Phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh là biết động viên, khuyến khích “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, tức là phải làm cho cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật.
Là lãnh tụ của cách mạng Việt Nam, phong cách làm việc Hồ Chí Minh được thể hiện trước hết ở phong cách lãnh đạo.
Phong cách dân chủ, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: Người giải thích: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung”. Người thường nói: đề ra công việc, đề ra nghị quyết, không khó, vấn đề là thực hiện nó. Ai thực hiện? - Tập thể, quần chúng. Vì vậy, có dân chủ, bàn bạc tập thể mới cùng nhất trí, cùng quyết tâm thực hiện, tránh được “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Sở dĩ xảy ra mất đoàn kết vì người lãnh đạo còn chuyên quyền, độc đoán, áp đặt chủ quan, trong hội nghị thì mọi người miễn cưỡng đồng tình, sau hội nghị, đã không thông thì không quyết tâm thực hiện.
Phong cách dân chủ Hồ Chí Minh được biểu hiện từ việc lớn cho đến việc nhỏ. Từ soạn thảo Tuyên ngôn độc lập đến viết một bài báo..., Người đều tham khảo ý kiến của Bộ Chính trị, hay những người xung quanh. Người tuân thủ chặt chẽ quy trình ra quyết định. Mọi vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật,... Người đều dựa vào đội ngũ trí thức, chuyên gia trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, yêu cầu chuẩn bị kỹ, trao đổi rộng, sao cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải được cân nhắc, lựa chọn thận trọng, để sau khi ban hành, ít phải thay đổi, bổ sung.
Phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh là biết động viên, khuyến khích “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, tức là phải làm cho cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật. Khi cần thiết, để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, Người quyết định triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt (1964) - một “Hội nghị Diên Hồng” của thời đại mới.
Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về phong cách làm việc thật sự dân chủ, tôn trọng tập thể, không phân biệt chức vụ cao thấp. Thực hiện dân chủ, tôn trọng tập thể là vấn đề có tính nguyên tắc xuất phát từ nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của đảng kiểu mới.
Theo Người, thực hành dân chủ, tôn trọng các quyết định của tập thể, biết lắng nghe ý kiến mọi người thì sẽ phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo và quy tụ được sự đồng tình ủng hộ của nhiều người, tạo nên sức mạnh to lớn để giải quyết thắng lợi mọi nhiệm vụ. Người đã sớm cảnh báo về hiện tượng mất dân chủ, không tôn trọng tập thể trong công tác của cán bộ, nhất là những người có chức, có quyền cao. Phong cách làm việc dân chủ, tôn trọng tập thể của Hồ Chí Minh hoàn toàn đối lập với phong cách làm việc theo kiểu áp đặt mệnh lệnh hành chính, độc đoán chuyên quyền, chủ quan duy ý chí, dân chủ hình thức hoặc dân chủ cực đoan, tùy tiện, tự do vô chính phủ. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, lối làm việc dân chủ, tôn trọng tập thể phải đi liền với sự quyết đoán và tinh thần dám chịu trách nhiệm cá nhân.
Tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát cụ thể, thường xuyên: Theo Hồ Chí Minh, sau khi nghị quyết đã được ban hành, phải tổ chức tốt để nghị quyết đi vào cuộc sống; điều đó gắn liền với công việc kiểm tra, kiểm soát. Muốn tốt, “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”. Sở dĩ sự thật còn bị bưng bít vì sự kiểm tra, kiểm soát của các ngành, các cấp, không nghiêm túc, chưa chặt chẽ, tệ quan liêu còn “nồng”.
Bác Hồ thăm người dân ở Pác Bó, Cao Bằng, năm 1961
Trong thực tiễn, Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tác phong kiểm tra sâu sát. Theo tài liệu thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, chỉ tính trong vòng 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955 - 1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Người đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội..., từ miền núi đến hải đảo, ngoài việc thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, để xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính ra mỗi năm có hơn 70 lượt Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có khoảng 6 lần lãnh tụ gặp gỡ quần chúng. Đó là một kỷ lục khó ai có thể vượt qua, nhất là đối với một lãnh tụ tuổi đã cao.
Ngoài ra, hằng ngày Người đều đọc báo, đọc thư của nhân dân gửi lên, thấy có những ý kiến hay, cần tiếp thu, những việc gấp cần giải quyết, Người đều dùng bút đỏ đóng khung lại, chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm, yêu cầu nghiên cứu và giải quyết.
Phong cách quần chúng, luôn luôn gần dân, tin dân, trọng dân, dựa vào dân, gắn bó với nhân dân: Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh luôn gần gũi với nhân dân, qua đó thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Tư tưởng trọng dân và tin dân nhất quán từ trong suy nghĩ và hành động thường nhật hằng ngày của Hồ Chí Minh. Chính vì trọng dân, tin dân và thương dân, nên Người lấy dân làm đối tượng phục vụ.
Hồ Chí Minh luôn tin dân, tin tưởng vào khả năng và sức mạnh của nhân dân. Phong cách quần chúng của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ tư tưởng của Người: "Nước lấy dân làm gốc".
Người nhấn mạnh: “Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”, “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”. Trong cách làm việc với quần chúng cần phải nắm vững tình hình chất lượng quần chúng, phân loại các mức hạng khác nhau để có biện pháp làm việc cho hiệu quả, mặt khác phải nắm rõ đặc điểm nổi bật trong tư tưởng của dân chúng là “họ hay so sánh” và họ so sánh đúng vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Vì thế, “người cán bộ cũng phải dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh”. Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở cán bộ phải phê phán và đấu tranh khắc phục cách làm việc quan liêu, mệnh lệnh. Người yêu cầu các đồng chí phụ trách ở các bộ, ban, ngành và Trung ương phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, đi kiểm tra giúp đỡ ít.
Trong lãnh đạo, Người xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân, của tập thể lên trên, lên trước. Người luôn thực hiện “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Phong cách nêu gương: Hồ Chí Minh cho rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.
Hồ Chí Minh từng dạy: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quổc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công”. “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.
Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.