váy áo, chăn màn cho mình và gia đình nhà chồng. Trưởng bản Cảnh còn dẫn chúng tôi đi giao lưu với cộng đồng cư dân địa phương, trực tiếp làm nương rẫy, đánh bắt cá, làm nghề truyền thống và trải nghiệm cuộc sống của người nông dân dưới hình thức tham gia cấy lúa ở ruộng bậc thang…
Du khách có thể cùng với người dân đốt lửa trại ngay trung tâm bản Năng Cát
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá bản sắc của đồng bào dân tộc thái đen trên địa bàn xã Trí Nang, ngày 06/02/2015 UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết định số 495, phê duyệt Đề án Phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại xã Trí Nang, huyện Lang Chánh. Năm 2016 với nguồn vốn hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh bà con nhân dân bản Năng Cát được hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn về phục dựng các hoạt động văn hoá văn nghệ của đồng bào dân tộc Thái tại địa phương; chế biến, trang trí các món ăn ẩm thực của người Thái; cách đón tiếp khách du lịch; tham quan học tập kinh nghiệm mô hình Du lịch cộng đồng tại tỉnh Lào Cai; ngoài ra Nhà văn hoá bản Năng Cát còn được trang bị thêm một số đồ dùng của bà con dân tộc Thái như: đệm ngồi, ghế mây, mâm mây...đến nay bà con đã hiểu có những kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng và cách thức phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Năm 2017 có trên 17 ngàn lượt khách về với bản Năng Cát và khu du lịch sinh thái thác Ma Hao.
Thời gian tới, huyện Lang Chánh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, đề ra những chính sách, kế hoạch phát triển du lịch với những cơ chế chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời, tập trung đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch tham quan di tích lịch sử, văn hoá. Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như bảo tồn truyền thống canh tác những thực phẩm bản địa tươi ngon như rau sạch, gạo nếp cái, tám thơm, chăn nuôi trâu bò, lợn cỏ, gà đồi, nuôi cá hồi, cá tầm, cá lăng...
Với cảnh đẹp mê hồn gắn với những sự kiện then chốt trong cuộc kháng chiến chống quân Minh và cách đầu tư du lịch bài bản, tương lai không xa khu du lịch sinh thái thác Ma Hao - bản Năng Cát và các hoạt động lễ hội tín ngưỡng của lễ hội chùa Mèo xã Quang hiến huyện Lang Chánh sẽ tạo thành một quần thể du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn.