Phó Thủ tướng Thường trực trả lời chất vấn vụ án Công ty Thuận Phong

Bình Nguyên| 10/11/2020 11:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 10/11, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, bộ trưởng và các trưởng ngành. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã trả lời câu hỏi về vụ việc Công ty phân bón Thuận Phong của ĐB Nguyễn Sỹ Cương.

Đang chờ giám định

202011100839342165_pho-thu-tuong-thuong-truc-chinh-phu-truong-hoa-binh-1-.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, trách nhiệm chính trong việc này thuộc về các cơ quan tư pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Riêng về phần trách nhiệm của Chính phủ, ngày 4/6/2019, Bộ Công an có văn bản số 465 báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội về điều tra xử lý việc sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong. Nội dung chính cho biết, do Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có kết quả giám định nên việc xử lý chậm.

Sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công an chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra xử lý vụ việc theo đúng quy định và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ; đồng thời yêu cầu các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ về kết luận giám định các vấn đề, sớm kết luận vụ việc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết thêm, đã có nhiều cuộc họp với các cơ quan liên quan và đã chỉ đạo việc thực hiện đánh giá kết quả sản xuất của Công ty Thuận Phong có phải hàng giả hay không. Đây là quá trình xem xét về hành chính chứ chưa chuyển sang hình sự, sau đó thấy cần thiết phải giám định nên Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành có ý kiến đánh giá, nếu có dấu hiệu thì chuyển sang cơ quan điều tra xử lý.

Sau khi chuyển sang cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, cơ quan điều tra phối hợp với Viện Kiểm sát đã có trưng cầu giám định.

Ngày 20/11/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành văn bản kèm theo kết quả giám định theo yêu cầu của cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai.

Ngày 3/4/2020, theo yêu cầu của VKSND tỉnh Đồng Nai, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định số 05 gửi Bộ Khoa học và Công nghệ trưng cầu giám định bổ sung. Sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết quả giám định bổ sung theo yêu cầu của cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai.

Như vậy, hiện nay vụ việc đang thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tố tụng hình sự, các Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có kết quả giám định theo yêu cầu của cơ quan tố tụng hình sự.

Việc còn lại Bộ Công an sẽ chỉ đạo các cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp với liên ngành tư pháp để đánh giá tài liệu, chứng cứ theo thẩm quyền của mình và chịu trách nhiệm giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không oan sai, không bỏ lọt tội phạm, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ về quyết định của mình, Phó Thủ tướng cho biết.

Hà Nội đã chuyển một số vụ chiếm dụng quỹ bảo trì cho CQĐT

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Mai Bộ liên quan tới việc xử lý các chủ đầu tư chung cư chiếm đoạt kinh phí bảo trì.

202011100931095613_nguyen-mai-bo-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-an-giang-1-.jpg
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang)

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, theo số liệu thống kê, đến năm 2019, cả nước có khoảng 4.422 nhà chung cư, hơn 90% được quản lý vận hành an toàn, ổn định, gần 10% có tranh chấp và có vấn đề tồn tại, liên quan tới việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, chậm tổ chức ban quản trị, chậm bàn giao phí bảo trì và tranh chấp sử hữu chung-riêng và tranh chấp về một số vấn đề khác…

Nguyên nhân là do một số quy định pháp lý còn chưa đầy đủ, rõ ràng như cách tính diện tích căn hộ, logia. Một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án và chưa quan tâm nghĩa vụ sau bán hàng. Một số hợp đồng mua bán căn hộ chưa tuân thủ đúng quy định, chưa rõ ràng. Có tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước. Một số chủ đầu tư, ban quản trị chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình… gây bức xúc dư luận.

Để xử lý vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị tăng cường quản lý nhà chung cư. Bộ cũng đã ban hành nhiều văn bản, bổ sung chế tài xử lý vi phạm hành chính và các địa phương cũng đã có nhiều cố gắng xử lý. Riêng Hà Nội cũng đã chuyển nhiều vụ vi phạm cho các cơ quan điều tra xem xét, xử lý.

Giải pháp sắp tới, theo Bộ trưởng cho hay, cơ quan này đang đề xuất sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng, trong đó có vấn đề kinh phí bảo trì và quản trị nhà chung cư; sửa đổi nghị định về xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Thường trực trả lời chất vấn vụ án Công ty Thuận Phong