Lão "kỳ nhân" chục năm trời "cõng voi" lên núi

Huy Hùng| 02/02/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là cụ Bùi Văn Đức (86 tuổi) tại thôn Đoan Vỹ, Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam. Tuy không phải là người có niềm đam mê với nặn tượng từ nhỏ, nhưng hơn 10 năm nay cụ chẳng quản nắng mưa, hàng ngày cõng xi măng lên núi Con Rùa đắp tượng.

Nhịn ăn, nhịn mặc dành tiền mua vật liệu đắp tượng

Tìm về thôn Đoan Vỹ, hỏi cụ Đức đắp tượng thì người dân ở đây ai cũng biết. Ngôi nhà nhỏ nhắn của gia đình cụ nằm ngay quốc lộ 1A. Đi theo chỉ dẫn của người dân tìm đến nhà cụ, hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là một cụ già tóc bạc trắng, đang loay hoay với thùng xi măng, đang đắp lên bức tường rào trước nhà.

Tôi chắc mẩm đây chính xác là cụ Đức, nhưng khi tôi xuống nói chuyện, cụ lại chỉ về hướng có hai cụ bà đang đứng đầu cổng, ý của cụ là muốn hỏi gì thì cứ ra đó. Hóa ra là cụ Đức bị điếc nặng, muốn nói chuyện với cụ phải nói thật to, khi chúng tôi nói cụ không nghe gì và phía hai cụ bà kia có vợ cụ đang ở đó.

Cụ Nguyễn Thị Phành, vợ cụ Đức năm nay cũng đã 85 tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn, cụ chào hỏi, tiếp đón chúng tôi một cách nhiệt tình. Cụ Phành nói ngay “ Ông ấy xây đắp ở trên núi chán rồi bây giờ lại về nhà, cứ chỗ nào trống lại đắp, lại tô.Con cháu đứa nào cũng ngăn cấm mà cứ lao ra làm không chịu ngồi nhà đâu”.

Cụ Phành giới thiệu rồi kể lại cho chúng tôi nghe những tháng ngày vất vả của chồng. Cụ Đức vốn chẳng biết gì về nghệ thuật, lấy nhau gần 60 năm, cụ Phành chưa bao giờ thấy cụ ông cầm bút vẽ cũng tuyệt nhiên không đắp nặn gì. Vậy mà hơn chục năm về trước, cụ Đức đột ngột thích vẽ, thích đắp tượng.

Cụ Phành kể: "Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà ông ấy lại thích đắp vẽ. Khoảng năm 2002, ông ấy nói rằng sẽ lên núi đắp tượng xi măng. Tôi nghĩ nói đùa, ai ngờ cứ thế là hì hục vác xi, vác cát lên đó đắp đắp vẽ vẽ".

Lão

Chân dung phúc hậu, hiền từ của cụ Bùi Văn Đức

Ở cái tuổi gần đất xa trời, đáng ra cụ Đức phải để con cháu phụng dưỡng chăm sóc nhưng cụ lại không chịu ngồi yên một chỗ. Nhiều người làng nói "Cụ Đức lập dị. Đúng là trời đày. Bằng này tuổi rồi không ở nhà mà nghỉ ngơi dưỡng sức lại cứ đi hành xác".

Người ta nói vậy cũng có cơ sở, bởi lẽ khi mà cụ Đức đến đi còn chẳng vững, cặm cụi dành dụm từng đồng của con cháu cho tiêu vặt để mua xi măng, sắt thép, rồi lại tự tay mình vận chuyển những vật liệu đó lên núi đắp tượng.

Chưa từng học qua một trường lớp nào về nghệ thuật, thế nhưng cụ Đức lại rất hiểu nghệ thuật và yêu cái đẹp. Cụ còn có thói quen đi bộ khắp làng, khắp xã, lúc thì tạt vào nhà con chơi, khi lại lên núi ngắm những thành quả của mình là những bức tượng. Không ai có thể phủ nhận tài năng và tâm huyết của cụ Đức qua từng tác phẩm.

Cụ Nguyễn Thị Phành chia sẻ thêm: "Ông ấy mồ côi bố mẹ từ nhỏ, phải đi ở đợ cho nhà người ta nên không được học hành gì. Đắp tượng này cũng là tự ông ấy nghĩ ra mà làm thôi chứ làm gì có ai dạy. Ông ấy cứ nghĩ gì là đắp nấy, thấy gì là vẽ nấy. Vậy mà cũng đẹp ra phết… Cũng có khối người đến đây tham quan. Họ bảo tượng của ông ấy thoạt nhìn thì lạ nhưng lại thân quen và rất có hồn".

Quả thực có chứng kiến những thành quả của cụ Đức mới thấy được, chỉ có niềm đam mê, sự quyết tâm mới có thể làm được.

Sự kì dị của của Đức cũng làm con cái không khỏi lo lắng, khi cha thì càng ngày càng yếu mà vẫn cố sức với cái đam mê được coi là “ngông cuồng” đấy. Nhiều người ngoài cuộc thì lại có định kiến rằng, cụ già rồi nên thần kinh kém đi, người thì bảo ma xui khiến cụ phải hành xác như vậy. 

Mặc cho vợ có gàn, con cháu ngăn cản, hàng xóm có lời qua tiếng lại, năm 2002 cụ Đức bắt đầu thực hiện ước mơ của mình. Số tiền dành dụm được từ việc tiết kiệm rồi con cháu cho, cụ đi mua từng bao xi măng, sau đó chia nhỏ rồi vác dần lên núi.

Hằng ngày cụ Đức thức dậy từ 5 giờ sáng, rồi đi bộ ra phía bờ sông, nơi trước đó người ta xúc cát nên vẫn còn sót lại. Cụ Đức vét rồi cho vào hai túi cám con cò nho nhỏ xách về. Hôm nào đủ cát thì cụ lại chuyển qua xách sỏi hoặc xách xi măng.

Cụ bảo: "Tôi già rồi nên không xách nặng được. Cứ túc tắc vậy thôi, kiến tha lâu cũng đầy tổ mà. Nước để trộn xi măng, cát, sỏi thì tôi cho vào hai vỏ can dầu 5 lít rồi xách lên. Khi nào có đủ mọi vật liệu thì lại đắp. Cứ nghĩ ra cái gì thì đắp cái đó thôi". Trong suốt hơn 10 năm chưa một lần cụ Đức phải nhờ con cháu đụng tay bất kỳ việc gì.

Người hàng xóm của cụ Đức cho biết: “Có hôm tôi thấy cụ Đức đi từ tờ mờ sáng, đi làm đồng về tôi vẫn nhìn thấy cụ đang hì hụi, lúc đó đã 12h trưa, tôi bảo cụ về nhà ăn cơm đi rồi ra làm tiếp. Cụ quay sang hỏi đã 8h sáng chưa thế?”.

Niềm đam mê, say sưa với nặn tượng khiến cụ Đức quên ăn, quên cả giờ giấc, có hôm con cháu phải mang cơm lên núi cho cụ ăn luôn trên đó.

Biết được tài năng của cụ nên lãnh đạo thôn Dạ Vỹ đã mời cụ vẽ và trang trí cho đình làng, cụ vẫn miệt mài với công việc của mình sớm tối ở ngoài đình. Cụ cười nói “Làm thì làm chả mong muốn danh lợi gì chỉ là cho thỏa cái sở thích này thôi”.

Ngẫu hứng tuổi già hay “tuyệt tác nghệ thuật”

Cụ Đức chỉ ta về phía núi Rùa nói: “Phía kia là nơi 10 năm nay tôi dành hết tâm huyết để hoàn thành tâm niệm cuối đời của mình về một nơi gọi là chốn “bồng lai tiên cảnh”. Nghe theo lời cụ, chúng tôi để xe ở nhà anh Bùi Văn Đạo (con trai cụ Đức) nằm ngay chân núi rồi bắt đầu lên núi.

Con đường đi lên thật không dễ dàng gì, vậy mà 10 năm nay cụ vẫn ngày ngày mang xi măng, cát lên đó. Từ chân núi lên đến đỉnh núi đã được cụ Đức xây từng bậc lên, hai bên là bê tông khiến cho đường lên không còn cảm giác chênh vênh, nguy hiểm.

Lão

Một góc trong quần thể các tượng cụ Đức đắp trong 10 năm

Trên quần thể các bức tượng trên núi được cụ thiết kế rất quy củ, có cổng đi vào, qua cổng là cây cầu nhỏ bằng đá vắt ngang qua. Nào là Lã Vọng ôm cần ngồi câu cá, nào là Thánh Gióng cưỡi ngựa tung roi sắt giết giặc..., cả một thế giới sinh động các loài động vật, cụ dựng lại sự tích Sơn Tinh - Thủy Tinh, với công chúa xiêm y đứng e thẹn bên cạnh là lễ vật cầu hôn.

Được biết “công trình nghệ thuật” cụ tâm đắc nhất đó là bức tượng voi. Theo cụ con voi đó nặng khoảng 15 tấn, cụ mất gần một năm để hoàn thành nó. Cụ cưa từng thanh sắt, để uốn được sắt cong theo ý của mình thì so với sức già của cụ phải nỗ lực lắm mới có thể làm được.

Trước đây cụ Đức cũng làm lính trật tự trên Hà Nội, nên 36 phố phường không nơi nào là cụ không biết. Cụ vẫn nhớ như in tên của từng con đường, góc phố, do vậy ở nhà thì cụ vẽ phố cổ Hà Nội lên vách tường còn trên núi cụ đắp cả Chùa Một Cột, cảnh Bao công xử án Trần Thế Mỹ tại Bờ Hồ.

Những lần đi thăm thú các địa danh lớn cụ cố gắng nhớ lại khung cảnh đó rồi về nhà lại đắp tượng y hệt thế như Hồ núi Cốc, Vịnh Hạ Long... Xem tượng của cụ, chúng tôi cảm nhận được sự lạ lùng so với những bức tượng đã nhìn thấy trước đó, nó linh thiêng và có nét cuốn hút.

Chúng tôi vẫn luôn băn khoăn một điều, không hiểu tại sao một người đã ở cái tuổi gần đất xa trời như cụ Đức rồi, vậy mà không biết động lực gì khiến cụ làm nên được điều phi thường này, và cụ vẫn mong có sức khỏe, có nhiều thời gian hơn nữa để tiếp tục với niềm đam mê của mình.

Điều kỳ diệu là trong suốt hơn 10 năm xách xi, xách cát lên núi, cụ Đức chưa từng bị tai nạn, chưa từng sảy chân một lần nào. Cụ cười nói: "Chắc tại ông trời phù hộ tôi đấy mà".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lão "kỳ nhân" chục năm trời "cõng voi" lên núi