Phong vị Tết trên báo Xuân

Đăng Nguyên| 09/02/2021 07:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỗi độ Tết đến, tờ báo xuân đã thành món ăn tinh thần không thể thiếu với nhiều người, như thưởng trà hay ăn miếng mứt, hóng khí xuân đang dịp nô nức. Nét văn hóa ngày Tết Việt Nam này cũng đã được hơn trăm năm tuổi, từ thuở báo chí vẫn còn là thứ hàng xa xỉ.

Những tờ báo xuân đầu tiên

Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, “báo Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 27 tháng chạp năm Đinh Tỵ tức ngày 30-1-1908” là số báo xuân đầu tiên của báo chí Việt (Sơn Nam - Báo xuân năm Mậu Thân 1908 - Văn Nghệ TP.HCM số ra ngày 17-1-1986).

Báo cũng đăng một bài dài “Khuyên ăn Tết”, khuyên bà con bớt ăn chơi, đả phá các hủ tục như đốt vàng bạc, đốt pháo, dựng nêu, treo bùa, noi gương người Âu vui chơi vừa phải trong đôi ba ngày đầu năm mà thôi. Lục Tỉnh Tân Văn ra số đầu tiên ngày 15-11-1907 do Q.Jeantet quản nhiệm, Trần Nhật Thăng (Trần Chánh Chiếu) chủ bút 52 số đầu, từ số 53 trở đi Lương Khắc Ninh làm chủ bút, đầu tiên là tuần báo sau đổi thành nhựt báo. Đây là tờ báo đầu tiên cổ động mạnh mẽ việc “minh tân”, ủng hộ phong trào Duy Tân.

Nối tiếp tờ “Lục Tỉnh Tân Văn”, nhiều tờ báo khác ở Sài Gòn những năm 1910 trở đi đều có ấn phẩm xuân như “Phụ Nữ Tân Văn”, “Nam Phong tạp chí”… Báo xuân từ năm trước năm 1932, các báo xuân chỉ thường đăng tải vài lời chúc tụng đơn giản, tường thuật ngày Tết, với số lượng bài về Tết không nhiều. Nhưng về sau, báo xuân đã có những bài viết đánh động tới lòng trắc ẩn, nhân văn của con người. Đó là những bài hồi ký về ngày Tết trong tù ở Sài Gòn, Côn Đảo, về đời sống gia đình của các chiến sĩ như Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn. “Chồng ở tù, vợ con ở nhà ăn Tết như thế nào” đó là chủ đề xuyên suốt mà theo Sơn Nam, khiến người đọc không khỏi xúc động.

Tờ xuân Phụ Nữ Tân Văn được xem là đi đầu trong việc cải tiến từ hình thức, cách trang trí, dàn trang, bài vở chất lượng và có thêm phần “quảng cáo báo xuân”. Báo xuân có ý nghĩa tổng kết một năm của các lĩnh vực, đề tài mà tờ báo theo đuổi, phản ánh suốt năm qua với những hình ảnh minh họa vui tươi, ý nghĩa. “Sẽ là thiếu sót lớn nếu thiếu bài “Năm ngựa nói về con Ngựa”, “Năm Chuột nói về con Chuột”. Lĩnh vực giải trí, thường thức ngày Tết rất được xem trọng trong mỗi số báo xuân xưa. Đó là chuyện về tục lệ, cổ tích, thắng cảnh hay cách làm bánh mứt, dọn dẹp nhà cửa.

Đặc điểm “số Tết 1918” của Nam Phong là tất cả các bài viết (bằng tiếng Việt) đều nằm trong khung hoa, có nhiều tranh minh họa và hoàn toàn không có quảng cáo. Số báo Nam Phong đánh dấu sự khởi đầu của một mĩ tục, đến giờ vẫn tỏa ra dư vị trong trời xuân thuở trước. “Lời thưa” trong số báo này định hình một sắc thái, dẫu đã qua cả trăm năm vẫn còn nguyên niềm hân hoan: “Cả năm có một ngày tết là vui. Vui ấy là vui chung cả mọi người trong xã hội… Buổi đầu xuân năm mới, giời ấm khí hòa, cảnh vật tươi cười, lòng người hớn hở”.

1(1).jpg
2.jpg
3.jpg
Một số bìa báo Xuân xưa

Tờ báo Tết xưa đã nhích khỏi khuôn mẫu của những số báo bình thường bằng lối trình bày mỹ thuật, vui tươi hơn, các bài viết đều được đặt trang trọng trong khung hoa với nhiều tranh minh họa, nội dung gồm nhiều bài văn xuân, thơ xuân, câu đối tết. Cũng bởi ý chí của người làm báo mong muốn “Cả năm có ngày Tết là vui... Bản báo muốn cho khúc đàn riêng của mình không đến nỗi sai nhịp với khúc cảm chung của xã hội trong buổi đầu năm xuân mới...”, làm riêng tập báo Xuân “trước là để cùng quốc dân góp một phần vào cuộc vui chung, sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới...”.

Báo xuân xưa thường phát hành cận tết, trong khoảng từ 20 - 26 tháng chạp.Thậm chí, có tờ báo xuân phát hành sáng 28 tháng chạp, còn thơm mùi giấy mực trong khi đây đó đã rộn rã hoa trái, bánh mứt lẫn tiếng trống múa lân, tiếng pháo mừng xuân. Báo xuân là một mặt hàng ưa thích của mọi nhà, ít nhất mỗi nhà cũng mua một tờ mà mình ưa chuộng để nam phụ lão ấu trong gia đình cùng đọc lai rai trong ba ngày tết, hay khách đến chơi nhà, chúc tết gia chủ trong lúc hàn huyên bên chung rượu chén trà, thỉnh thoảng liếc qua vài trang.

Nét đẹp văn hóa

Đất nước hòa bình, thống nhất, sắc màu tươi mới, ấm áp, hạnh phúc của con người ngày càng được thể hiện trên các mặt báo xuân. Từ các ấn phẩm báo trung ương tới địa phương, từ các tờ báo văn hóa nghệ thuật, chính trị xã hội… đâu đâu cũng nhận ra sắc xuân đang dần về và lan tỏa. Vẫn là một mạch nguồn chảy từ trăm năm, các số báo tết ngày nay cũng thường có bài bàn về các phong tục tập quán, nét văn hóa ngày Tết. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, báo xuân ngày nay cũng tăng cường việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Trên mỗi tờ báo đều thể hiện những đặc thù làm nên phong vị riêng, là “một món quà” hòa hợp với đất trời và lòng người giữa độ xuân sang.

Báo Xuân vừa thể hiện sự đánh giá nhìn nhận, tổng kết cả năm, có dự cảm cho năm mới, thường được chuyển tải nhiều nội dung văn hóa văn nghệ, là nơi quy tụ những cây viết tên tuổi, những bài viết và hình ảnh đặc sắc để khi đến tay độc giả, số báo Tết thật sự là ấn phẩm đẹp nhất trong năm của các tòa soạn. Đây cũng là nơi để các nhà báo xuất bản những tác phẩm, những vấn đề ấn tượng được chiêm nghiệm trong cả một năm với biết bao công sức và tâm huyết. Làm thế nào để có những tác phẩm mới, hay và hấp dẫn bạn đọc và quan trọng là hợp với khẩu vị độc giả trong những ngày Tết là điều băn khoăn lớn nhất của phóng viên, biên tập viên cho đến lãnh đạo tòa soạn.

4.jpg
5.jpg
6.jpg
Một số bìa báo Xuân xưa

Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ làm báo, báo Xuân liên tục cải tiến về nội dung và hình thức để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của độc giả. Trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi của thời cuộc đã tạo nên diện mạo và nét riêng biệt cho mỗi số báo Xuân. Nhưng vẫn có thể nhận thấy những nét tương đồng với tinh thần làm báo Xuân ngày xưa. Đó là phần nào phản ánh diện mạo tâm hồn của con người trước thời cuộc. Báo Xuân thường là sự huy động tư duy sáng tạo từ người viết cho đến người thiết kế nội dung, trình bày trang báo.

Trên những tờ báo Xuân, mọi thứ ồn ào, tranh cãi, lộn xộn của đời thường được tạm gác qua một bên, nhường chỗ cho những cảm xúc sâu lắng, chiêm nghiệm, nhìn lại năm đã qua và hy vọng cho năm tới tốt đẹp hơn. Có lẽ, xu hướng này bắt nguồn từ truyền thống kiêng kỵ, những điều không may, không hay ngày đầu xuân năm mới.

hoibao-xuan.jpg
Gian hàng trưng bày báo Xuân thu hút nhiều bạn đọc

Dù ở thời đại 4.0, cách tiếp cận thông tin của bạn đọc có nhiều thay đổi, những tờ báo giấy, báo Xuân chỉ còn trong lòng các độc giả trung thành, những độc giả muốn giữ gìn nét văn hóa Tết độc đáo. Người ta nhận diện sắc thái riêng của những tờ báo Xuân hợp gu để mua về nhà nhẩn nha đọc như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày nhàn nhã Tết nhất. Báo Xuân giữ ở đó những tự tình dân tộc buổi xuân về, như một dấu son giữa dòng thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong vị Tết trên báo Xuân