Phó Thủ tướng: Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH chậm ngày nào sốt ruột ngày đó

Ngọc Mai| 25/01/2022 15:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nêu rõ nội dung trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, tinh thần là chương trình quan trọng này phải được triển khai nhanh, kịp thời, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

pho-thu-tuong-chong-trinh-phuc-hoi-kinh-te-cham-ngay-nao-sot-ruot-ngay-do.jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH chậm ngày nào sốt ruột ngày đó

Sáng 25/1, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp với các bộ, ngành, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ chuẩn bị Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội rất kỹ, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 24 ngày 30/12/2021 về chương trình này.

Tại kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội khóa XV cũng thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nêu rõ tại kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội đã bàn thảo, biểu quyết thông qua và Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đây là Nghị quyết rất quan trọng để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Trên cơ sở Nghị quyết 43, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Nghị quyết triển khai Chương trình này.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH chỉ được thực hiện trong vòng 2 năm, số vốn đầu tư rất lớn, gần 350.000 tỷ đồng. Do đó "để chậm ngày nào là sốt ruột ngày đó", Phó Thủ tướng đề nghị sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo, các bộ, ngành góp ý cụ thể các nội dung liên quan đến chức năng nhiệm vụ và các giải pháp tổ chức thực hiện của các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ sớm thông qua Nghị quyết này, bảo đảm việc tổ chức thực hiện sát thực, khả thi, hiệu quả.

Báo cáo một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Bộ đã chủ động, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Dự thảo Nghị quyết gồm 4 phần, xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chi tiết của từng bộ, cơ quan, địa phương theo lộ trình, thời gian phù hợp, đảm bảo triển khai nhanh, hạn chế tối đa việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật.

Trường hợp cần thiết phải ban hành thì thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quý 1/2022.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, đề xuất sửa đổi, bổ sung các giải pháp, chính sách nếu cần thiết và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối của các năm 2022 và 2023, báo cáo tổng kết tại kỳ họp giữa năm 2024.

Về ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, dự thảo Tờ trình Chính phủ.

Đối với ý kiến làm rõ mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 đối với các đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu trong dự thảo Nghị quyết để cụ thể hóa chính sách tại Nghị quyết 43, tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện và xây dựng dự toán cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bộ cũng đã tiếp thu tại dự thảo Nghị quyết, giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổng kết, đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bao gồm việc người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động trong trường hợp cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, trang thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định về chính sách cho vay đối với học sinh, sinh viên và cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập trong quý 1/2022.

Bộ Tài chính có trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án bảo lãnh Chính phủ đối với phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội, bảo đảm nguồn lực để thực hiện chính sách.

Liên quan đến các chương trình Ngân hàng Chính sách xã hội được giao, Phó Tổng Giám đốc Bùi Quang Vinh cho biết đối với 3 chương trình cho vay mới là: cho vay để mua máy tính cho sinh viên, cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và cho vay để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi theo Nghị quyết 88/2019/QH14, Ngân hàng đã có đề nghị các cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ ban hành nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định để có hướng triển khai.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn dự thảo hướng dẫn cho vay, phát hành kịp thời ngay sau khi có các nghị quyết, quyết định này.

Về hỗ trợ 2%/năm với các chương trình tín dụng lãi suất trên 6%/năm, Ngân hàng Chính sách xã hội đề xuất chủ yếu hỗ trợ với các món vay phát sinh trong năm 2022-2023, tổng lãi suất hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng (mỗi năm 1.500 tỷ đồng), khi có quy định, sẽ sớm hoàn thiện cho vay kịp thời.

Về nguồn lực, Phó Tổng Giám đốc Bùi Quang Vinh đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt đề án về phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội, do toàn bộ nguồn lực thực hiện Chương trình là huy động từ trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà đề xuất tiếp tục tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo nghị quyết của Chính phủ. Sau khi có quyết định của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành thông tư hướng dẫn quy trình hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức tín dụng.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành cũng đề nghị bổ sung đối tượng được hỗ trợ là tổ hợp tác, tiếp tục rà soát các giải pháp, quy định pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực, chủ động xây dựng dự thảo và xin ý kiến các bộ ngành. Chương trình này đòi hỏi phải làm nhanh, cụ thể hóa đầy đủ, rõ ràng để thực hiện hiệu quả.

Cho biết, hiện 5 bộ, ngành đã có văn bản góp ý, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành chưa có ý kiến góp ý bằng văn bản thì trong ngày hôm nay phải gửi văn bản góp ý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các bộ ngành, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua để Chương trình sớm được triển khai thực hiện.

"Tinh thần là chương trình quan trọng này phải được triển khai nhanh, kịp thời, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng: Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH chậm ngày nào sốt ruột ngày đó