Qatar phải làm gì để đứng vững trước những "sóng gió" mới?

Hà Kim| 07/07/2017 16:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bốn nước Arab liên tục tung đòn bao vây nhằm vào Qatar nhưng cho đến hiện tại quốc gia nhỏ bé này vẫn đứng vững trước sóng gió vùng Vịnh.

Kết thúc cuộc họp khẩn tại thủ đô Cairo, Ai Cập vào chiều 5/7, bốn nước Arab đã ra tuyên bố chung đăng tải trên phương tiện truyền thông nhà nước cho biết, tối hậu thư ban đầu gồm 13 yêu cầu đưa ra với Qatar đã hết hiệu lực. Các nước tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp mới chống lại Qatar trên các phương diện chính trị, kinh tế và pháp lý.

Các quốc gia vùng Vịnh khẳng định, những biện pháp nhằm vào chính phủ Qatar chứ không phải người dân nước này. Tuy nhiên, các nước không đề cập tới khi nào những biện pháp mới sẽ được công bố và nội dung cụ thể là gì.

Qatar phải làm gì để đứng vững trước những

Các nước tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp mới chống lại Qatar trên các phương diện chính trị, kinh tế và pháp lý

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp khẩn, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho biết, sự cô lập về chính trị và kinh tế sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi nào Qatar thay đổi các chính sách của mình theo một hướng đi tốt hơn.

Ông Shoukry cũng cho biết, phản hồi của Qatar tới 4 nước Arab là tiêu cực và rõ ràng Qatar đã không rút lại các chính sách của mình hay tuân theo các yêu cầu mà 4 nước Arab đã đưa ra.

Về phía Qatar, dù bị cắt đứt quan hệ ngoại giao, trừng phạt kinh tế trong suốt hơn một tháng qua, nhưng Qatar vẫn đứng vững và giữ lập trường quan điểm của mình cho rằng, các điều kiện của 4 nước Arab là phi thực tế và không thể thực hiện.

Theo giới phân tích khu vực, dù bị cô lập nhưng trong suốt cuộc khủng hoảng vừa qua, Qatar luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, khiến việc cô lập Qatar của 4 nước Arab dường như đã không đạt hiệu quả như mong đợi.

4 nước Arab đã tận dụng điểm yếu phải nhập khẩu lương thực để đáp ứng nhu cầu trong nước, nên đã phong tỏa và ngừng xuất khẩu mặt hàng này sang Qatar nhằm tạo ra một cuộc khủng hoảng lương thực để Qatar phải “nhượng bộ”.

Tuy nhiên, ngay lập tức Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã liên tục vận chuyển lương thực giúp Qatar lấp đầy “khoảng trống” và ổn định được tình hình trong nước.

Hơn thế, việc phong tỏa, cấm vận đường không và đường bộ đối với Qatar cũng đã không thể cản trở nước này, do Qatar vẫn có thể lưu thông hàng hóa bằng đường biển và đường không thông qua không phận quốc tế.

Hiện Qatar vẫn giữ mối quan hệ thương mại với trên 190 nước trên thế giới, do đó bị 3 hay 4 nước phong tỏa cũng chưa thể tác động mạnh đến các hoạt động thương mại của nước này.

Ngoài ra, tình hình kinh tế và tài chính của Qatar không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi cuộc khủng hoảng. Qatar vẫn giao dịch bình thường với thị trường tài chính quốc tế do 4 nước Arab không có khả năng làm thay đổi quy chế tiền tệ quốc tế.

Thêm vào đó, ngành xuất khẩu khí đốt tự nhiên - nguồn doanh thu chính của Qatar vẫn hoạt động bình thường. Và 4 nước Arab không thể phong tỏa vấn đề năng lượng với Qatar bởi điều này vượt quá khả năng của 4 nước trong việc áp đặt ý nguyện của mình lên thị trường năng lượng quốc tế.

Chính vì thế, dù quyết định tiếp tục kéo dài cô lập đối với Qatar, 4 nước Arab vẫn cần thêm một cuộc họp nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng trong thời gian tới tại Bahrain.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Qatar phải làm gì để đứng vững trước những "sóng gió" mới?