TAND cấp cao tại TPHCM đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB, nay là CB), cùng đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Dự kiến phiên tòa kéo dài đến ngày 25/12.
Theo bản án sơ thẩm của TAND TP HCM, ông Phạm Công Danh sử dụng 29 công ty do bị cáo đứng sau vay tiền tại 3 ngân hàng, dùng tiền của VNCB gửi tại 3 ngân hàng này bảo lãnh cho 29 công ty của Danh, gây thiệt hại cho VNCB 6.126,8 tỷ đồng khi 29 công ty này không có khả năng trả nợ. TAND TPHCM đã tuyên phạt Phạm Công Danh và Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) cùng mức án 30 năm tù, ông Trầm Bê 4 năm tù, 43 đồng phạm còn lại nhận mức án từ 2 năm tù treo đến 30 năm tù. Về dân sự, án sơ thẩm tuyên thu hồi hàng ngàn tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau được xác định là tang vật vụ án.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Phạm Công Danh, bị cáo Phan Thành Mai kháng cáo đề nghị thu hồi một số khoản tiền mà cấp sơ thẩm chưa xem xét. Ngoài ra, 12 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Một số bị cáo bị VKS kháng nghị tăng hình phạt. 24 bị cáo chấp nhận bản án sơ thẩm, trong đó có bị cáo Trầm Bê không kháng cáo.
Bên cạnh đó, CB kháng cáo không đồng ý trả lại 4.500 tỷ đồng cho Phạm Công Danh. BIDV, AgriBank kháng cáo không đồng ý với nhận định của cấp sơ thẩm. Ông Trần Quí Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) cũng kháng cáo không đồng ý trả hơn 194 tỷ đồng cho CB…
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày quan điểm kháng cáo.
Theo đó, đại diện BIDV cho rằng, việc HĐXX cấp sơ thẩm tuyên các chi nhánh Sở Giao dịch 2, Chi nhánh Hải Vân của BIDV phải hoàn trả cho CB số tiền hơn 1.633 tỷ đồng khi xác định đây là vật chứng vụ án là không thỏa đáng, thiếu cơ sở pháp lý, không xem xét quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của BIDV nói chung và các chi nhánh BIDV riêng.
Đại diện BIDV đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm hủy hoặc sửa một phần bản án sơ thẩm. BIDV cũng đề nghị xem xét trách nhiệm hoàn trả tiền của các chi nhánh của BIDV cho CB, giải quyết đồng thời phần trách nhiệm dân sự liên quan đến việc hoàn trả tiền giữa các chi nhánh BIDV và CB, giữa CB và ông Phạm Công Danh, giữa ông Phạm Công Danh và chi nhánh BIDV trong vụ án và cho phép bù trừ giữa các bên. BIDV cũng đề nghị xem xét, quy kết trách nhiệm cá nhân, tổ chức cụ thể nào nếu cá nhân, tổ chức đó có vi phạm.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm
Đại diện AgriBank đề nghị rằng, HĐXX tuyên cho AgriBank được quyền thu hồi hết số tiền hơn 2 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng ký giữa AgriBank chi nhánh Tân Phú và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Đại diện AgriBank cho rằng, phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc AgriBank chi nhánh Tân Phú phải hoàn trả cho CB số tiền hơn 2 tỷ đồng được xem là vật chứng vụ án, là không khách quan, không đúng với các chứng cứ trong hồ sơ vụ án.
Cụ thể đây là số tiền AgriBank chi nhánh Tân Phú thu nợ của Công ty Thiên Thanh. Theo đại diện AgriBank, dựa vào pháp luật hiện hành, khi cho vay, AgriBank không có trách nhiệm phải tìm hiểu và xác minh nguồn gốc số tiền trên tài khoản gửi của Công ty Thiên Thanh trước khi thu nợ. Giao dịch phát sinh từ hợp đồng tín dụng giữa AgriBank và Công ty Thiên Thanh là giao dịch hợp pháp nên việc thu hồi nợ của bên có nghĩa vụ là đúng trình tự thủ tục và được pháp luật dân sự bảo vệ.
Ngoài ra, tại phiên tòa, HĐXX thẩm vấn 4 bị cáo bị VKSND cấp cao tại TP HCM kháng nghị tăng hình phạt. Theo đó, kháng nghị cho rằng bản án sơ thẩm của TAND TP HCM áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh là trái với quy định pháp luật. 4 bị cáo đang thụ án 3 năm tù treo về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và cố ý làm trái quy định Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (trong một vụ án trước). Do đó, Bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tiếp tục cho 4 bị cáo, mỗi bị cáo 3 năm tù cho hưởng án treo là vi phạm điều 65 và 56 BLHS và Nghị quyết 03, Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về “Không cho hưởng án treo đối với người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội khác thực hiện trước khi được hưởng án treo”.
Phản bác kháng nghị, cả 4 bị cáo cho rằng họ chỉ là những người làm công ăn lương của Công ty Thiên Thanh, họ là tạp vụ, bảo vệ, rửa xe rồi được Phạm Công Danh nhờ đứng tên công ty cho ông Danh. Các bị cáo không hưởng lợi và không biết gì về hành vi sai phạm của bị cáo Danh. Bị cáo Nguyễn Tấn Thành khai: “Thời điểm đó, bị cáo làm bảo vệ tại Tập đoàn Thiên Thanh, được ký với chức danh gì cũng không biết, có khi ký trên tờ giấy trắng, bị cáo ký không lấy tiền. Lương bảo vệ của bị cáo là 5 triệu đồng, sau đó tăng lương lên 10 triệu đồng, bị cáo chỉ nghĩ làm tốt thì công ty tăng lương lên”. Bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân cũng trình bày: “Bản chất bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, bị cáo chỉ có một hành vi là ký khống trong một vụ án, cùng một tội danh nhưng được tách ra thành 2 giai đoạn, nên mong HĐXX và VKS xem xét”.
Tại phiên tòa hôm nay, HĐXX tập trung xét hỏi về khoản tiền 4.500 tỷ đồng mà án sơ thẩm tuyên CB trả lại cho ông Danh. Theo đại diện CB, khi các bên góp vốn vào ngân hàng để tăng vốn điều lệ nhưng tăng không thành công thì đây là quan hệ giao dịch dân sự. NHNN mua lại VNCB với giá 0 đồng lúc đó vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng. đại diện CB cho rằng khi ông Danh nộp tiền vào và đã sử dụng hết, số tiền này ngân hàng dùng vào mục đích riêng, còn nội dung chi tiết đại diện CB cho rằng mình sẽ trình bày cụ thể trong phần tranh luận.
Luật sư bào chữa cho Phạm Công ông Danh hỏi đại diện CB về đơn kháng cáo của CB có nội dung số tiền 4.500 tỷ đồng là nguồn tiền ông Danh sử dụng cho các sai phạm và trục lợi cá nhân là dựa vào căn cứ chứng minh nào cho nội dung kháng cáo.
Trả lời câu hỏi này, đại diện CB cho rằng, phần căn cứ cho nội dung kháng cáo đã trả lời rất nhiều lần và sẽ trình bày cụ thể trong phần tranh luận. Đại diện CB cũng nói rằng, việc sử dụng 4.500 tỷ đồng đã hòa chung vào dòng tiền của CB nên không xác định được cụ thể việc sử dụng số tiền này nhưng tất cả các khoản tiền rút ra khỏi ngân hàng đều có chứng từ rõ ràng.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Danh hỏi ý kiến của CB về nhận định thiệt hại của CB là hậu quả của Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cao cấp TrustBank) để lại, ông Danh đã phải “vật lộn” vay tiền bên ngoài để giữ cho ngân hàng không đổ vỡ… CB không trả lời ý này của luật sư.
Trong khi đó, bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) không đồng ý số tiền 4.500 tỷ đồng đã hòa chung vào dòng tiền như đại diện CB phát biểu. Ông Khương cho rằng, hệ thống ngân hàng kiểm toán rất cụ thể và đề nghị xem xét trả lại số tiền 4.500 tỷ đồng cho ông Danh. Ông Khương cho rằng bản án sơ thẩm đã xác định khi tái cơ cấu thì ngân hàng âm 18.000 tỷ đồng, nhưng chưa xác định xác định số tiền âm này do Danh hay bà Hứa Thị Phấn gây ra. Trong vụ án Hứa Thị Phấn, Tòa tuyên buộc bà Phấn bồi thường hơn 16.000 tỷ đồng, theo Khương cần xem xét cấn trừ số tiền này vào tổng số tiền âm vốn. Khương cho rằng, xét xử vụ Hứa Thị Phấn sau vụ Phạm Công Danh gây bất lợi cho các bị cáo. Theo ông Khương, nếu triệt để được hậu quả của bà Phấn, lấy tiền giải ngân cho các khoản vay thì sẽ không âm vốn mà còn tạo lợi nhuận cho CB.
Trình bày tại tòa, ông Danh nói bước chân vào lĩnh vực ngân hàng thì bị cáo đã là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực xây dựng với mong muốn xây dựng một ngân hàng nên bị cáo đã mua lại ngân hàng TrustBank. Thừa nhận bị hạn chế năng lực về ngân hàng nhưng do áp lực tăng vốn điều lệ nhằm đưa ngân hàng đi lên nên mới phạm tội. Ông Danh nhắc lại việc đề nghị thu hồi thêm các khoản tiền mà ông Danh cho là vật chứng của vụ án nhưng chưa được thu hồi ở cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2.
Trả lời Luật sư bảo vệ cho BIDV về việc cấp sơ thẩm buộc hai chi nhánh của BIDV phải trả lại số tiền hơn 1.600 tỷ đồng cho VNCB thì ông Danh nói tôn trọng phán quyết của sơ thẩm. Theo ông Danh, Luật sư của ông đã đề nghị làm việc với BIDV để giải quyết các khoản nợ và khi thu hồi được tiền thì ông sẽ có căn cứ làm việc với BIDV không để BIDV bị thiệt hại.