Cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực là những quá trình được thiết lập và vận hành nhằm nhận diện, phòng ngừa từ sớm, từ xa và xử lý triệt để tham nhũng, tiêu cực cả “ngọn” lẫn “gốc”, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Ở Việt Nam, các cơ chế phòng chống, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) được thiết lập bởi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được triển khai trong cả hệ thống chính trị.
Thời gian qua, nhiều biện pháp PCTNTC tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện như: thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng; tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; thực hiện cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, công tác PCTNTC tiếp tục được đẩy mạnh quyết liệt, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân.
Một trong những kết quả nổi bật là công tác hoàn thiện thể chế về PCTNTC. Theo đó, bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế để “không thể” tham nhũng, tiêu cực.
Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, phục vụ trực tiếp cho công tác PCTNTC. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 30 văn bản quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và PCTNTC. Quốc hội đã thông qua 13 luật, ban hành 03 nghị quyết, xem xét cho ý kiến đối với 10 dự án luật, trong đó có nhiều luật liên quan trực tiếp đến công tác PCTNTC như: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Đất đai 2024, Luật Các tổ chức tín dụng 2024;…Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 98 nghị định, 207 quyết định; các bộ, ngành ban hành hơn 300 thông tư; đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC, góp phần tạo lập hệ thống pháp luật đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, hạn chế những điều kiện dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt; nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương được chỉ đạo xử lý nghiêm minh theo đúng phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Trong những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới, đồng chí Tô Lâm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, mà phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để PCTNTC. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, PCTNTC; về bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc; về thanh toán không dùng tiền mặt;…
Khẩn trương khắc phục những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo trong cơ chế, chính sách, pháp luật vừa để phát triển kinh tế - xã hội, vừa để phòng ngừa, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về PCTNTC phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Có thể nói, đây là yêu cầu rất xác đáng và cấp thiết nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở”; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để “không thể” tham nhũng, tiêu cực. Trung Nguyễn