Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam và yêu cầu tất cả phải thật minh bạch.
Chiều 21/9, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam. Tham dự buổi họp có lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (BVHTT&DL), đại diện Hội Điện ảnh, đại diện Tổng công ty cổ phần Vận tải thủy (Vivaso), đại diện Hãng phim truyện Việt Nam (VFS).
Quang cảnh buổi làm việc về cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Zing
Ngay tại buổi họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị: "Tôi đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa. Tất cả phải minh bạch".
Câu chuyện cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quá trình cổ phần hóa khoảng 2 tháng tại VFS. Đã có nhiều buổi làm việc giữa VFS với Ban lãnh đạo Công ty Vận tải thủy, giữa các nghệ sĩ đã và đang làm việc tại VFS với Ban lãnh đạo mới, giữa Hội điện ảnh Việt Nam với báo chí, giữa Bộ VHTT&DL trong những ngay qua, tuy nhiên dư luận vẫn chưa hạ nhiệt.
Đặc biệt khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bất ngờ có buổi "vi hành" đến trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê vào khoảng 10h sáng 20/9 và ngay tại buổi làm việc vào chiều 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa tại VFS.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch phải phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài chính nghiên cứu tính lại giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam căn cứ theo giá trị truyền thống, lịch sử của hãng phim.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết quá trình cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam được thực hiện theo đúng quy trình, duy chỉ có việc định giá thương hiệu của hãng phim thì chưa có tiền lệ, nên chưa định giá được. Theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, hiện Bộ VHTT&DL đã gửi công văn đề nghị Bộ Khoa học - Công nghệ là cơ quan quản lí nhà nước về sở hữu trí tuệ và gửi công văn cho Bộ Tài chính nhưng cả hai Bộ này chưa có văn bản nào tính giá trị liên quan đến văn hóa lịch sử truyền thống.
Tại buổi gặp gỡ báo chí tại Bộ VHTT7DL vào sáng nay (21/9), ông Nguyễn Thủy Nguyên - Giám đốc công ty Vận tải Thủy Vivaso đã hứa sẽ giải quyết chế độ cho người lao động (các nghệ sĩ của Hãng phim). Về lo ngại sau khi cổ phần hóa liệu công ty có tiếp tục làm phim nữa hay không, ông Thủy Nguyên cho biết đang chỉ đạo thực hiện một bộ phim, đang đi các địa phương để tìm bối cảnh, diễn viên. Việc làm phim vẫn sẽ tiếp tục được duy trì.
Về phía Hội điện ảnh Việt Nam, cũng trong sáng nay đã tiến hành gặp gỡ báo chí. Ngay tại buổi gặp gỡ này, đại diện của Hội cho rằng anh em nghệ sĩ đều ủng hộ cổ phần hóa, thậm chí mong cổ phần hóa nhưng cổ phần như thế nào lại là vấn đề gây bức xúc. Nghệ sĩ mong muốn Hãng phim vẫn là nơi làm phim, góp phần tôn vinh điện ảnh, nghệ thuật. Họ mong qua lần cổ phần hóa này, giá trị truyền thống dân tộc được nhân lên chứ không mất đi.