Putin nối lại thỏa thuận bán S-300 nhằm gia tăng quyền lực của Nga

Vũ Minh| 17/04/2015 13:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các chuyên gia nhận định, Nga đang tính toán rằng, việc bán hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran sẽ gia tăng quyền lực của Moscow ở Trung Đông.

Không chỉ có vậy, Nga cũng sẽ thu được lợi nhuận từ các cơ hội kinh tế mà thỏa thuận hạt nhân tiềm năng của Tehran mang lại, theo Sputnik.

Ông Bilyana Lilly, tác giả cuốn “Chính sách đối ngoại của Nga hướng đến phòng thủ tên lửa: Những diễn viên, Động cơ thúc đẩy, và Tầm ảnh hưởng” phát biểu với Sputnik: “Nga sẽ sử dụng cửa sổ cơ hội được tạo ra bởi thỏa thuận khung ký kết tại Lausanne để làm tăng thêm mối quan hệ của mình với Iran, làm tăng quyền lực Moscow trong khu vực (Trung Đông), và thu lợi về mặt kinh tế”.

Moscow có thể kiếm được tới 13 tỉ USD từ các khoản lợi nhuận trong thương vụ vũ khí này nếu như các lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc được dỡ bỏ - như một phần thỏa thuận hạt nhân của Iran, ông Lilly nhấn mạnh.

Sau khi Nga thông báo sẽ bán phiên bản nâng cấp của hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Tehran, vào hôm 13/4 vừa qua, Mỹ đã bày tỏ lo lắng và cáo buộc rằng vụ mua bán vũ khí này sẽ tạo ra sự bất ổn ở khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lại thừa nhận rằng, việc bán S-300 không hề vi phạm bất cứ nghị quyết nào về chống lại Iran của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc.

Putin nối lại thỏa thuận bán S-300 nhằm gia tăng quyền lực của Nga

Hệ thống tên lửa phòng không S-300

Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ, bao gồm Israel, Arập Xêút và các quốc gia vùng Vịnh - những khách hàng chính về trang thiết bị quân sự hàng nặng của Mỹ - cũng tỏ ra lo lắng về việc bán tên lửa S-300 của Nga cho Iran - đối thủ trong khu vực.

Chính Israel, từng vận động ngăn cản thành công thương vụ S-300 giữa Moscow và Tehran hồi năm 2010, giờ đây tỏ ra lo ngại rằng vụ mua bán này sẽ làm tăng chi phí cho những cuộc không kích - có thể sẽ xảy ra - nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Còn ông Dakota Wood, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao của Heritage Foundation, thì nhận định: “Có vẻ như khá khiêu khích nếu toàn bộ mục đích của cuộc đàm phán P5+1 với Iran chỉ nhằm xuống thang”.

“Tại sao Tehran cần thế hệ mới nhất của hệ thống tên lửa phòng không? Thật là kỳ quặc và nó làm nảy sinh sự nghi ngờ về mục đích thực sự của Iran”, ông Wood nói.

Tuy vậy, ông Dakota Wood cũng đồng ý với quan điểm của ông Lilly rằng, thương vụ vũ khí này là cơ hội cho Nga kiếm được ngoại tệ, cũng như gia tăng tầm ảnh hưởng và thiện chí với Iran”.

Giới chức Nga, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin, cũng cho biết, vụ bán S-300 cho Iran sẽ góp phần làm tăng sự ổn định ở khu vực Trung Đông.

Hôm qua (16/4), ông Putin đưa ra nhận định, trong bối cảnh Arập Xêút và quốc gia vùng Vịnh xây dựng quân đội tại Yemen, thì việc bán S-300 sẽ ngăn chặn những hành vi thù địch có nguy cơ bùng nổ.

Tổng thống Putin cũng đưa ra lý lẽ rằng thỏa thuận hạt nhân khung cho thấy Iran có ý muốn thỏa hiệp và nhằm đạt được một thỏa thuận với các cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân của mình, còn những lo ngại của Israel là hoàn toàn vô căn cứ.

Năm 2007, Nga đồng ý bàn giao 5 tổ hợp tên lửa S-300PMU-1/SA-20 Gargoyle SAM cho Iran với giá khoảng 800 triệu USD.

Ngày 09/6/2010, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Nghị quyết áp đặt các biện pháp cấm vận đối với Iran bao gồm lệnh cấm đi lại và những hạn chế tài chính đối với những cá nhân hoặc nhóm có liên hệ với các hoạt động hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo Iran, kể cả với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, và Công ty Hàng hải của nước cộng hòa Hồi giáo này.

Với lệnh cấm bán vũ khí hiện đại cho Iran được thông qua trong nghị quyết trừng phạt Tehran mà Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đưa ra, là một thành viên, Nga đã phải dừng tất cả quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự với Iran.

Ngày 22/9/2010, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký sắc lệnh thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Theo đó, tất cả các thương vụ trang thiết bị quân sự, bao gồm cả việc chuyển giao vũ khí cho Iran từ bên ngoài biên giới nước Nga bằng máy bay hoặc tàu hoạt động dưới lá cờ Liên bang Nga đều bị cấm.

Ngày 13/4, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-300 cho Iran. Tổ hợp S-300 được đánh giá là “lá chắn tên lửa đầy uy lực” có thể chống lại những cuộc tấn công trên không.

Thông báo chính thức của Điện Kremlin ngày 13/4 cho biết, sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm vận bao gồm việc quá cảnh qua lãnh thổ của Liên bang Nga (trong đó có cả đường hàng không); dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống phòng không S-300 của Nga cho Iran.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Putin nối lại thỏa thuận bán S-300 nhằm gia tăng quyền lực của Nga