Phóng viên pháp đình và những phiên tòa lưu động

X. Thao- Lê Hoàng| 20/06/2014 16:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để đưa tin về những phiên tòa lưu động, đôi khi phóng viên chỉ chạy một lát là đến nhưng cũng có khi phải mất hàng ngày, thậm chí cả đi về mất đứt hàng tuần và chỉ… một mình.

Thế nhưng, xác định là nhiệm vụ, vừa mang cái “máu” nghề, các phóng viên của Báo Công lý vẫn “lên đường”. 

 

Và mỗi lần như thế, chúng tôi lại có dịp để cảm nhận, chia sẻ những vất vả của cán bộ tòa án khi thực hiện những phiên tòa lưu động để tuyên truyền pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. 

 

Lên  vùng cao “xem” xử án

 

Có lẽ, những người có đầu óc lãng mạn nhất cũng không lặn lội lên vùng cao để “xem”  xử án. Nhưng chúng tôi, những phóng viên pháp đình thì là chuyện bình thường và là nhiệm vụ. Tất nhiên là không “xem” mà là đi dự, đưa tin, viết bài phản ánh những vất vả, gian nan mà cán bộ, Thẩm phán tòa án phải vượt qua mỗi khi đưa vụ án đến tận nơi xảy ra để vừa tuyên truyền ý thức pháp luật, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, vừa nêu cao tinh thần thi đua mà các cấp tòa án quyết tâm phấn đấu thực hiện.

 

Từ thành phố Yên Bái vào huyện Mù Cang Chải, đoàn công tác của TAND tỉnh Yên Bái phải vượt qua chặng đường dài bằng về Hà Nội, nhưng vì đường xấu nên mất tròn một ngày đi. Tất nhiên là phóng viên phải đi từ Hà Nội lên trước 1 ngày và cả thảy đi về, dự phiên tòa, coi như mất cả tuần luôn. Không xa như vậy nhưng đoàn của TAND huyện Bát Xát cũng phải mất nửa ngày vượt những cung đường cực kỳ hiểm trở để đến với xã vùng cao, biên giới Y Tý. Phóng viên pháp đình cũng “theo chân” đoàn xét xử lưu động của TAND huyện Quế Phong (Nghệ An) đến xã Cắm Muộn – nơi gần như cách biệt với thế giới bên ngoài bởi đường đi hiểm trở với những  đèo dốc kinh hoàng… Và điều đó cũng là đương nhiên, hàng trăm km với những chặng đường miền núi vốn hiểm trở, buộc phải đi qua đối với tất cả các Tòa án khi đưa đi xét xử lưu động. 

 

Phóng viên pháp đình và những phiên tòa lưu động

Phiên tòa lưu động ở Bát Xát, Lào Cai (Ảnh: Xuân Thao)

 

Đi lại đã vất vả, sinh hoạt lại thiếu thốn, tạm bợ hay những chuyện “bếp núc” khá chật vật… là những “ẩn số” có lẽ chẳng ai biết tới nếu không có cánh phóng viên pháp đình chúng tôi nêu trên trang báo. Tự hào chứ - khi mà chúng tôi đã đồng hành, đã góp phần động viên họ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị… Có lẽ đó cũng là động cơ để chúng tôi bỏ lại Hà Nội phía sau, bỏ ra hàng tuần để đến với những phiên tòa lưu động mà không ngồi nhà, nhấc máy “a lô” để xin những kết quả phiên tòa vốn đã rất khô khan, chỉ dùng vào việc thống kê số liệu mà thôi... 

 

Những phiên tòa đã khép lại với những hình phạt được tuyên đối với bị cáo, những khoảng thời gian quý giá được các HĐXX dành ra để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc vốn thiếu thốn về mọi mặt, nhất là kiến thức pháp luật; những tiếng ồ lên vì đã hiểu, vì kinh ngạc trước sai trái của bị cáo, cái lắc đầu phê phán rằng “không tốt đâu” của bà con người dân tộc… đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng khó quên, thêm một phần vốn kiến thức thực tế cho nghề báo. 

 

Nhiều lắm những phiên tòa như vậy và chúng tôi có cơ hội dự khán. Chẳng hạn, cả sân vận động huyện Mù Cang Chải nhuốm màu sặc sỡ của trang phục đặc trưng mà bà con đủ các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì... đến dự khán những phiên tòa mà TAND tỉnh Yên Bái đưa về huyện vùng sâu, vùng xa để xử lưu động. Tận cùng Tổ quốc- nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt với những khó khăn đặc biệt, với khí hậu cực kỳ khắc nghiệt nhưng TAND huyện Bát Xát (Lào Cai) vẫn đưa các vụ án về đây xét xử lưu động… Chỉ vì hám lời trước mắt, Tẩn Xử Mẩy đã mua bán “cái chết trắng” cho chính bà con đồng bào dân tộc để rồi, ở cái tuổi gần 60, nước mắt lã chã, cúi đầu hổ thẹn với bà con và nhận về mình mức án nghiêm khắc. Hay như chỉ vì tùy tiện, không chấp hành quy định về bảo vệ rừng, tự ý phát nương, đốt rẫy Tráng A Pao đã làm cháy cả khu rừng hàng chục ha để rồi phải mang án tù. Nhiều, nhiều vụ án nữa, có thể không quá kinh hoàng, không gây thiệt hại đến hàng trăm tỉ… nhưng khi đưa đi xét xử lưu động đã đem lại hiệu quả rất thiết thực. Tại mỗi phiên tòa, không thể thiếu được những khoảng thời gian HĐXX tuyên truyền cho bà con ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa kẻ xấu, cũng là cảnh tỉnh cho những người khác. Bà con hiểu thêm, cảnh giác với kẻ xấu, với chính việc làm của mình để bảo vệ tài sản chung, giữ màu xanh cho núi rừng… Từ những phiên tòa như thế, tình hình tội phạm giảm đáng kể, an ninh trật tự được giữ vững, bà con các dân tộc yên tâm làm ăn, cuộc sống thanh bình.

 

Còn nhớ, lúc lên vùng cao thấy háo hức bao nhiêu thì khi về, chúng tôi thấy “oải” bấy nhiêu. Thẩm phán Phan Văn Tiến, Chánh án TAND tỉnh Yên Bái cười thông cảm và vỗ vai thân mật: Thấy phiên tòa vùng cao thế nào rồi chứ;  “Có ăn nhạt mới thương đến mèo” nhé! Cánh tớ thì chuyện này là cơm bữa. Rồi anh bảo, mỗi lần đi xử lưu động càng thấy trách nhiệm của tòa án thật lớn lao nhưng cũng thật tự hào. Bà con các dân tộc đến dự phiên tòa đông, tận mắt chứng kiến kẻ phạm tội, tai nghe những lời nhận tội. Đó là những cơ hội tốt để tò a án giáo dục pháp luật, cảnh tỉnh và răn đe, phòng ngừa chung … Chánh án TAND huyện Bát Xát (Lào Cai ) Phùng Lâm Hồng thì  muốn chúng tôi cùng chia sẻ cái thời tiết ở vùng biên giới cao quá khắc nghiệt qua phiên xử lưu động với đêm biên giới cùng bộ đội biên phòng thật ấn tượng …

 

Xuống đồng bằng nghe những bản án nghiêm khắc 

 

Khuôn viên của trường học tại phường An Thạnh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương chật cứng người dân đến dự khán phiên tòa lưu động xét xử kẻ sát nhân máu lạnh xuống tay hạ sát ba mạng người. Trong không khí trang nghiêm, HĐXX tập trung làm việc, lần lượt xét hỏi, làm rõ thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo. Thẩm phán Nguyễn Đình Dũng chia sẻ: “Qua những phiên toà lưu động, Toà án không chỉ thực hiện được chức năng xét xử mà còn đem đến cho người dân kiến thức pháp luật, giáo dục bị cáo, phòng ngừa chung cho xã hội. Sự góp mặt của các phóng viên báo chí sẽ góp phần giúp hiệu quả tuyên truyền pháp luật của bản án lan tỏa rộng hơn”… 

 

Là phóng viên theo dõi mảng pháp đình, chúng tôi thường xuyên nhận được giấy mời, điện thoại của các Tòa án mời dự các phiên tòa xét xử lưu động. Trong bối cảnh các Toà án địa phương còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, nhân lực, việc tổ chức xét xử lưu động là sự cố gắng lớn lao nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, phòng ngừa, răn đe những hành vi phạm pháp, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Chánh án TAND thị xã Thuận An Nguyễn Thị Tuyết Thanh tâm sự: Xét xử lưu động góp phần kéo giảm tình hình tội phạm. Tòa án Thuận An phối hợp với Thị đoàn tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho đoàn viên, thanh niên, công nhân qua những phiên tòa lưu động. Tòa lựa chọn những vụ án hình sự xảy ra phổ biến, được dư luận quan tâm để đưa ra xét xử lưu động. Xét xử lưu động cũng là môi trường thực tiễn để những người tiến hành tố tụng nâng cao kỹ năng chuyên môn, cũng như thực thi nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật theo chức năng nhiệm vụ của mình.

Phóng viên pháp đình và những phiên tòa lưu động

Một phiên tòa lưu động ở Mù Cang Chải, Yên Bái (Ảnh: Trung Nguyễn)

 

Có hòa cùng những người dự khán phiên tòa mới cảm nhận một cách đầy đủ hiệu quả thiết thực mà những phiên tòa lưu động mang lại. Ví dụ như phiên tòa xét xử bị cáo Hoàng Văn Xuân (SN 1977, ngụ xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) về tội “Giết người”, tổ chức tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, phường Thạnh Lợi, Thuận An, Bình Dương. Nơi đặt vành móng ngựa chỉ cách hiện trường xảy ra vụ án chưa đầy 100m, do đó, tính răn đe, phòng ngừa tội phạm được thể hiện rất cao. Với những vụ án như thế, lực lượng cảnh sát tư pháp phải làm việc rất vất vả. Phải đến sát thời điểm công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử (HĐXX) mới cho dẫn giải bị cáo Hoàng Văn Xuân ra trước vành móng ngựa. Đó là sự thận trọng cần thiết vì vừa thấy bộ mặt “cô hồn” của Xuân, tất cả mọi người đều tỏ thái độ rất giận dữ. Hành vi và thủ đoạn gây án được Xuân khai nhận tại phiên toà khiến nhiều người “nổi da gà” vì sự tàn bạo, độc ác của y. Do hoàn cảnh khó khăn, Xuân rời quê vào Bình Dương xin việc làm. Do ham hưởng thụ nhưng lười nhác nên Xuân đã hạ sát một lúc ba mạng người trong cùng một gia đình để cướp tài sản. Xuân nghiện phim xã hội đen nên trong quá trình phạm tội, y cẩn thận đeo găng tay, sử dụng chính dép của các nạn nhân để xoá sạch mọi dấu vết trên hiện trường. Tuy nhiên, lưới trời lồng lộng, Xuân bị phát hiện và bắt giữ ngay sau đó. HĐXX đã tập trung làm rõ động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo. Sau khi gây án, Xuân bán số vàng cướp được mua điện thoại di động hạng sang. Trả lời câu hỏi của vị Thẩm phán chủ tọa: “Bị cáo mua điện thoại làm gì?”, Xuân ấp úng: “Bị cáo mua điện thoại di động để… chơi cho sành điệu”. Câu trả lời ngô nghê đó khiến nhiều người không nhịn được cười vì thói sỹ diện hão nhưng lười lao động của Xuân. Y đã thoả mãn sự ăn chơi, đua đòi của mình bằng cách giết người không gớm tay.

 

Trước ánh mắt của hàng trăm người dân dự khán, Xuân lí nhí nói lời cuối cùng trước khi HĐXX nghị án: “Xin cho bị cáo mức án tù chung thân!”. Cân nhắc các tình tiết, Thẩm phán Nguyễn Đình Dũng, Chủ toạ phiên toà nhận định: “Hành vi phạm tội của bị cáo quá man rợ, không còn khả năng cải tạo, cần phải loại bỏ bị cáo vĩnh viễn ra khỏi xã hội!”. HĐXX tuyên phạt Hoàng Văn Xuân 6 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tử hình về tội “Giết người”. Tổng hợp Xuân phải chịu hình phạt chung là tử hình. Bản án thích đáng dành cho bị cáo được đông đảo người dự khán phiên tòa lưu động rất đồng tình, ủng hộ.

 

Còn nhiều nữa những bước chân phóng viên pháp đình đã đặt ở vùng Tây Nguyên lộng gió hay cái nóng khô người nơi khúc ruột miền Trung để phản ánh những phiên tòa lưu động…

 

Chuyện phối hợp của những người  “trong nhà”

 

Sự phối hợp giữa các Tòa án và Báo Công lý trong hoạt động xét xử nhằm góp phần tuyên truyền pháp luật là rất cần thiết. Ông Nguyễn Anh Loát, Phó Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông cho biết: “Trước khi tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động, TAND tỉnh đều phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đến dự và đưa tin nhằm nhân rộng hiệu quả công tác tuyên truyền”. Một trong những Chánh án rất nhiệt tình cộng tác với báo chí là ông Lưu Xuân Hoa, Chánh án TAND thị xã Dĩ An, Bình Dương. Trước khi xét xử vụ án 7 bị cáo do Vũ Đức Tuấn (tự Tuấn “chó”, SN 1978, quê Nghệ An) cầm đầu chém trả thù “hiệp sỹ” Nguyễn Tăng Tiên, Chánh án Hoa gọi điện mời phóng viên Báo Công lý tham dự và tâm sự: “Đây là vụ án được dư luận rất quan tâm, nên rất cần có Báo Công lý, cơ quan ngôn luận của Tòa án tham dự đưa tin, cậu nhớ có mặt đúng giờ nhé!”. 

 

Vụ án được xét xử lưu động tại khu phố Bình Đường 3 (thuộc phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã thu hút hơn 500 người dân đến xem xét xử. Sau gần 6 giờ xử án liên tục, TAND thị xã Dĩ An tuyên phạt bị cáo Vũ Đức Tuấn 5 năm 6 tháng tù giam; các bị cáo khác từ  2 năm 6 tháng tù đến 5 năm tù giam; tổng cộng, 7 bị cáo tham gia chém “hiệp sỹ” Nguyễn Tăng Tiên lãnh 27 năm tù giam. Đặc biệt, quá trình tham dự phiên tòa, lắng nghe những tâm tư của những người dân nhập cư đến dự khán, chúng tôi cảm nhận đầy đủ những giá trị giáo dục tuyên truyền pháp luật mà phiên tòa lưu động đã mang lại cho mọi người. Thông qua phiên toà, đông đảo người dân tham dự hiểu rõ hơn các mánh khóe, thủ đoạn của bọn tội phạm cũng như sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật. Qua đó, giúp họ nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trên địa bàn dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Xét xử lưu động các vụ án hình sự thường rất tốn kém về kinh phí, mất nhiều thời gian chuẩn bị, cán bộ các cơ quan tham gia tố tụng phải làm việc vất vả hơn. Tuy nhiên, Tòa án các cấp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng nâng cao số lượng phiên tòa xét xử lưu động, góp phần ổn định trật tự xã hội. Luật sư Nguyễn Minh Tường (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), người tham gia bào chữa nhiều phiên tòa lưu động tâm sự: “Sự phối hợp giữa Tòa án và các cơ quan báo chí là vô cùng cần thiết, điều đó giúp cho việc tuyên truyền pháp luật có sức lan tỏa rộng lớn hơn, giúp người dân nâng cao nhận thức pháp luật, luôn cảnh giác, phòng ngừa tội phạm. Mong rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều phiên tòa lưu động, nhiều bài báo đưa tin kịp thời, làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, đưa pháp luật đến với nhân dân”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phóng viên pháp đình và những phiên tòa lưu động