Nếu như có “danh sách tội phạm tàn ác nhất lịch sử tố tụng Việt Nam” thì Lê Thanh Vân (SN 1956, ngụ phường 11, quận 10, Tp.Hồ Chí Minh) sẽ dễ dàng “độc chiếm” ngôi vị số một.
Chỉ trong thời gian khoảng 3 năm, Vân đã cướp đi sinh mạng của 13 người và khi xuống mồ, thị còn để lại một bản danh sách hàng loạt những cái chết đầy bất ngờ, bí ẩn khác. Thủ đoạn gây án man rợ và tàn ác đến tận cùng nhưng trong thời khắc sắp ra pháp trường đền tội, Lê Thanh Vân dường như đã sám hối được tội lỗi. Việc thực thi hình phạt tử hình đối với người đàn bà mang trọng tội này qua lời kể của ông Nguyễn Dũng, nguyên Thẩm phán TAND tỉnh Bình Dương cũng đầy tính nhân văn...
Sát thủ “mê”… đi chùa
Ông Nguyễn Dũng từng là một Thẩm phán kỳ cựu của ngành Tòa án Bình Dương, trong cuộc đời làm công tác xét xử, trải qua hàng ngàn vụ án nhưng “kỳ án phù thủy” Lê Thanh Vân là trường hợp khiến ông không khỏi ám ảnh.
Quá khứ của người đàn bà có vẻ ngoài hiền lành, xinh đẹp nhưng ẩn sâu bên trong là những âm mưu giết người vô cùng nham hiểm. Từ tháng 1-1998 đến tháng 8-2001, Vân dùng thủ đoạn làm quen, giới thiệu việc làm, tạo tình cảm, uy tín, nhận làm con nuôi... Sau đó, Vân rủ nạn nhân đi ăn uống, dùng chất độc xyanua chế vào thức ăn, nước uống sát hại nạn nhân, cướp tài sản.
Trong số 13 người lìa đời dưới “lưỡi hái tử thần” của Lê Thanh Vân, có một vụ án khiến những người làm công tác xét xử như ông Dũng phải nhớ mãi, đó là vụ mà Vân đã “điều” nạn nhân lên tận chùa rồi mới ra tay giết hại. Đến cửa phật là nơi con người về với cái thiện, nhưng với Vân lại thẳng tay làm việc ác tại nơi linh thiêng. Đó là vụ giết ông Võ Hữu Khiêm (SN 1945, ngụ tại đường Bùi Thị Xuân, phường 2, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh), Giám đốc Công ty TNHH Như Quân. Ông Khiêm là người bị đầu độc và tử vong với những triệu chứng dữ dội nhất và như một sự quả báo, từ vụ án này, Lê Thanh Vân đã dần lộ mặt…
Dù là kẻ sát nhân máu lạnh nhưng Vân lại mê vào chùa cúng bái, trò chuyện với những nhà tu hành. Trong vụ giết hại ông Khiêm, kế hoạch giết người cướp xe được Vân dựng lên quá nhẫn tâm và độc ác.
Sáng 4-9-1999, Vân rủ ông Khiêm đi chùa cúng, chọn ngày tốt để nhờ ông Khiêm khởi công sửa nhà mẹ của Vân. Ông Khiêm không mảy may nghi ngờ, mượn chiếc xe Dream II của một người bạn chở Vân bon bon chạy về hướng chùa Tây Tạng, toạ lạc tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Khi hai người vào quán ăn trưa, ông Khiêm lấy chai rượu thuốc mang theo trong người rót ra uống. Lợi dụng lúc ông Khiêm đi vệ sinh, Vân rắc ngay chất độc xyanua vào ly rượu. Ông Khiêm quay ra uống hết ly rượu độc liều kêu mệt.
Ăn uống xong, Vân kéo ông Khiêm lên chùa Tây Tạng lễ bái. Khi đến cửa phật, Vân vào trò chuyện với các sư, riêng ông Khiêm trúng độc và nằm chết gục cạnh gốc cây bên lối đường đi trong chùa. Nghe các sư báo tin dữ, Vân liền giả bộ hớt hải chạy ra ngồi bên xác nạn nhân than khóc. Ý định “ca bài tẩu mã” cùng chiếc xe Dream II của Vân lại tan thành mây khói khi cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng đến khám nghiệm hiện trường, tiến hành tạm giữ xe máy. Thủ đoạn giết người tinh vi, man rợ của Lê Thanh Vân quả là “độc nhất vô nhị” trong lịch sử tố tụng nước ta. Danh sách nạn nhân còn tiếp tục dài ra theo “cảm hứng” tàn bạo của thị…
“Máy bay bà già” khoái “phi công trẻ”
Lê Thanh Vân rất khoái cặp bồ với trai trẻ, như người tình Dìu Dãnh Quang (SN 1973) thua kém Vân đến 16 tuổi. Trên thực tế, Quang không chỉ bị Vân lợi dụng tình cảm mà còn bị biến thành đồng phạm trong quá trình gây án.
Trong vụ giết anh Trần Văn Khôi (SN 1960, ngụ tại phường 9, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh), cướp xe máy trị giá 12,4 triệu đồng, khi ra Tòa, Vân thị hoàn toàn vô can, thậm chí Vân còn “kể công” đã đến Bệnh viện Sài Gòn để trả tiền taxi và giúp Quang đưa anh Khôi vào phòng cấp cứu”. Điều khôi hài là trong giai đoạn điều tra, Vân ra sức đổ tội cho gã tình trẻ Dìu Dãnh Quang, còn trước vành móng ngựa thị lại đưa Quang ra để làm chứng, xác nhận không thấy Vân hạ độc(?).
Cặp đôi tội lỗi Lê Thanh Vân và Dìu Dãnh Quang tại phiên tòa phúc thẩm
Trước sự bội bạc của Vân tại Tòa khiến Quang bực bội: “Bị cáo Vân khai bậy rồi”. Theo Quang, y không biết gì về cái chết của anh Khôi, y thừa nhận có giữ chiếc xe của anh Khôi nhưng đó là chiếc xe mà Vân đưa cho chứ y không cướp của ai cả. Dù cặp tình nhân đổ tội cho nhau nhưng Tòa đã làm rõ và phân tích các chứng cứ để xác định chính Vân là kẻ chủ mưu, là người trực tiếp cho chất độc xyanua vào ly cà phê của anh Khôi, để anh Khôi uống, trúng độc và chết. Quang là đồng phạm giúp sức cùng Vân giết anh Khôi và cướp xe máy.
Lê Thanh Vân gây “ấn tượng” cho những người từng xét xử vụ án không chỉ bởi cặp mắt lạnh lẽo, sắc như dao cạo mà còn ở những “trường đoạn” leo lẻo chối tội. Thẩm phán Trần Văn Tong, Chủ toạ phiên toà từng thẩm vấn Vân về chiếc lọ nhựa chứa 2,802 gram bột chất độc xyanua (đủ để giết chết khoảng 20 người khoẻ mạnh) mà cơ quan Cảnh sát điều tra thu được khi bắt khẩn cấp, Vân nói dối không ngượng miệng: “Đó là lọ thuốc tang vật trong một vụ án xảy ra ở tỉnh Bình Thuận. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận và bác sỹ Lâm Thiên Tr. (công tác ở Bệnh viện Y Dược Tp. Hồ Chí Minh) nhờ bị cáo mang đi giám định để giúp bên Công an… phá án. Chẳng qua vì “tình người”, vì tin tưởng nên bị cáo nhận lời giúp chứ bị cáo đâu có biết đó là loại chất gì”.
Chữ “tình người” trong vụ án Lê Thanh Vân thật chua xót, đau lòng. Toàn bộ 13 nạn nhân vì được hưởng “tình người” của Vân mà không ai còn sống sót. Và “tình người” kiểu “phù thủy” nên sau khi các nạn nhân chết, Vân đã khai man tên họ để làm giả giấy sang nhượng chiếm đoạt đất đai nhà cửa, tài sản của các nạn nhân.
Thẩm phán Dũng nhớ lại: Vân giết chết 13 người, cướp tài sản với tổng tài sản trị giá trên 311 triệu đồng, một khoản tiền lớn tại thời điểm gây án. Vân giết người theo kiểu “trẻ không tha, già không thương”, có nạn nhân đã 81 tuổi như cụ Võ Thị Lý (ngụ tại huyện Long Khánh, Đồng Nai) bị Vân hạ sát chỉ để cướp 900.000 đồng. Hành vi của Lê Thanh Vân là dã man, tàn bạo ngoài sức tượng tượng, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến toàn bộ xã hội phải căm phẫn. Do đó Tòa áp dụng hình phạt cao nhất đối với Lê Thanh Vân để giữ gìn trật tự trị an, an toàn xã hội là hoàn toàn tương xứng.
Ngoài bản án tử hình cho hành vi giết 13 mạng người, Lê Thanh Vân còn liên quan trực tiếp đến 8 vụ án khác gồm 16 người bị đầu độc, trong đó có 3 người chết, 13 người thoát chết nhờ được cấp cứu kịp thời. Vân còn là nghi can trong cái chết của người hàng xóm Bùi Thị Chung (SN 1971, ngụ phường 11, quận 10). Chị Chung tử vong ngày 15-11-1992 do ngộ độc, bị ói mửa sau khi ăn mì gà, còn Vân thì ung dung ngồi... quan sát.
Điều đáng sợ là các ông chồng của “phù thuỷ” đều chết bất đắc kỳ tử. Lê Thanh Vân là nghi can số một về cái chết đột ngột của 2 người chồng quá cố. Ông chồng thứ nhất của thị là Nguyễn Quang Mễ (SN 1929), cưới Vân được 4 năm thì chết vào ngày 2-4-1989. Ông Mễ là người khoẻ mạnh nhưng đột ngột phải nhập Bệnh viện An Bình và mất sau 1 tiếng đồng hồ cấp cứu. Lúc chết, ông Mễ đang là Phó Giám đốc Nhà máy kính Biên Hoà. Sau đó, Vân bán nhà và ôm tiền chuyển lên Tp. Hồ Chí Minh sống với ông chồng mới là Lê Văn Minh (SN 1935). Năm 1992, Vân và ông Minh thuê nhà ở cư xá Bắc Hải cùng xây dựng “tổ ấm”. Ông Minh vốn khoẻ mạnh bỗng đổ bệnh và chết tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vào ngày 18-6-1992. Bệnh viện chẩn đoán ông Minh bị suy hô hấp, yếu nửa người…
Phút đền tội
Thẩm phán Nguyễn Dũng nhớ lại: Ngày 1-9-2004, TAND tỉnh Bình Dương đưa Lê Thanh Vân ra xét xử, tuyên phạt thị mức án tử hình. Đến ngày 2-2-2005, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Tp. Hồ Chí Minh y án sơ thẩm. Vân có làm đơn gửi Chủ tịch nước nhưng với tội trạng quá tày đình, ngày 4-10-2005, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1159 bác đơn xin ân giảm án tử hình đối với Vân. Việc đưa Vân ra pháp trường được ấn định vào ngày 26-10-2005, thi hành án tại nghĩa trang thị xã Thủ Dầu Một.
Ông Nguyễn Dũng là một trong những thành viên Hội đồng thi hành án tỉnh Bình Dương. Ông Dũng nhớ lại, hơn 4 giờ sáng, ông cùng mọi người đến trại giam làm thủ tục thi hành án tử hình. Giữa sự tĩnh lặng nơi trại giam, tiếng chìa khóa buồng biệt giam va vào nhau lách cách lúc về sáng là nỗi ám ảnh của các tử tù, báo hiệu thời khắc cuối cùng của cuộc đời sắp điểm. Khi bị dẫn giải ra khỏi phòng giam, Vân chửi bới, vùng vẫy chống trả, sau đó bật khóc nghe quyết định bác đơn ân xá của Chủ tịch nước với vẻ mặt đầy tuyệt vọng. Các thành viên Hội đồng thi hành án và các cán bộ trại giam đã chuẩn bị cho Lê Thanh Vân bữa cơm cuối cùng nhưng tử tù này không sao nuốt nổi và vẫn tỏ thái độ bất hợp tác.
Ông Dũng kể lại: “Thấy thái độ của Lê Thanh Vân, tôi hiểu được tâm lý của tử tội nên nhẹ nhàng khuyên nhủ: Cô Vân à, cô nên hiểu anh em chúng tôi cũng rất buồn khi phải lấy đi một sinh mạng con người. Đây là một định mệnh không thể thay đổi được. Cô nên hợp tác với chúng tôi, nếu có nguyện vọng cuối đời gì cứ chia sẻ với tôi, tôi sẽ giúp trong khả năng có thể”. Nghe tôi nói vậy, Lê Thanh Vân lặng im suy nghĩ, một lúc sau, tử tù này ngước mặt lên nhìn tôi với đôi mắt ngấn nước: “Tôi mong cán bộ trước khi bắn, hãy mở băng bịt mắt để tôi nhìn thấy người thân và quang cảnh bên ngoài một lần cuối. Nếu có được đặc ân này, tôi sẽ yên tâm mà nhắm mắt”. Dù gây tội ác kinh hoàng nhưng đề nghị của Lê Thanh Vân khiến tôi thật bất ngờ. Tôi đáp: “Tôi sẽ thực hiện nguyện vọng cuối cùng của cô, tôi hứa đấy”! Lúc này nhìn vào mắt của tử tù Lê Thanh Vân, tôi hiểu rằng cô ta mới thật sự cảm nhận được giá trị của sự sống và sự ăn năn sám hối, dù tất cả đều đã muộn màng”.
Khoảng 5 giờ sáng, chiếc xe bít bùng chở Lê Thanh Vân tiến thẳng ra pháp trường. Lúc này Vân đã hoàn toàn bình tĩnh đón nhận thời khắc định mệnh. Ông Dũng đã thực hiện đúng lời hứa với tử tù trước khi loạt đạn khô khốc vang lên. Việc thi hành án kết thúc, ông Dũng ra về khi trời đã hửng sáng, phía chân trời ửng đỏ một màu hồng. Có lẽ đó là một bình minh thật đẹp với Lê Thanh Vân bởi tử tù sẽ không còn một cơ hội nào để ngắm ánh sáng mặt trời thêm một lần nào nữa...
"Phù thuỷ" chỉ “tin dùng” chất độc của phát xít Đức Ông Dũng kể lại: Từng xử nhiều vụ án giết người nhưng thủ đoạn gây án của Lê Thanh Vân là không “đụng hàng”. Vân chỉ dùng chất độc xyanua, nhiều người thắc mắc về loại hoá chất này. Tại sao Vân sử dụng liên tục trong vòng 4 năm, giết 13 mạng người mà Cơ quan điều tra vẫn không tìm thấy chất độc trong tử thi các nạn nhân? Xyanua được xếp vào danh mục hoá chất rất độc hại, làm tê liệt hô hấp tế bào, chỉ cần một lượng cực nhỏ ở mức 0,15-0,20 gram là gây tử vong cho người lớn. Ngộ độc cấp ở loại chất này xảy ra rất mau chóng khiến trung tâm hành tuỷ bị tê liệt. Nạn nhân kêu lên một tiếng và ngã ra bất tỉnh, cứng gáy, thở ngắt quãng rồi ngừng thở, ngừng tim. Vì xyanua “lợi hại” như vậy nên được phát xít Đức sử dụng dưới tên Zykion để thảm sát tù nhân trong Thế chiến 2. Một đặc tính của xyanua là sau khi tiêu diệt sự sống liền “biến mất”. Cơ quan điều tra nhiều lần tiến hành thực nghiệm chất độc trên động vật 4 chân với liều lượng độc tố từ nhẹ đến nặng nhưng kết quả vẫn không thấy xyanua. Nguyên nhân là do các chất đường và Andehyt phá huỷ xyanua nên liều lượng nếu tìm thấy nhỏ hơn rất nhiều so với thực tế. Vì thế, các nạn nhân của Vân dù được khám nghiệm tử thi nhưng cán bộ pháp y đều không tìm thấy chất độc. Sự hung bạo của Vân cộng thêm sự “lợi hại” của xyanua khiến tính chất, quy mô của vụ án trở nên phức tạp do Cơ quan điều tra gặp rất nhiều khó khăn. |
An Dương