Phụ nữ Tòa án “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Nam Hoàng| 08/03/2016 06:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước”.

Thực tiễn phát triển của cách mạng Việt Nam đã chứng minh quan điểm của Đảng, của Bác Hồ đối với vai trò của phụ nữ là hoàn toàn đúng đắn.

Phát huy truyền thống

Trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hàng triệu phụ nữ đã có mặt trong các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, tham gia vào các lực lượng vũ trang, dân quân du kích để cùng toàn dân tộc tiến lên giành độc lập. Trong kháng chiến chống Pháp, cả nước có hàng triệu phụ nữ gia nhập dân quân du kích đánh giặc bằng mọi phương tiện có trong tay như "đòn gánh đánh càn" ở miền Bắc, "tầm vông diệt giặc" ở miền Nam. Có thể nói, trong chiến đấu, phụ nữ tỏ ra không hề thua kém nam giới, nhiều tấm gương tiêu biểu đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang như Nguyễn Thị Chiên, Hồ Thị Bi, Lê Thị Tạo, Mạc Thị Bưởi, Tạ Thị Kiều, Võ Thị Sáu...

Trong 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, vì miền Nam ruột thịt, hàng vạn chị em nơi hậu hương lớn miền Bắc đã tình nguyện tham gia TNXP, các đoàn dân công hoả tuyến, trực tiếp chiến đấu trên mọi chiến trường. Không phân biệt đơn vị phục vụ hay đặc thù lực lượng đã đoàn kết, kề vai sát cánh cùng nhau trên nhiều trận tuyến chống lại kẻ thù để đi đến chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975. Trong kỳ tích chung đó, hệ thống TAND Việt Nam cũng đã đóng góp công sức rất lớn khi  thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân giao phó. Đó là xét xử, trừng trị nghiêm khắc các phần tử phản động, dập tắt âm mưu nổi loạn, cướp chính quyền của địch, góp phần cùng các lực lượng khác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân.

Phụ nữ Tòa án “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Nữ cán bộ, công chức Tòa án làm Lễ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh      Ảnh: Minh Giang

Ngay từ những ngày mới giành được chính quyền (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đặc biệt chú trọng đến công tác Tòa án. Người coi Tòa án là cơ quan trọng tâm của ngành tư pháp, tư pháp là một hệ thống trọng yếu của chính quyền. Bác coi việc phát triển ngành tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người từng nói Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ nhân dân, có được ánh sáng Đảng dìu dắt. Song song với tinh thần kiên quyết đấu tranh xử lý tội phạm, đấu tranh chống những hành vi xâm hại đến danh dự, uy tín của Đảng, của Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện truyền thống khoan dung, nhân đạo của dân tộc.

Khi mới được thành lập, TAND Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng sự cố gắng nỗ lực của cán bộ công chức trong toàn hệ thống, TAND đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành trong suốt 70 năm qua. Và những phụ nữ công tác trong hệ thống Tòa án cũng chính là những đóa hoa góp phần tô thắm thêm cho truyền thống vẻ vang của TAND.

Khẳng định được vị trí, vai trò của phụ nữ

Trong thời đại mới, những nữ cán bộ TAND vẫn nêu cao lý tưởng thời đại, thể hiện khí phách Bà Trưng, Bà Triệu để luôn phát huy được vai trò của mình trong mọi lĩnh vực công tác, gánh vác sứ mệnh mà dân tộc đặt trên vai mình. Ghi lòng tạc dạ lời Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Yêu nước thì phải thì phải thi đua… Những người thi đua là những người yêu nước nhất”, 70 năm qua, phong trào thi đua ái quốc đã lan tỏa trong mọi lĩnh vực, mọi thời điểm, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng của dân tộc. Nhận thức sâu sắc về thi đua, cùng với cả nước, những nữ cán bộ TAND luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhân dân, thi đua từ những việc làm nhỏ nhất để phát huy được vai trò, trí tuệ của mình. Dù ở cương vị nào, họ cũng luôn cố gắng phấn đấu trong học tập, vươn lên, nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Bằng sự tinh tế, cẩn trọng và chu đáo của người phụ nữ, trong nhiều năm qua, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ TAND đã liên tục tổ chức các đợt thi đua cao điểm với nội dung thích hợp với từng giai đoạn cách mạng. Từ phong trào "Phụ nữ ba đảm đang” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta đã phát triển lên thành các phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng gia đình văn hoá mới”, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” để xây dựng hình tượng người phụ nữ có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa và lòng nhân hậu.

Phụ nữ Tòa án “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Phụ nữ Tòa án “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”                  Ảnh: Minh Giang

Kể từ khi hòa bình lập lại, đất nước đi vào quá trình tái thiết sau chiến tranh, chị em phụ nữ TAND lại tích cực tham gia các phong trào “Phụ nữ lao động giỏi, lao động sáng tạo”, Phụ nữ “Hai giỏi”, hưởng ứng tích cực việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ở các đơn vị, chị em luôn đoàn kết, giúp đỡ  nhau, vượt khó khăn hoàn thành công tác chuyên môn và xây dựng gia đình hạnh phúc. Có thể nói rằng, những phong trào ấy không những đã cụ thể hóa được các mục tiêu, yêu cầu trong công tác thi đua yêu nước của Đảng, Nhà nước, mà còn là những điểm nhấn quan trọng trong một loạt các hoạt động của Hội phụ nữ Việt Nam, tạo nên nhiều bước chuyển mạnh mẽ trong công tác hội nói chung và sự nỗ lực bứt phá của mỗi nữ cán bộ TAND.

Đồng thời, các phong trào thi đua cũng đã tiếp thêm sức mạnh đoàn kết, tập hợp chị em phụ nữ nhiệt tình hang hái tham gia công chuyên môn cũng như công tác hội. Bằng những cống hiến không thể phủ nhận trên nhiều lĩnh vực chuyên biệt, đặc thù đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn cao, kỷ luật thép cùng sức khỏe dẻo dai, chị em đã khẳng định được vai trò thiết yếu trong lĩnh vực mà họ phụ trách. Từ đó có thêm niềm tin, động lực và lòng quyết tâm phấn đấu, rèn luyện.

Góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cải cách tư pháp

Từ thực tiễn cuộc sống và công tác, phụ nữ TAND cũng đã nỗ lực cống hiến, ra sức thi đua đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tư duy đổi mới, hướng về cơ sở, tránh hình thức, phụ nữ TAND đã xây dựng được rất nhiều sáng kiến, đề tài khoa học phục vụ đắc lực và hiệu quả trong việc triển khai và thực hiện nhiệm vụ. Nhiều nữ cán bộ Tòa án đã đáp ứng được niềm mong muốn của của Bác Hồ là “ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”, được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo TANDTC tin tưởng bổ nhiệm vào các cương vị lãnh đạo cao, giữ trọng trách là thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị.

Do đặc thù công việc, những nữ cán bộ Tòa án gặp nhiều khó khăn, áp lực khi trực tiếp xét xử, giải quyết các loại án. Đánh giá đúng những đóng góp và sự hy sinh, vất vả của chị em phụ nữ, trong những năm vừa qua, các cấp ủy và lãnh đạo Tòa án nhân dân hai cấp luôn có sự quan tâm đến công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ, dành nhiều ưu tiên cho cán bộ, công chức nữ trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm.

Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị cũng đã cho ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm phát huy vai trò, tiềm năng của phụ nữ, nâng cao địa vị của phụ nữ, đồng thời xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ, mục tiêu đến năm 2020 phụ nữ phải được nâng cao trình độ về mọi mặt. Để đạt được mục tiêu đó những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, chế độ đối với phụ nữ nói chung và cán bộ, công chức nữ nói riêng. Trên cơ sở đó, cấp ủy và lãnh đạo Tòa án các cấp đã và đang cho triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công chức nữ; dành cho nữ cán bộ, công chức sự quan tâm, động viên, khích lệ tạo và điều kiện để cán bộ, công chức nữ học tập, phát triển và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Và, kể từ khi Nghị quyết ấy đi vào cuộc sống, mỗi nữ cán bộ, công chức, nhân viên Tòa án đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình để cố gắng vươn lên, luôn luôn học tập nhằm nâng cao nhận thức về chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tích cực tham gia các phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tất cả đều hướng đến mục tiêu có nhiều cán bộ, công chức nữ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý là nữ, góp phần cùng cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao, khẳng định vị thế của nữ cán bộ Tòa án trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ nữ Tòa án “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”