Phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng chịu nhiều rủi ro do thiên tai

Đắc Chuyên| 10/07/2015 13:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là khẳng định của bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), được đưa ra trong Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11/7) diễn ra vào sáng ngày 10/7 tại Hà Nội.

Bà Ritsu Nacken cho biết, trong một báo cáo được công bố gần đây nhất, Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng, số người buộc phải di dời khỏi nơi cu trú đã lên tới con số kỷ lục gần 60 triệu người (tình đến hết năm 2014). Trong số những người bị buộc phải rời khỏi nơi cư trú, phần lớn phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên là những người phải đối mặt với nhiều mối đe dọa và rủi ro nhất.

Họ không được chăm sóc sức khỏe và không được cung cấp những dịch vụ được coi là thiết yếu, đặc biệt là trong những tình huống thiên tai. Chính vì thế, năm nay, Liên hợp quốc chọn “Hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong thiên tai” đặc biệt tập trung vào phụ nữ và trẻ em gái làm chủ đề cho Ngày Dân số thế giới.

 Phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng chịu nhiều rủi ro do thiên tai

Phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, phải đối mặt với nhiều đe dọa và rủi ro nhất

Trong khi đó, Việt Nam là một trong các quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương dễ bị ảnh hưởng do thiên tai. 70% dân số Việt Nam sống ở ven biển và ở những khu vực tương đối thấp so với mực nước biển. Chính vì vậy, Bà Ritsu Nacken cho rằng, Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể ứng phó hiệu quả khi thiên tai xảy ra, đồng thời đảm bảo các nhu cầu quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên.

Tại Lễ mít tinh, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã nhận định, nhiều vấn đề về dân số và sức khỏe sinh sản vẫn là thách thức đối với sự phát triển bền vững của dất nước như quy mô dân số lớn, mật dộ dân số cao, mất cân bằng giới tính khi sinh, chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, nhiều vấn đề sức khỏe sinh sản chưa được giải quyết...

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu, thời gian tới các cơ quan ban ngành cần phải giải quyết đồng bộ các vấn đề nêu trên.

Cũng trong buổi sáng nay, ngay sau Lễ mít tinh đã diễn ra cuộc họp báo hưởng ứng ngày dân số thế giới (11/7), tại buổi họp báo, nói về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của Việt Nam trong thời qua, ông Nguyễn Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình khẳng định: “Thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, về quy mô dân số, hiện dân số nước ta là 90,5 triệu người. Tốc độ gia tăng dân số giữ ổn định ở mức 1%.

Tổng tỷ suất sinh trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,1 con được duy trì liên tục trong vòng 10 năm. Tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh bước đầu được kiềm chế và hiện đang ở mức 112,2 trẻ em nam/100 trẻ em nữ.

Tuổi thọ bình quân của người dân liên tục tăng lên và hiện là 73,2 tuổi. Tỷ lệ phụ nữ trong tuổi sinh đẻ từ 15-49 tuổi sử dụng các biện pháp tránh thai tăng cao và ở mức 77,2%”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Cảnh Nhạc cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế mà công tác DS-KHHGĐ chưa làm được, đó là tỷ lệ dân cư có nhu cầu về phương tiện tránh thai chưa được đáp ứng khá cao, trong đó có nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương. Tỷ lệ này là 11,2% trong nhóm phụ nữ đã kết hôn, 22,7% trong nhóm phụ nữ chưa kết hôn và khoảng 34,3% nhóm vị thành niên.

Đặc biệt, ông Nhạc nhấn mạnh, quan hệ tình dục, nhất là tình dục trước hôn nhân, tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai ở vị thành niên vẫn là thách thức với công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới.

 Phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng chịu nhiều rủi ro do thiên tai

Tại cuộc họp báo hưởng ướng Ngày Dân số thế giới, tại Hà Nội sáng ngày 10/7, bà Ritsu Nacken cho biết, UNFPA đang triển khai một số dự án hỗ trợ công tác DS-KHHGĐ tại Việt Nam

Tại cuộc họp báo, rất nhiều người đặt câu hỏi với bà Ritsu Nacken về những hỗ trợ cụ thể của UNFPA đã, đang và sẽ dành cho Việt Nam trong công tác DS-KHHGĐ. Bà Ritsu Nacken cho biết, UNFPA thường xuyên hỗ trợ dụng cụ vệ sinh, cung ứng các phương tiện phục vụ chăm sóc sản khoa, các phương tiện phòng tránh thai, huy động các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn và cung cấp các hình thức hỗ trợ khác.

Hiện tại, ở Việt Nam, UNFPA đang triển khai dự án hỗ trợ cho tỉnh Quảng Bình, các dịch vụ thân thiện, phối hợp với nhà trường để giáo dục sức khỏe sinh sản nhằm thay đổi hành vi. Ngoài ra, UNFPA còn tập trung vào lĩnh vực Y dược.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng chịu nhiều rủi ro do thiên tai