Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Kristalina Georgieva, đã gọi đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái cách đây một thế kỷ, và cảnh báo thiệt hại có thể kéo dài.
Cho đến thời điểm hiện tại, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người trên khắp thế giới, phá vỡ nhịp sống bình thường, hủy hoại sinh kế của một bộ phận không nhỏ cư dân toàn thế giới, làm chao đảo các thị trường và gây tổn hại không nhỏ cho các nền kinh tế khắp toàn cầu.
Giống như những thảm họa thiên nhiên hay khủng bố, đại dịch Covid-19 là sự kiện gây chấn động thế giới với các ảnh hưởng dự kiến có thể tồn tại lâu dài.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Kristalina Georgieva, đã gọi đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái cách đây một thế kỷ, và cảnh báo thiệt hại có thể kéo dài. Tuy nhiên, có những nhà kinh tế tư nhân đã tin tưởng vào một sự phục hồi vững chắc ngay khi mọi người có thể trở lại làm việc.
Với 1,5 triệu trường hợp được xác nhận dương tính với virus corona và hơn 100.000 trường hợp tử vong, loại virus này đã buộc các nền kinh tế trên toàn thế giới phải đóng cửa, tại Hoa Kỳ đã khiến 17 triệu người lao động mất việc chỉ sau ba tuần.
Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho biết, tác động này gần giống với một thảm họa tự nhiên như một cơn bão, hơn là một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc kinh tế truyền thống.
"Sự suy thoái thường phát triển dần dần theo thời gian", các nhà nghiên cứu Jason Bram và Richard Dietz nói trong một bài đăng trên blog vào thứ 6 tuần trước. "Trong khi đó, đại dịch Covid-19, ngược lại, bất ngờ xảy ra, tấn công toàn bộ nền kinh tế chỉ trong vòng một tháng... Và giống như một cơn bão, nó tấn công ngành du lịch trước tiên”.
Nhưng không giống như một thảm họa tự nhiên, các tác giả cho biết đại dịch đã không để lại sự hủy diệt về mặt vật chất, "điều này có thể tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế nhanh hơn".
Karen Dynan, cựu chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, đang xem xét sự sụt giảm 20% trong nền kinh tế Mỹ vào tháng Tư và tháng Năm, dẫn đến sự co lại 8% của nền kinh tế Mỹ trong năm nay. Nhưng Dynan, người đã giúp đưa ra dự báo nửa năm do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đưa ra, lại lạc quan hơn về sự phục hồi, dự báo mức phục hồi 7,2% của Mỹ vào năm 2021.
Trong khi các quan chức Mỹ bày tỏ hy vọng về sự phục hồi "hình chữ V", với sự trở lại nhanh chóng, tăng trưởng nhanh chóng, các nhà kinh tế tư nhân thận trọng hơn với sự không chắc chắn về thời gian và mức độ nghiêm trọng của đại dịch.
"Chúng tôi e ngại rằng, biểu đồ phục hồi sẽ không phải chữ V kinh điển", Dynan nói khi đề cập đến sự suy giảm mạnh mẽ và sự phục hồi dần dần của nền kinh tế sau khi đại dịch qua đi.
Gregory Daco - Nhà kinh tế trưởng Hoa Kỳ của Oxford economics lại tỏ ra ít bi quan hơn vào năm 2020 và ít lạc quan hơn vào năm 2021, khi ước tính mức phục hồi 5,9% vào năm tới.
Ngay cả với chi tiêu khẩn cấp rất lớn của Chính phủ Mỹ, "tổn thất việc làm sẽ là một chấn thương nặng và việc phục hồi sau đại dịch sẽ có hình chữ U với sự phục hồi hoàn toàn mất từ 12 đến 18 tháng", ông nói.
Với lượng tiền mặt khổng lồ để hỗ trợ các công ty lớn và doanh nghiệp nhỏ, tài chính của Chính phủ Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
Nhưng dữ liệu Kho bạc cho tháng ba được phát hành vào thứ Sáu vẫn chưa cho thấy tác động đó. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói rằng: "Một tác động đáng kể sẽ xuất hiện trong các số liệu ở tháng Tư".
Giám đốc của IMF Kristalina Georgieva cảnh báo rằng, ngay cả khi đại dịch được ngăn chặn nhanh chóng, với hầu hết các quốc gia đang phải chứng kiến sự giảm sút của thu nhập, nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ có thể “phục hồi một phần" vào năm tới, và thậm chí "nó có thể trở nên tồi tệ hơn".