Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Lên án, chống lại các hành vi mê tín dị đoan, lợi dụng tâm linh

Xuân Lan| 06/06/2019 14:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mê tín dị đoan, trục lợi tâm linh; việc ứng dụng CNTT trong ngành du lịch; cũng như sự cần thiết bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt là những vấn đề các đại biểu đề cập được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu làm rõ thêm tại phiên chất vấn sáng 6/6.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Lên án, chống lại các hành vi mê tín dị đoan, lợi dụng tâm linh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 6/6

Chống lại các hành vi mê tín, dị đoan, lợi dụng tâm linh

Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, sáng 6/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Chúng ta phải phản đối, lên án, đấu tranh chống lại các hành vi mê tín, dị đoan; chống lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi.

Các vi phạm cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và các tổ chức tôn giáo cũng cần xử lý thật nghiêm.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng xử lý vấn đề này không chỉ bằng pháp luật, quy định mà còn phải tuyên truyền, phổ biến, vận động, đặc biệt là vai trò của các tổ chức tôn giáo.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân và tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Theo Phó Thủ tướng, xét trên giác độ văn hoá, khi một tôn giáo du nhập vào Việt Nam có sự ảnh hưởng qua lại với văn hoá, tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng dân cư, của dân tộc.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ khi Phật giáo vào Việt Nam đã dần dần dung hoà với nhiều tín ngưỡng truyền thống như: Thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ mẫu. Vì vậy, khi nói về giáo pháp, thực hành tín ngưỡng thì cần đặc biệt lưu ý vấn đề này. Đây là niềm tin, sự thực hành thường nhật của bộ phận lớn người dân cần phải tôn trọng.

Trong quá trình đó, những gì không phù hợp với truyền thống, tín ngưỡng cần được chỉ ra, vận động để loại bỏ dần, trong đó rất cần kết hợp với các tổ chức tôn giáo.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Mê tín, dị đoan suy cho cùng là do thiếu hiểu biết nên chúng ta cần chú trọng hơn tới giáo dục, văn hoá, để nâng cao dân trí, để người dân hiểu biết về những hành vi đúng với tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc, giáo lý. Có hành vi trước đây là đúng nhưng bây giờ không còn phù hợp với thế giới văn minh. Những điều này cần sự phân tích có tình, có lý của các nhà nghiên cứu tôn giáo, những người thực hành tôn giáo và đặc biệt là những người nghiên cứu văn hoá.

Bộ VHTTDL, các địa phương, tổ chức cần tăng cường công tác nêu gương, phân tích cặn kẽ trên giác độ văn hoá về những việc tốt, những việc chưa tốt, chưa đúng mọi người cùng nhân cái tốt lên và giảm cái xấu.

“Chúng ta hãy cùng gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, của các tôn giáo nhưng đồng thời hết sức cầu thị trên tinh thần khoa học để có những ứng xử phù hợp với yêu cầu của thời đại mới”, Phó Thủ tướng nói.

Phải có khung pháp lý để bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt

Về câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), Phó Thủ tướng cho rằng đây còn những khuyến nghị rất đúng của đại biểu về sự cần thiết phải có khung pháp lý để bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt, chuẩn hoá các khái niệm, quan niệm về văn hoá, đạo đức, nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Phó Thủ tướng cũng thông tin thêm: Thực ra chúng ta đã có khung pháp lý với các quy định ở hiến pháp, luật, nghị định, thông tư, các quy chế, hương ước mang tính cục bộ ở cộng đồng, cơ quan. Tuy nhiên, những quy định này cần không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, sửa đổi và khi đã ban hành thì tổ chức thực hiện nghiêm túc, xử lý ngay khi có vi phạm.

“Tại kỳ họp thứ tư, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà đã kiến nghị ban hành Luật về tiếng Việt. Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và Nhân văn Việt Nam, Viện Ngôn ngữ nghiên cứu 10 đề tài cấp bộ về các khía cạnh khác nhau để chuẩn bị luận cứ về thời điểm xây dựng Luật này.

Trong quá trình biên soạn sách giáo khoa mới, Chính phủ cũng có văn bản chỉ đạo Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý đến sự trong sáng của tiếng Việt ngay từ bậc mẫu giáo trở lên”, Phó Thủ tướng khẳng định và cho biết tiếp tục chỉ đạo Bộ VHTTDL, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT cùng phối hợp. Gần đây rất nhiều hoạt động được các cơ quan tổ chức nhằm bảo vệ, gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Các cơ quan truyền thông đại chúng cũng đã chú ý đến vấn đề này.

Ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào phát triển du lịch

Theo Phó Thủ tướng, cả thế giới đều đang làm và Việt Nam phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) để phát triển mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ VHTTDL lập đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong tất cả các khâu, các lĩnh vực nhằm góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Làm sao để mọi tổ chức, người dân kinh doanh du lịch có thể tự giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, địa điểm du lịch ở trên mạng. Tiếp đó thúc đẩy thanh toán điện tử, qua điện thoại di động (hiện tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, quý I/2019 đã tăng 97% số giao dịch).

Chúng ta cũng đã bắt đầu số hoá các bảo vật quốc gia, các hiện vật quý để đưa lên mạng, giới thiệu. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý tiếng nói nhằm khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên những thứ tiếng hiếm để giới thiệu các địa điểm du lịch…”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Phó Thủ tướng cũng nhắc đến tầm quan trọng của môi trường không chỉ cho ngành du lịch mà cả sự phát triển bền vững của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Lên án, chống lại các hành vi mê tín dị đoan, lợi dụng tâm linh