Phóng viên pháp đình chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp tại các phiên xử đại án

Vũ Minh| 20/06/2019 15:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, chúng ta cùng nghe các phóng viên pháp đình trải lòng về công việc của mình.

Công việc của các nhà báo luôn đòi hỏi sự tập trung cao độ trong khi tác nghiệp. Đối với các phóng viên thường xuyên theo dõi các phiên xét xử tại Tòa án (hay còn gọi là phóng viên pháp đình) lại đòi hỏi sự tập trung cao hơn. Đặc biệt trong thời gian gần đây, nhiều vụ “đại án” đưa ra xét xử được dư luận rất quan tâm, theo dõi sát thông tin trên báo chí. 

Nhà báo Vũ Xuân Ân - Báo Tiền phong

Tôi có kỷ niệm đáng nhớ nhất, đó là tại phiên tòa xét xử vụ thất thoát gần 2.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đại Dương OceanBank tại TAND TP Hà Nội. Các bị cáo trong vụ án đa phần là những người có học thức cao, làm công việc văn phòng nên họ mất bình tĩnh khi bị truy tố khung hình phạt tù cao. Vì vậy, khi đứng trước vành móng ngựa, nhiều người đã khóc. Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa Trần Nam Hà có cách điều hành rất tốt, khiến những bị cáo dần bình tĩnh trở lại.

Phóng viên pháp đình chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp tại các phiên xử đại án

Phóng viên tác nghiệp tại một phiên tòa

Trường hợp bị cáo Nguyễn Hồng Quân, nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Cà Mau, khi được xét hỏi đã mất bình tĩnh, không cất lên lời. Thẩm phán Trần Nam Hà liền hỏi: “Thời tiết Hà Nội thế nào?”. Câu hỏi này khiến mọi người “đứng hình” trong vài giây. Sau đó, bị cáo Quân mỉm cười, rồi trả lời: “Dạ bị cáo chưa quen”. Qua đây, có cảm giác khoảng cách giữa quan tòa và bị cáo trở nên gần gũi hơn.

Các bị cáo trong vụ đại án thường là những nhân vật tầm cỡ nên khi tác nghiệp, phóng viên cần nhìn nhận, chắt lọc đưa ra các thông tin hợp lý, chú ý đưa tin hình ảnh, lời nói của họ một cách đúng mực.

Các yếu tố cần thiết với phóng viên pháp đình là cẩn thận, tỉ mỉ, bởi phải tìm hiểu rõ vụ án, nghe kỹ lời của những người tham gia tố tụng mới đưa ra thông tin khách quan, phản ánh đúng sự thật vụ án cũng như diễn biến tại phiên tòa.

Hơn nữa, các phóng viên pháp đình cần có kiến thức pháp luật tương đối tốt, nhất là pháp luật tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Tòa án để nắm chắc, hiểu rõ các thuật ngữ chuyên dùng, trình tự tố tụng và vai trò của những người tham gia tố tụng... Việc này giúp phóng viên dễ dàng hơn khi tác nghiệp, đưa tin về hoạt động xét xử. Ví dụ, khi nắm được trình tự xét xử, các phóng viên có thể nghỉ ngơi, làm việc khác khi Kiểm sát viên đọc cáo trạng (tài liệu này có trước rất lâu, phóng viên đã khai thác hết thông tin)...

Nhà báo Nguyễn Hưởng - Báo Người lao động

Phần lớn người dân khi nhắc đến 2 từ “Toà án” đều có tâm lý e ngại, bởi ở đó dường như chỉ có nỗi đau, nước mắt, sự trừng phạt, trả giá… Tuy nhiên, đối với phóng viên theo mảng pháp đình, đó là công việc tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật đối với người dân và xã hội.

Tuy mới theo dõi mảng pháp đình khoảng 3 năm nay nhưng tôi đã được tác nghiệp, đưa tin nhiều phiên xét xử đại án lớn như: Vụ xét xử ông Đinh La Thăng; Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”); Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”); Hà Văn Thắm… Điểm chung của các phiên tòa này là an ninh tại Tòa án được thắt chặt nghiêm ngặt. Trong phòng xử án thường thì sóng điện thoại không được tốt. Có những phiên xử, phóng viên phải qua nhiều cửa an ninh, qua máy kiểm tra an ninh mới vào tới phòng báo chí.

Phóng viên pháp đình chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp tại các phiên xử đại án

Trước mỗi phiên tòa, phóng viên phải dậy từ rất sớm, thường là trước 5 giờ sáng để chụp ảnh ghi nhận không khí trước khi diễn ra phiên xét xử và làm thủ tục kiểm tra an ninh. Các phiên đại án diễn ra dài ngày, có vụ Tòa án phải xét xử cả thứ Bảy và Chủ nhật. Thậm chí có phiên xét xử đến 22 giờ đêm.

Thêm nữa, do các phiên xử đại án luôn được dư luận đặc biệt quan tâm nên trong thời gian này, tòa soạn thường xuyên yêu cầu phóng viên khai thác những thông tin độc quyền, nóng nhất, đặc sắc nhất để chạy đua, cạnh tranh với các báo. Tuy nhiên, tại khu vực xét xử do được kiểm soát an ninh chặt chẽ, sóng mạng chập chờn, không có wifi nên khi Chủ tọa hay bị cáo vừa dứt lời đối thoại, nếu là thông tin hay, các phóng viên ngồi gõ thông tin tại chỗ rồi tìm cách xin ra khỏi khu vực Tòa án, thậm chí ngồi vạ vật ngoài đường bắt sóng điện thoại để gửi tin bài về tòa soạn nhanh nhất. Gửi bài xong, phóng viên lại phải kiểm tra an ninh từ đầu mới được vào trong phòng xử.

 Phóng viên pháp đình gặp không ít khó khăn khi tác nghiệp, nhưng kinh nghiệm trải qua nhiều phiên tòa sẽ giúp phóng viên thuận lợi, dễ dàng hơn.

Nhà báo Nguyễn Việt Dũng - Báo điện tử VnExpress       

Trong 2 năm gần đây, có nhiều vụ đại án được TAND Hà Nội đưa ra xét xử như sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương; Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm... Việc tác nghiệp của phóng viên pháp đình có chút khác biệt, vì các vụ án này đều phải đăng ký để đưa tin. Ngoài việc cập nhật thông tin chính xác, có chọn lọc, phản ánh khách quan diễn biến phiên tòa, nhất là theo dõi phiên xét xử đại án thường diễn ra dài ngày, vì vậy phóng viên cần có sức khỏe để tác nghiệp đưa tin. Hơn nữa, áp lực đối với phóng viên pháp đình là Tòa soạn yêu cầu phóng viên tham gia tác nghiệp trực tiếp tại phiên tòa phải có sản phẩm tin bài độc quyền, hấp dẫn và cập nhật nhanh nhất có thể. Việc ăn uống không đầy đủ trong nhiều ngày tác nghiệp khiến các phóng viên mất ngủ, mệt mỏi.

Phóng viên pháp đình chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp tại các phiên xử đại án

Đối với các vụ đại án thường liên quan các nhân vật từng có thân thế, có tầm ảnh hưởng lớn nên bản thân phóng viên khi tác nghiệp đưa tin đều phải tuân thủ nghiêm chỉ đạo, định hướng thông tin của lãnh đạo Tòa soạn. Tất nhiên, việc đưa tin không bao giờ bị chi phối bởi nhân thân của các bị cáo và phải đưa tin một cách khách quan, chính xác diễn biến của phiên tòa.

Một yêu cầu khắt khe đối với các phóng viên pháp đình là cần am hiểu về luật, các thuật ngữ, quy trình tố tụng. Bên cạnh đó, nhãn quan chính trị cũng là yếu tố quan trọng. Trong xét xử các vụ đại án, phóng viên không nên “hồn nhiên” đưa các thông tin không được kiểm chứng, dù trích lời bị cáo có khai tại tòa, mà cần phải biết chọn lọc thông tin khách quan và có cơ sở.

Nhà báo Khổng Quang Trường - Báo An ninh Thủ đô

Thời gian qua, có thể nói rất nhiều “đại án” được cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố và đưa ra xét xử. Xét về mặt truyền thông thì tầm ảnh hưởng của những “đại án” này quả là không nhỏ. Chính vì vậy, phóng viên đưa tin cũng phải chịu những áp lực rất lớn, đặc biệt là đối với phóng viên theo dõi mảng Tòa án.

Là phóng viên nội chính Báo An ninh Thủ đô, trực tiếp tham gia đưa tin các vụ xét xử “đại án”, tôi xin chia sẻ một số trải nghiệm khi tác nghiệp ở chốn pháp đình.

Nếu như trước kia, những phóng viên “cứng” có quan hệ thân thiết với cơ quan tố tụng thì việc tiếp cận tài liệu (thường khi đưa tin xét xử, tài liệu là cáo trạng) sớm nhất để đưa tin là rất tốt, kể cả về mặt thời gian cũng như độ tin cậy của thông tin.

Ngoài việc có tài liệu, khi tham dự phiên tòa cũng giúp cho phóng viên có cái nhìn đa chiều, lấy ra những tình tiết đắt giá, thậm chí có những nhận định chính xác để chuyển tải thông tin cần thiết đến độc giả. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0, khi tác nghiệp, phóng viên không còn đơn thuần sử dụng các phương thức truyền thống như nói trên mà được hỗ trợ rất nhiều từ công nghệ. Chính vì thế thông tin cũng rất đa dạng và nhanh nhạy. Mọi cách thức tác nghiệp sáng tạo hơn và thông tin đến bạn đọc cũng nhanh hơn. Thậm chí ngoài phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa, còn nhận được sự trợ giúp từ các đồng nghiệp ở tòa soạn nên thông tin khá phong phú.

Phóng viên pháp đình chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp tại các phiên xử đại án

Tuy nhiên, đó chỉ là nhìn ở khía cạnh đưa tin một cách thông thường đối với phóng viên pháp đình. Tôi muốn quay trở lại vấn đề, phóng viên pháp đình tham gia tác nghiệp ở các phiên xử đại án. Có thể thấy đa số phóng viên theo dõi mảng Tòa án đều có kiến thức về pháp luật khá chắc. Việc này thường được các tòa soạn mặc định khi tuyển dụng và sắp xếp vị trí công việc.

Song trong quá trình tác nghiệp, một số phóng viên chưa được đào tạo bài bản hay am hiểu về luật cho lắm, vì thế khi viết bài, thậm chí bài đã đăng báo vẫn còn sót lọt “sạn” như dùng sai các thuật ngữ về luật, gây ra hiểu lầm, sai bản chất vụ việc. Đặc biệt, đối với những vụ đại án, nếu phóng viên đưa tin sai sót thì thực sự mang lại rất nhiều phiền toái, hậu quả khó lường cho đối tượng được phản ánh, chính phóng viên và cho cả tòa soạn. Vì những đại án khi đưa ra xét xử nhận được rất nhiều sự quan tâm và “soi xét” của dư luận.

Ngoài năng lực chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp đưa tin thì điều không thể thiếu đối với các phóng viên pháp đình, đặc biệt là khi tác nghiệp tại các phiên xử đại án, đó là cần có một nhãn quan chính trị tốt, nhanh nhạy, sự tỉnh táo cần thiết trong việc điều tiết thông tin tại phiên tòa. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phóng viên pháp đình chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp tại các phiên xử đại án