Đúng dịp làng báo rục rịch kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) thì vụ giả danh phóng viên VTV cũng hoàn thành việc truy tố. Trong ba người bị truy tố có một phóng viên “xịn”…
Thế mới hay, nghề báo, nhất là với những phóng viên nội chính, ranh giới thật mong manh…
Bị dọa là chuyện thường
Trước khi bị truy tố về tội lừa đảo và làm giả con dấu trong vụ án giả danh phóng viên VTV lừa tiền doanh nghiệp, Bùi Xuân Hiệu là phóng viên Phòng Thời sự truyền hình, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Ninh Bình. Tôi quen Hiệu từ khi anh ta còn chưa lập gia đình, là một phóng viên nhiệt tình và có năng lực. Thời gian qua đi, hơn chục năm rồi không gặp, để rồi nhận được tin chẳng hay ho về đồng nghiệp.
Nhớ lần về công tác tại tỉnh Ninh Bình, hồi ấy vừa mới ra trường, cánh phóng viên chúng tôi còn “hăng máu” lắm, chỗ nào cũng xông vào nghe, xem để viết bài đăng báo. Sau khi trình giấy giới thiệu ra, anh Trưởng phòng Chính trị hỏi định viết gì thì chúng tôi “hóng” được tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa phá được một vụ lừa đảo, đối tượng còn đang trên phòng. “Nóng” quá còn gì, phải đưa tin ngay! Chúng tôi lao xuống, mặc dù lãnh đạo Phòng bảo còn đang lấy lời khai, chưa thể cung cấp thông tin nhưng chúng tôi vẫn cố nài nỉ, xin chụp ảnh đối tượng trước, thông tin lấy sau.
Chẳng biết có phải do quá thạo đời hay vì cái mặt chúng tôi lúc ấy có vẻ dễ bắt nạt mà vừa thấy chúng tôi giương máy ảnh lên, tên lừa đảo đã “xù lông cánh”. Hắn doạ, sau này ra trại sẽ tìm chúng tôi để “hỏi tội” vì dám đưa ảnh của hắn lên báo. Không chỉ chúng tôi mà ngay cả những điều tra viên có mặt ở đó đều bất ngờ trước thái độ của kẻ phạm tội. Kiểm lại bản thân, chúng tôi thấy mình chẳng có gì sai vì lúc vào chụp ảnh đã nói dối là lính bên phòng hồ sơ, sang lấy ảnh căn cước, có ai nói là phóng viên hay nhà báo đâu. Thế nhưng, mấy anh Công an thì cười. Hóa ra, mỗi lần có tội phạm cần phải chụp ảnh, mấy anh Công an thường hỏi tên, tuổi, nơi ở rồi bắt chúng cầm bảng chữ để chụp… Còn chúng tôi thì chưa vào hẳn trong phòng đã hùng hục chụp ảnh nên mới bị tên có tiền án, tiền sự đầy mình “bắt vở”.
Phòng tác nghiệp của phóng viên tại phiên tòa xét xử “Bầu” Kiên
Chuyện tiếp xúc với can, phạm nhân, bị họ “tẩy chay”, không chịu mở lòng tuy hiếm song thi thoảng vẫn xảy ra. Ấy là lần chúng tôi lên trại giam Nam Hà công tác, được anh cán bộ giáo dục cho gặp phạm nhân Dương Thế Anh, chàng kiến trúc sư đa tình giết người yêu vì bị tuyệt tình. Từng bị kết án tử hình rồi được ân xá, có lẽ, Thế Anh đã trải qua những giờ phút kinh khủng nhất của cuộc đời nên khi tiếp xúc với chúng tôi, anh ta chọn cách im lặng. Mặc cho chúng tôi khơi gợi, thậm chí còn bóng gió bảo thể hiện thế nào, đăng báo như thế… anh ta vẫn không hé răng nửa lời. Thế là buổi trò chuyện thành độc thoại.
Lại nhớ lần, lòng thương người của mình đặt không đúng chỗ. Ấy là lần đi điều tra theo thư bạn đọc về một bà mẹ tố cáo con mình viết đơn từ mẹ, đẩy bà vào trại dưỡng lão. Chúng tôi hăm hở về Vĩnh Phúc, tìm gặp bà mẹ đáng thương kia. Nghe bà lão kể bị con gái hành hạ, bán hết gia tài của gia đình chiếm làm của riêng còn nỡ ép mẹ vào trại dưỡng lão, chúng tôi thương bà quá, có bao nhiêu tiền trong túi đem ra cho tất. Trước khi về, một đồng nghiệp của tôi còn động viên bà rằng, nếu sau này lập gia đình nhờ bà trông hộ cháu. Về Hà Nội, ngay tối đó, chúng tôi định viết bài luôn nhưng vì chưa gặp lãnh đạo trại dưỡng lão nên đành gác lại. Khi gặp lãnh đạo trại dưỡng lão, chúng tôi mới biết chuyện không hoàn toàn như vậy. Người đàn bà luống tuổi kia, trước khi xin vào trại dưỡng lão đã bán hết gia tài rồi gửi tiền tiết kiệm. Để vào trại dưỡng lão, bà ta gửi đơn lên Tòa án, không nhận đứa con gái duy nhất của mình. Thế nhưng, khi thành người cô đơn, bà ta nuôi cả gà trong phòng khiến những bô lão cùng phòng không chịu nổi phải sang phòng khác. Vậy là, tiếc công đi lại mấy lần thì ít mà tiếc cho tâm huyết dồn vào bài báo thì nhiều. Thật may là ngày đó, tôi cũng đi công tác suốt thành ra chỉ gặp lại người phụ nữ này có một lần, khi bà ta xuống cơ quan tìm chúng tôi xin tiền…
Ranh giới mong manh…
Dân làm báo thường có câu, phóng viên là đi giữa hai làn đạn bắn chéo cánh sẻ, phải biết lựa mới không dính đạn. Biết thế nhưng đâu phải lúc nào cũng tránh được và chuyện rủi ro với phóng viên vẫn thường xảy ra như cơm bữa. Ấy là lần chạy như ma đuổi khi nghe tin sát thủ Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng ở Bắc Giang, bị Đồn biên phòng Na Hình, Lạng Sơn bắt giữ. Đêm rồi mà chúng tôi vẫn lao lên, chụp ảnh, lấy thông tin, đến nửa đêm mới biết, từ trưa đến giờ chưa ai ăn gì.
Rồi như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, chúng tôi lao lên Vĩnh Quang, nơi ông Chấn cải tạo từ ngày thứ Bảy, nghe ngóng không thấy gì lại quay về, đầu tuần đi tiếp. Những khi ấy, dù thành quả thu được không mấy nhưng lại thấy vui, thấy mình làm được một việc gì đó có ích.
Năm nay kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), nhóm phóng viên nội chính chúng tôi mới bàn nhau ngồi đâu đó một hôm, gọi là kỷ niệm ngày của mình, bỗng thấy se lòng trước tin đồng nghiệp sắp hầu Tòa. Dẫu biết làm sai thì phải chịu tội, cho dù người đó là ai nhưng vẫn thấy đắng lòng trước cảnh phóng viên hầu Tòa, phóng viên bị hành hung. Mới năm trước thôi, hai phóng viên Báo An ninh Thủ đô và Đài Truyền hình VCT 14 bị lăng mạ, hành hung chỉ vì dám ghi hình một số hộ dân lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, trong khi đi cùng với đoàn kiểm tra liên ngành.
Trước đó, khi đang tác nghiệp tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Đồng bằng Sông Cửu Long - Tịnh Biên 2011 (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang), phóng viên Trần Công Lũy bị hai người đàn ông xông vào ngăn cản, không cho tác nghiệp. Điều đáng nói là, mặc dù đã giải thích mình là phóng viên đang tác nghiệp song Trần Công Lũy vẫn bị Cảnh sát 113 còng ngược tay ra sau lưng, áp giải đến trụ sở Công an thị trấn Tịnh Biên chẳng khác nào tội phạm. Thế mới hay, mặc dù đã thuộc lòng câu đi giữa hai làn đạn, lúc nào cũng phải cẩn trọng kẻo dính đạn, vậy mà vẫn “bị thương”.