Tội ác kinh hoàng của Tây lai và vụ thảm sát 286 người (Kỳ cuối): Ký ức của nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát ở Bến Tre

Ngọc Nguyễn| 03/04/2015 08:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đến tận hôm nay, bia Căm thù đã sờn màu, rừng dừa cháy sém đã xanh lại nhưng những ký ức kinh hoàng của cái ngày hơn 286 đồng bào ngã xuống vẫn còn nguyên trong tâm trí người còn sống.

Chuyện kể của người sống sót

Bảng thông tin của Khu di tích thảm sát Cầu Hòa tại xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, ghi nhận danh tánh 65 gia đình bị thảm sát. Và có lẽ, lịch sử chỉ còn tồn tại trên những trang giấy vô tri vô giác nếu như không có những con người sống kiếp sống như đã chết linh hồn theo những cái xác vương vãi ngày 10/1/1947 như: Bà Huỳnh Thị Hai, bà Võ Thị Đời, Nguyễn Thị Sanh, Huỳnh Văn Bạn, Diệp Thị Hoặc, Huỳnh Thị Bé...

Chúng tôi có mặt tại Cầu Hòa vào ngày đơn vị này đang tổ chức Hội Đại đoàn kết toàn dân. Địa điểm tổ chức chính là Khu di tích thảm sát Cầu Hòa. Tại đây, rất nhiều lần, những ký ức kinh hoàng về ngày giỗ chung hàng năm vẫn được người xưa ôn lại. Tuy nhiên, cùng với thời gian, những người sống sót trong vụ thảm sát kinh hoàng ấy cũng lần lượt qua đời vì tuổi tác và bệnh tật. Hiện nay, người được cho là nhân chứng cuối cùng, người trực tiếp chứng kiến và sống sót sau vụ thảm sát chỉ còn lại bà Diệp Thị Hoặc.

Theo chân ông Phạm Hoàng Em, người quản lý di tích thảm sát Cầu Hòa, chúng tôi gặp nhân chứng sống cuối cùng Diệp Thị Hoặc. Gặp bà trong không gian đìu hiu đến cô quạnh, nỗi đau thương chất chứa bấy lâu của người phụ nữ hơn 70 năm bị những ký ức kinh hoàng đày đọa tràn về theo dòng nước mắt lăn dài. Giọng ông Hoàng Em chùng xuống: "Gia đình bà cụ có đến 21 người bị giặc Pháp thảm sát. Bản thân bà cũng tận mắt chứng kiến cái chết của mẹ và ba người em trai ruột".

Bà Hoặc đau đớn kể lại: "Bao năm qua, lúc nào đứng trước bàn thờ, trước ngôi mộ chung của 21 người mà mắt tôi không hiện ra cảnh em trai tôi thét lên rồi máu từ ngực, đầu, bụng phun ra xối xả. Tôi không thể nào quên hình ảnh mẹ tôi tóc lòa xòa, rối tung bê bết máu. Rồi hình ảnh mẹ tôi ôm xác con trai khóc ngất, sau tiếng đạn điếc tai, mẹ tôi cũng thét lên rồi ngã xuống trong vũng máu, tay vẫn ôm chặt con thơ vào lòng. Xác mẹ nằm chồng lên xác em tôi, xác bà, xác chị, xác dì, máu chảy thành dòng".

Lấy tay quệt nước mắt, bà Hoặc nghẹn ngào: "Có lẽ mẹ tôi vẫn nghĩ rằng các em chưa chết nên cố dùng thân để bảo vệ, che chắn cho tụi nó đến hơi thở cuối cùng. Nhớ đến ngày đó, những hình ảnh kinh hoàng lại hiện lên trong tôi như mới xảy ra ngày hôm qua".

Tội ác kinh hoàng của Tây lai và vụ thảm sát 286 người (Kỳ cuối): Ký ức của nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát ở Bến Tre

Vàm Hàm trên kênh Chẹt Sậy nơi quân Pháp đổ quân

Theo lời bà Hoặc, hôm đó, lũ giặc hung tàn ùa vào làng lúc nào không biết, chúng điên cuồng và manh động. Gặp người chúng lên đạn bắn không cần hỏi. Nhà nhiều người chúng lùa hết ra sân, xếp hàng ngang rồi lia súng bắn gục tại chỗ. Trong hỗn loạn, chúng đâm chém bằng lưỡi lê, đập bằng báng súng.

Trong dòng nước mắt lăn dài, bà kể thêm: "Hôm đó, tôi cùng mẹ và ba em trai ra ruộng hái bông. Bỗng tôi nghe tiếng súng nổ liên hồi, chưa kịp chạy thì đã thấy một toán lính lê dương lao tới. Tôi chỉ kịp nghe nằm xuống rồi theo quán tính tôi nằm mọp xuống ruộng. Thế rồi mọi thứ diễn ra như tôi vừa nói ở trên. Thật khủng khiếp, thật kinh hoàng, sau khi thấy mẹ và các em tôi chết trong nháy mắt, tôi cũng ngất xỉu".

Tỉnh dậy, bà Hoặc như rơi vào bãi tha ma khi xung quanh là máu, là xác người chết rũ trên gốc cây, bờ tường, vườn rau, gốc dừa cùng những heo, gà, chó và những ngôi nhà cháy dở. Lẫn trong những xác người là thanh niên, phụ nữ còn có những người mẹ đang mang bầu không bao giờ được thấy mặt con, những em bé không bao giờ được ra đời.

Tội ác kinh hoàng

Những tội ác dã man đến không tưởng của Leon Leroy và bè lũ UMDC (đơn vị quân sự chuyên biệt) dường như đã phổ biến khắp đầu sông cuối ghềnh ấp Cầu Hòa. Đi đến đâu và hỏi về tội ác vụ thảm sát Cầu Hòa, chúng tôi cũng ghi nhận những mô tả chân thực những vụ giết chóc. Theo đó, với những gia đình đông người, chúng ra lệnh triệu tập đông đủ các thành viên rồi bất ngờ nổ súng giết sạch.

Những gia đình ít người chúng không cần hỏi han, châm lửa thiêu rụi nhà cửa, cho lính đứng ngoài hễ có người lao ra là dùng lưỡi lê đâm chết. Ghi nhận những hành động dã man trên, bảng thông tin Khu di tích Cầu Hòa viết: "Với khẩu hiệu đốt sạch, giết sạch, phá sạch, bọn lính thấy ai giết nấy không chừa bất cứ ai". Thế nên, ngày nay, vẫn còn những gia đình có mộ chôn chung hàng chục người như: Gia đình bà Hoặc một mồ chôn 21 người, gia đình ông Lộc một mộ chôn chín người, gia đình ông Oảnh ba mộ chôn 17 người, gia đình ông Thâu một mộ chôn 10 người...

Cũng theo bảng thông tin này, dã man và ác thú hơn, đối với những phụ nữ mang thai đến gần ngày sinh, chúng lệnh cho quân lột hết quần áo thai phụ rồi dùng chân đi giày đạp lên bụng rồi mới nổ súng bắn chết. Đối với những đứa bé mới lọt lòng mẹ, chúng cũng không tha...

Ông Hoàng Em chia sẻ: "Tôi may mắn được gặp, tiếp xúc với nhiều nhân chứng sống và được nghe những chuyện kinh khiếp. Nhiều trong số họ đã tận mắt chứng kiến cảnh người thân mình bị giết ví như chuyện ông Nguyễn Tấn Lộc. Khi hay tin giặc tràn vào ấp, ông nhanh chóng lội xuống đầm trốn. Tại đây, ông đã chứng kiến bọn giặc dùng lưỡi lê rạch bụng mẹ và các thành viên trong gia đình. Thấy cảnh thương đau, ông Lộc định lao lên sống còn với lũ lang sói nhưng các chiến sĩ cách mạng nhanh tay giữ chặt ông đè xuống đất bùn, cho ông khỏi vùng vẫy. Bùn, máu, nước mắt cũng không khó nuốt như nỗi căm hận đang chắn ngang cổ họng đắng chát của ông".

Tội ác kinh hoàng của Tây lai và vụ thảm sát 286 người (Kỳ cuối): Ký ức của nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát ở Bến Tre

Bà Diệp Thị Hoặc đau đớn kể lại khoảnh khắc kinh hoàng ngày 10/1/1947

Sự ác ôn xô đổ mọi tín ngưỡng tôn giáo linh thiêng, điều đó hoàn toàn đúng khi nhắc đến tội ác của Leon Leroy. Phát hiện những người dân trốn trong cửa chùa, Leon Leroy cũng cho quân lính sục vào đòi giết. Tại đây, một người mẹ già đã quỳ xuống, đi bằng gối để  xin tha chết, chúng máu lạnh gí súng vào trán bà bóp cò. Các sư thầy đang tụng kinh niệm Phật cũng bị vạ lây.

Sau một loạt tiếng nổ, chùa thơm mùi nhang đã tanh lên mùi máu. Tất cả các tăng, ni trong chùa đều bị chúng thảm sát, không một ai trốn thoát. Sau đó, chúng phóng hỏa thiêu rụi ngôi chùa và bỏ đi. Chia sẻ về nguyên nhân của vụ thảm sát trên, ông Hoàng Em nhận định: "Khi ấy, địa phương được xem là khu vực lớn mạnh về các phong trào cách mạng. Dân ấp Cầu Hòa, ấp Kinh cũ cũng có tiếng nuôi giấu cán bộ. Thế nên Leroy liên tục mở nhiều đợt truy quét. Tuy nhiên, quân của hắn luôn ra về tay trắng. Có lẽ vì thế mà chúng điên cuồng, quyết thảm sát người dân cho hả giận".

Cũng theo lời ông, trước cuộc thảm sát kinh hoàng này, "tập đoàn sát nhân" man rợ trên cũng đã thực hiện nhiều cuộc giết chóc khác tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, nạn nhân trong những cuộc giết chóc trên chủ yếu là thanh niên, trai tráng. Chúng nhắm vào đối tượng này vì nghĩ đây là lực lượng nòng cốt của Việt Minh sau này. Thế nên, mỗi khi có tin giặc vào làng, đàn ông, thanh niên đều nhanh chóng tản ra, trốn trong các rừng dừa bạt ngàn, làng ấp chỉ còn lại phụ nữ, người già, trẻ em. Đó cũng là lý do đa số nạn nhân trong trận thảm sát Cầu Hòa là phụ nữ, trẻ em và người già.

Sau cuộc thảm sát man rợ, người dân Phong Nẫm nén đau thương thu lượm những xác chết phần lớn không còn nguyên vẹn để mai táng. Xác chết nhiều đến nỗi không đủ áo quan để chôn cất, không có đồ để khâm liệm, dân Phong Nẫm nuốt nước mắt dùng lá dừa nước, lá chuối khô thay thế. Xác người quá nhiều cộng thêm xác vật nuôi khiến nơi đây bốc lên mùi chết chóc gai người. Người dân địa phương cho biết, nhiều năm sau, không khí chết chóc vẫn bao trùm ấp Phong Nẫm. 

Sau vụ thảm sát, Leon Leroy không chỉ tiếp tục ghi điểm trước quốc mẫu mà còn leo lên chức vị mới. Sau khi phong trào Đồng Khởi bùng nổ, dân Bến Tre vùng lên, cái tên Leroy nhiều lần trở thành mục tiêu tìm diệt của dân chúng. Cuối cùng, sôi máu bất mãn với chính quyền Pháp vì nghĩ không được tin tưởng, Leroy xin về Pháp. Vào cuối thập kỷ 50 đầu thập kỷ 60, Léon Leroy trở thành ông chủ một đồn điền nho lớn ở Algérie... Năm 2005, hắn chết tại Pháp. 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tội ác kinh hoàng của Tây lai và vụ thảm sát 286 người (Kỳ cuối): Ký ức của nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát ở Bến Tre