Qatar vừa mới quyết định thành lập một ủy ban xem xét bồi thường phát sinh từ cuộc khủng hoảng vùng Vịnh bắt nguồn từ lệnh cô lập Doha của 4 nước Arab mà dẫn đầu là Ả Rập Saudi.
Ngày 9/7, tại cuộc họp báo thường kỳ ở thủ đô Doha, Tổng chưởng lý Qatar Ali bin Fetais al-Marri tuyên bố nước này thành lập một ủy ban xem xét bồi thường phát sinh từ cuộc khủng hoảng vùng Vịnh bắt nguồn từ 4 nước Arab do Ả Rập Saudi dẫn đầu.
Ông al-Marri cho biết, Ủy ban bồi thường sẽ được chính ông và các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp kiểm soát. Ủy ban này sẽ tiếp nhận tất cả các yêu cầu bồi thường từ các tổ chức công, tư nhân và cả cá nhân.
Tổng chưởng lý Qatar Ali bin Fetais al-Marri
Ông cho biết thêm, các nguyên đơn chịu ảnh hưởng lớn như Qatar Airways, ngân hàng hoặc cá nhân bao gồm các sinh viên Qatar, những người bị trục xuất khỏi các quốc gia nơi họ đang học sẽ có thể nộp đơn khiếu nại tại các tòa án ở Qatar.
Trước đó, ngày 23/6, 4 nước Arab đã gửi tới Qatar yêu sách gồm 13 điểm. Doha có 10 ngày để thực hiện những đòi hỏi này nếu muốn khôi phục quan hệ ngoại giao với các nước Arab.
Bản yêu sách 13 điểm yêu cầu Qatar phải đóng cửa hãng thông tấn Al Jazeera, hạn chế quan hệ với Iran và đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar.
Ngoài ra, bản yêu sách buộc Qatar ngừng hỗ trợ và cắt đứt quan hệ với tổ chức Anh Em Hồi giáo và các nhóm chính trị cực đoan khác như Hezbollah, al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Doha cũng phải giao nộp tất cả các phần tử khủng bố nằm trong danh sách do 4 nước Arab cung cấp và đưa các phần tử này ra khỏi lãnh thổ của mình
Về phía Qatar, nước này đã tuyên bố bản yêu sách gồm 13 yêu cầu trên hoàn toàn “vô căn cứ” và được tạo ra để “từ chối”. Ngoại trưởng Quatar cũng khẳng định không một quốc gia nào được phép ra tối hậu thư cho một quốc gia có chủ quyền.
Trước sự cứng rắn của Qatar, Ả Rập Saudi và các nước đồng minh đã đồng ý theo yêu cầu của Kuwait kéo dài thời hạn đặt ra thêm 48 giờ để Doha thực hiện bản danh sách gồm 13 yêu cầu trên. 4 nước Arab cũng tuyên bố, sau hạn chót mới nếu Quatar không chấp nhận các yêu cầu trên, nước này có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới.
Hiện với lập trường cứng rắn của các quốc gia muốn cô lập Qatar cũng như thái độ đáp trả quyết liệt của Qatar đang khiến cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh ngày càng trầm trọng và đi vào bế tắc.