Phần lớn các quốc gia đang phát triển hiện nay chỉ triển khai giải pháp “đóng cửa” một phần mặc dù số người nhiễm bệnh và tử vong hàng ngày vẫn tăng chóng mặt. Nguyên nhân chính là chính phủ các nước này không có khả năng hỗ trợ người dân thất nghiệp.
Dân thường Iraq xếp hàng nhận đồ cứu trợ bên ngoài một điểm phân phát do Liên hợp quốc tổ chức ở huyện Zahra, đông Mosul.
Việc thực hiện các biện pháp phong tỏa hay giãn cách xã hội rõ ràng đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của tất cả các nước đang phải gồng mình chống dịch.
Thậm chí ở nhiều quốc gia đang phát triển, việc người dân đang có nguy cơ chết đói vì các biện pháp chống dịch là điều có thể xảy ra trong tương lai gần và họ không thể đủ khả năng để lựa chọn những phương án tốt hơn.
Điển hình như Ấn Độ và Pakistan đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để đối phó với đại dịch toàn cầu, cấm tụ tập nơi công cộng và cho mọi cơ sở không kinh doanh thực phẩm hay thuốc men dừng hoạt động, các ngành công nghiệp xuất khẩu, bao gồm cả dệt may đều bị bỏ ngỏ.
Nhưng khác với những quốc gia lớn, vấn đề đối với những nền kinh tế này là một lệnh phong tỏa kéo dài có thể dẫn đến những hậu quả tàn khốc cho kinh tế, thậm chí là chết người bởi số người thất nghiệp tăng vọt trong khi các chính sách an sinh xã hội của những quốc gia này còn kém.
Đến nay, hơn 15 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, nhưng ở các nước nghèo, khoảng 2 tỷ người phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp mà không có bất kỳ quyền lợi nào. Ở các nước phát triển, bảo hiểm thất nghiệp thường đảm bảo cho 6/10 công nhân mất việc làm chính thức, nhưng con số đó ở các quốc gia đang phát triển chỉ là 1/10.
Chính vì lý do đó mà phần lớn các quốc gia đang phát triển hiện nay chỉ triển khai giải pháp “đóng cửa” một phần mặc dù số người nhiễm bệnh và tử vong hàng ngày vẫn tăng chóng mặt.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tham gia biểu tình phản đối biện pháp giãn cách xã hội.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro - bản thân cũng đã bị nhiễm virus corona - là một trong những lãnh đạo có lập trường gây tranh cãi nhất khi ông phản đối biện pháp giãn cách xã hội và đóng băng nền kinh tế.
Ngày 19/4, Tổng thống Bolsonaro gia nhập đám đông biểu tình bên ngoài một doanh trại quân đội ở thủ đô Brasilia để phản đối các quy định hạn chế hoạt động do thống đốc ban hành. Ông Bolsonaro, một cựu tướng quân đội có tư tưởng cực hữu, nói rằng các biện pháp cách ly được ủy quyền bởi các thống đốc bang và các quan chức y tế công cộng của ông là một lực cản không cần thiết đối với nền kinh tế. Trên twitter của mình, ông bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng: “Những giải pháp đó là không cần thiết, nó chỉ khiến nền kinh tế trì trệ vì “một ngày nào đó, chúng ta đều phải chết”.
Thậm chí, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã sa thải Bộ trưởng Y tế nước này vì bất đồng quan điểm về cách chống lại đại dịch Covid-19, và một lần nữa kêu gọi các bang chấm dứt các lệnh bắt người dân ở nhà mà ông nói đang gây tổn hại cho nền kinh tế.
Trên thế giới, không chỉ Tổng thống Brazil bày tỏ rõ quan điểm này. Bộ trưởng Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaita cũng từng nói, đối với các quốc gia có mạng lưới an sinh xã hội yếu, việc đưa ra các hạn chế đi lại và lệnh ở nhà sẽ dẫn đến đói, thậm chí chết đói nhiều hơn là chết vì Covid-19.
Ở Mỹ, công dân một loạt các bang trong tuần qua đã xuống đường biểu tình chống lại các lệnh phong tỏa. Họ giơ cao các biển phản đối việc ở nhà và cần được đi làm. Thậm chí, Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ người dân không thực hiện lệnh giãn cách xã hội do các thống đốc bang đưa ra.
Trong khi đó, giới quan sát bắt đầu lo ngại về những “cơn co thắt” kinh tế đầu tiên trong kỷ nguyên hậu Thế chiến II. Tuy những thiệt hại kinh tế đầy đủ vẫn chưa được thống kê, các dự báo tăng trưởng cho năm 2020 đã liên tục giảm.
Mối đe dọa thật sự hiện hữu, bởi sau một thập kỷ tăng trưởng yếu, các quốc gia mới nổi bước vào đại dịch với tình trạng còn dễ bị tổn thương hơn so với trước khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hiện thâm hụt ngân sách của nhiều quốc gia đang rất lớn.
Nguy hiểm hơn, khi tình trạng thương mại toàn cầu chậm lại sau năm 2008, nó cũng đã bóp nghẹt các cánh cửa thương mại nội địa của những nền kinh tế này.
Nhiều quan chức ở các nước phát triển nói họ không có cách nào để “sao chép” các gói cứu trợ được áp dụng ở các nước giàu. Thủ tướng Pakistan Imran Khan gần đây đã có một bình luận đáng phải suy nghĩ, rằng Nam Á đang phải đối mặt với sự lựa chọn khắc nghiệt, hoặc là khóa chặt nền kinh tế để kiểm soát virus, hoặc là đảm bảo không chết vì đói và nền kinh tế không sụp đổ.
Họ không có nguồn lực đủ mạnh để trang trải cho các chương trình kích thích khổng lồ nhằm ngăn chặn một cuộc suy thoái sâu hơn nữa. Điều kiện sống đông đúc, chật chội khiến họ khó có thể ngăn chặn đại dịch bằng các quy tắc giãn cách xã hội.
Đến nay, khi cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 đang diễn ra khắp thế giới, rất nhiều quốc gia đang trở nên bế tắc trước việc lựa chọn giữa việc chết vì dịch hay chết vì đói? Không ít quốc gia chỉ còn hy vọng sự lây lan của dịch bệnh sẽ bị chậm lại, cũng như đặt kỳ vọng hoàn toàn vào hai yếu tố thời tiết ấm áp và dân số trẻ.