Bên cạnh việc tổ chức đường dây nóng, các địa phương cần công khai cho người dân số điện thoại của cán bộ, lực lượng chức năng tại từng khu phố, tổ dân phố để người dân biết, liên lạc khi có nhu cầu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
Chiều 25/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 đã làm việc với TPHCM sau 3 ngày thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.
Tham dự cuộc họp có Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, lãnh đạo các sở, ban, ngành và 22 quận, huyện, Thành phố Thủ Đức tại các điểm cầu trực tuyến.
Tuyệt đối không để người dân cần trợ giúp y tế nhưng không ai biết
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá qua 3 ngày đầu thực hiện Công điện số 1099/CĐ-TTg của Thủ tướng về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, TPHCM đã cơ bản triển khai tốt, giãn cách nghiêm và phải tiếp tục thực hiện thật triệt để đến tận các tổ dân phố.
Trong công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng cho rằng các quận huyện đã làm tương đối tốt khi tính toán tốc độ xét nghiệm gắn với chuẩn bị khu thu dung, cách ly. Những khu, cụm dân cư dịch lây nhiễm rất đậm đặc, quá đông F0 phải phong toả như khu cách ly F0 thì phải có sự theo dõi đặc biệt, không để có những trường hợp chuyển nặng không được cấp cứu, xử trí kịp thời.
Phó Thủ tướng lưu ý ở những xã, phường, quận, huyện mà tình hình xét nghiệm không quá căng thẳng, có thể điều phối lực lượng xét nghiệm sang hỗ trợ những khu vực nóng hơn hoặc tăng tần suất xét nghiệm tại các vùng đỏ, nguy cơ cao; đẩy mạnh hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm; tăng cường xét nghiệm cho lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch tại những khu vực nguy cơ cao, rất cao…
Đối với các trạm y tế lưu động do lực lượng quân y làm nòng cốt, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tuyệt đối không để người dân cần trợ giúp y tế, nhất là các trường hợp F0 cách ly tại nhà, khi gọi điện, thông báo qua các kênh liên lạc khác nhưng không ai biết; không để thiếu thuốc hỗ trợ điều trị. Bên cạnh việc tổ chức đường dây nóng, các địa phương cần công khai cho người dân số điện thoại của cán bộ, lực lượng chức năng tại từng khu phố, tổ dân phố để người dân biết, liên lạc khi có nhu cầu.
Về an sinh xã hội, Phó Thủ tướng nêu rõ không bỏ sót bất kỳ người dân nào bị đói, dứt bữa. Lực lượng công an phải nắm được toàn bộ các đối tượng trên địa bàn để tham mưu cho chính quyền cơ sở chuẩn bị các gói hỗ trợ. Lực lượng quân đội chịu trách nhiệm đưa hàng hoá, lương thực, thực phẩm đển tận tay bà con.
Trong hoạt động điều trị, chăm sóc F0 trong khu cách ly, bệnh viện hoặc tại nhà, Phó Thủ tướng lưu ý phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho những người này.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các quận, huyện của TPHCM phải tăng tốc tiêm vaccine phòng COVID-19. “Những chỗ nào bà con đồng ý tiêm thì các đồng chí tổ chức tiêm trước, cố gắng gọn theo từng cụm, ấp dân cư”, Phó Thủ tướng nói.
Những kết quả bước đầu
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo TPHCM cho biết, phương tiện tham gia giao thông trên đường giảm 90% so với trước thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg và giảm 25% so với ngày 22/8.
Bắt đầu từ ngày 25/8, TPHCM triển khai áp dụng mẫu giấy đi đường mới do Công an Thành phố in và cung cấp cho khoảng 130.000 người.
Thành phố đã chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với số tiền 1.748 tỷ đồng, đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ theo Nghị quyết của Chính phủ và của HĐND Thành phố.
Trung tâm An sinh Thành phố đã vận động được trên 1.861.000 túi quà an sinh (300.000 đồng/phần gồm sữa, mì gói, đồ hộp, dầu ăn, bánh, xúc xích…), đã chuyển 492.076 phần quà về các địa phương, sẽ hoàn thành vào ngày 6/9 và tiếp tục vận động các nguồn lực để chuẩn bị cho đủ 2 triệu túi an sinh.
Từ ngày 23/ 8, Thành phố đã triển khai cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn Thành phố, trong đó tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao (vùng cam) và rất cao (vùng đỏ) với mục tiêu nhanh chóng tìm được các ca F0 trong cộng đồng. Do đó, trong 2 ngày vừa qua, số ca phát hiện của Thành phố tăng cao.
Tổng số mẫu xét nghiệm nhanh đã thực hiện là 619.553 mẫu, ước đạt 30% kế hoạch. Trong đó có 19.484 người dương tính, chiếm 3,1% số mẫu xét nghiệm. Thành phố đã triển khai 10 xe xét nghiệm RT-PCR lưu động xuống tại 10 quận, huyện.
Về tiêm vaccine phòng COVID-19, đến nay đã có 5.348.751 người được tiêm mũi 1 và 223.026 người tiêm mũi 2.
Hiện các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM đang điều trị 36.829 bệnh nhân; 21.031 trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi tại nhà, 20.862 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.
Thành phố đã thành lập 325 trạm y tế lưu động với sự chi viện của lực lượng quân y để chăm sóc cho các F0 đang cách ly, theo dõi tại nhà, đồng thời tiếp nhận, phản hồi ngay, có biện pháp trợ giúp các yêu cầu về y tế của người dân.
Đến thời điểm hiện nay, các quận, huyện cho biết các lực lượng hỗ trợ, chi viện phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, được người dân tin tưởng. Các địa phương đã chủ động chuẩn bị cơ số thuốc, cơ sở cách ly sẵn sàng cho tình huống số ca F0 sẽ tăng cao sau khi triển khai xét nghiệm diện rộng.