Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tự chủ không phải là tự do, tự lo, không có quản lý nhà nước

Minh Khang| 04/08/2022 16:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 4/8, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đã đạt được trong triển khai tự chủ đại học, thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, vướng mắc, xác định những nguyên nhân trọng yếu, từ đó định hướng lộ trình cùng những việc cần làm thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì hội nghị.

dam.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì và chỉ đạo Hội nghị

Tham dự hội nghị còn có hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các hiệp hội, các tổ chức quốc tế; bí thư Đảng ủy, chủ tịch hội đồng đại học, chủ tịch hội đồng trường, giám đốc, hiệu trưởng, lãnh đạo bộ phận tổ chức nhân sự của các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

4 mục tiêu quan trọng thực hiện tự chủ đại học

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, quá trình thực hiện tự chủ đại học là một chặng đường đổi mới rất dài, "không chỉ có hoa hồng" mà còn nhiều chông gai, gian khổ, phía trước còn nhiều khó khăn.

Theo đó, tự chủ đại học là quá trình cọ xát từ tư tưởng, nhận thức, đến thống nhất hành động, đã được đưa vào các nghị quyết của Trung ương, văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục vừa làm, vừa tổng kết, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, thí điểm.

Phó Thủ tướng nêu rõ, quá trình tự chủ đại học không chỉ đúng về lý thuyết, mà kết quả thực tiễn tốt hơn. Không vì một số điểm còn chưa tốt, chưa phù hợp còn tâm tư mà quay lại bàn về chủ trương, đặt lại sự cần thiết của tự chủ đại học. Đây là lúc cần thống nhất hành động để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện tự chủ đại học.

"Thực tiễn cho thấy, đổi mới giáo dục, trong đó có giáo dục đại học phải theo đúng xu thế quốc tế, nhưng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam, một nước đang phát triển thu nhập thấp, khác biệt về văn hóa, truyền thống, nhất là phải phù hợp với thể chế chính trị của đất nước. Việc thực hiện tự chủ đại học là con đường một chiều không quay lại được", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc lại 4 mục tiêu quan trọng khi thực hiện tự chủ đại học, Phó Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải phát triển tốt hơn nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong 3 đột phá chiến lược. Dẫn số liệu tỉ lệ nhập học đại học của Việt Nam khoảng 28,6%, thấp hơn nhiều ngay cả khi so với các nước trong khu vực, Phó Thủ tướng cho rằng hiện việc đào tạo nhân lực chất lượng cao thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Không gian phát triển đại học cả về số lượng và bảo đảm chất lượng còn chặng đường rất dài ở phía trước.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo đảm công bằng hơn cho mọi người trong tiếp cận giáo dục đại học ở chất lượng cao.

Cùng với đó là thực hiện tự chủ để sử dụng tốt hơn nguồn lực con người, nguồn lực tài chính (sử dụng hiệu quả đầu tư từ ngân sách Nhà nước, thu hút nhiều hơn đầu tư của DN dưới các hình thức khác nhau vào các trường đại học công lập, đầu tư của người dân).

Thống nhất hành động, sẵn sàng thích ứng, vượt qua khó khăn trong thực hiện tự chủ đại học - Ảnh 2.

Quang cảnh hội nghị

Cuối cùng, Phó Thủ tướng nêu rõ, việc thay đổi mô hình quản trị các trường đại học theo hướng tiên tiến, hình mẫu của không gian hoạt động có tính khoa học và văn hóa, từ đó lan tỏa các giá trị tốt đẹp ra toàn xã hội. Trong thời gian qua, các trường, các thầy cô giáo, sinh viên đã có nhiều hoạt động có tính cộng đồng ngày càng tốt hơn, lan toả những giá trị tốt đẹp.

Tự chủ không phải là tự do, tự lo, không có quản lý nhà nước

Điểm lại một số kết quả đạt được sau thời gian thực hiện tự chủ, Phó Thủ tướng dẫn số liệu từ các bảng xếp hạng quốc tế khác nhau cho thấy, thứ hạng của giáo dục đại học Việt Nam từ vị trí 80-90 trên thế giới đã nâng lên vị trí 60-70. Từ chỗ không có trường đại học nào của Việt Nam được xếp hạng quốc tế, đến nay, tùy từng bảng xếp hạng, đã xuất hiện nhiều hơn các trường đại học của Việt Nam.

Trước khi thực hiện tự chủ, 70-80% công bố từ các viện nghiên cứu, 30% từ các trường đại học, đến nay tỉ lệ này đảo ngược lại: 70% từ các trường đại học. Tuy nhiên, số lượng các công bố vẫn còn rất thấp so với ngay các nước trong khu vực. Tỉ lệ giảng viên có trình độ cao nâng lên từ 25% lên 32%.

Ngoài ra, học sinh đã có cơ hội lựa chọn học theo sở thích, năng lực tốt hơn rõ rệt so với trước khi thực hiện tự chủ đại học kết hợp với những đổi mới về thi, tuyển sinh.

Tỉ lệ hài lòng của DN khi tuyển dụng sinh viên tại các trường có truyền thống tăng lên rõ rệt về kỹ năng làm việc nhóm, tự tin bày tỏ ý kiến.

Việc thực hiện dân chủ trong trường học tốt hơn. Thu nhập của giáo viên tăng lên.

"Chúng ta đã đi đúng, làm tốt, nhưng vẫn cần phải cố gắng hơn nữa để bắt kịp và vượt các nước trong khu vực", Phó Thủ tướng nói; đồng thời nhấn mạnh một số nguyên tắc, nhiệm vụ để tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học trong thời gian tới.

Cụ thể, Phó Thủ tướng nêu rõ, "tự chủ, tự quản không phải là tự do, tự lo, không có quản lý nhà nước". Các trường đại học tự chủ phải tuân thủ pháp luật, gắn với trách nhiệm giải trình. Đây cũng là xu thế chung các nước trên thế giới.

Nhìn vào những nguyên nhân những trường đại học chưa thực hiện tự chủ, Phó Thủ tướng đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của các trường như chưa kiểm định được. Bộ GD&ĐT phải rà soát không để công tác kiểm định là nút thắt trong thực hiện tự chủ đại học.

Bộ GD&ĐT phải làm việc với các bộ cấp trên trực tiếp của một số trường đại học, để làm rõ nguyên nhân, có giải pháp tháo gỡ cho những trường: Chưa thành lập hội đồng trường và các cơ cấu theo quy định của pháp luật; Chủ tịch hội đồng trường chưa là bí thư Đảng ủy; chưa có quỹ để cấp học bổng cho sinh viên nghèo, đối tượng chính sách…; tập trung giải quyết dứt điểm một số trường chuyển từ dân lập sang tư thục…

Đồng thời, Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị đổi mới về nhân sự trong bộ máy tổ chức trường đại học để phát huy tối đa kinh nghiệm của những cán bộ lãnh đạo đã quá tuổi tham gia vào các cơ chế hội đồng.

Thống nhất hành động, sẵn sàng thích ứng, vượt qua khó khăn trong thực hiện tự chủ đại học - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các trường đại học tự chủ không chỉ là hình mẫu về quản trị, mà còn là môi trường nuôi dưỡng và lan toả các giá trị tốt đẹp ra toàn xã hội 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các trường phải có quy chế hoạt động nội bộ như "bộ luật" của trường, được thực hiện xây dựng công khai minh bạch trong toàn trường; làm mạnh hơn nữa cơ chế tự chủ xuống đến từng khoa, phòng, giảng viên.

Việc thực hiện tự chủ phải theo xu thế hội nhập quốc tế, hướng tới chất lượng ngang tầm khu vực, một số bộ môn, chuyên ngành tiến thẳng đến chất lượng quốc tế. Bộ GD&ĐT tiếp tục hướng dẫn kiểm định, xếp sao, xếp hạng quốc tế… Nhất thiết, trường đại học phải là tiên phong trong chuyển đổi số, cổ vũ các mô hình mới, thí điểm một số ngành đào tạo, bộ môn có điều kiện thuận lợi.

Nhấn mạnh sứ mệnh sáng tạo tri thức của các trường đại học, Phó Thủ tướng yêu cầu cần phải có đổi mới đột phá trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trước hết tập trung vào những trường có năng lực, đồng thời tạo điều kiện cho giảng viên các trường khác cùng tham gia.

Về những khó khăn về cơ chế tài chính, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT, Hiệp hội các trường đại học-cao đẳng Việt Nam, các trường đại học phải chủ động nghiên cứu từ đó kiến nghị cụ thể, không chỉ kêu vướng.

Phó Thủ tướng nêu rõ: "Tự chủ đại học như đường một chiều không quay lại được. Con đường này còn rất dài, rất khó, có nhiều điều mới chưa lường trước được, nhưng chúng ta phải cùng nhau vượt lên khó khăn, vượt qua chính mình, sẵn sàng thích ứng. Các trường đại học không chỉ thực hiện tự chủ theo luật mà còn là hình mẫu về quản trị, là môi trường nuôi dưỡng và lan tỏa các giá trị tốt đẹp ra toàn xã hội".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tự chủ không phải là tự do, tự lo, không có quản lý nhà nước