Trước tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay chân miệng tăng đột biến trong tháng 9 ở TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Báo cáo về công tác khám chữa bệnh trong mùa bệnh trẻ em tại buổi làm việc, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, gần đây các bệnh ở trẻ em gia tăng, đặc biệt là tay chân miệng, công suất giường của bệnh viện luôn sử dụng ở mức 119,29%. Tại khu phòng khám cũng gia tăng lượng bệnh, trong đó đột biến là ngày 1/10 và có tới 8.380 lượt bệnh nhi đến khám…
Hiện nay tại khoa Nhiễm của bệnh viện đang điều trị cho 18 ca mắc bệnh sởi. Điều bệnh viện lo ngại nhất là nguy cơ lây lan bệnh sởi tại khoa Tim Mạch, nhất là đối với những trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh, bởi những bệnh nhân này đều chưa được tiêm phòng sởi.
Cũng theo ông Hùng, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chủ động lên kế hoạch phòng chống dịch cũng như dự phòng cơ số thuốc đến cuối năm, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân tay chân miệng, sởi. Đồng thời, hỗ trợ chuyên môn, chỉ đạo tuyến cho 13 tỉnh, thành ĐBSCL cũng như một số tỉnh khu vực miền Trung.
Phó Thủ tướng thăm bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thông qua phương tiện thông tin đại chúng đã biết phần nào tình hình dịch bệnh ở TP.HCM. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Phó Thủ tướng đã dành thời gian đi thăm bệnh nhân và động viên các y bác sĩ đang ngày đêm vất vả chống dịch sởi, tay chân miệng đang tăng cao trong thời gian gần đây.
Chia sẻ với những khó khăn, căng thẳng của đội ngũ y bác sĩ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, trân trọng những đóng góp của những người làm công tác khám chữa bệnh trong thời điểm này. Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP.HCM, các sở ngành cùng quan tâm, có chế độ bồi dưỡng tương xứng với những người tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh.
Lo ngại dịch sởi có thể quay lại theo chu kỳ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế cũng như Sở Y tế TP.HCM phải tăng cường công tác phòng chống, không để đến lúc dịch bùng phát mới đi dập dịch. Để tăng tính hiệu quả trong phòng chống, yêu cầu sự vào cuộc khẩn thương của các cấp, ban ngành và toàn xã hội, nhất là tại các khu vực có khu công nghiệp.
Ông cũng bày tỏ: “Tôi đọc báo thấy rất nhiều cháu nhỏ ở các tỉnh bị tay chân miệng chuyển tới TP.HCM điều trị khiến y bác sĩ rất vất vả. Nhu cầu của người dân về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế không bao giờ là đủ đặc biệt là mỗi khi có dịch, có đợt cao điểm của bệnh”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn: “Ngành y tế chủ trương giữ bệnh nhân lại tuyến dưới điều trị, hạn chế chuyển bệnh lên tuyến trên, về lý thuyết thì đó là giải pháp để giảm áp lực bệnh nhân ở những bệnh viện tuyến cuối nhưng có những điều chúng ta phải cảm thông, chia sẻ với người dân. Tâm lý chung của mọi người khi ốm đau đặc biệt là trường hợp các cháu nhỏ thì cứ chỗ nào tốt nhất họ sẽ đưa tới và khi bệnh nhân đến với mình bệnh viện không thể từ chối được. Thực tế cho thấy, dù chúng ta đã xây thêm bệnh viện nhưng thành phố vẫn quá tải bởi bệnh nhân ở các tỉnh dồn về”.