Liên quan đến phát ngôn của ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội về việc đê Bùi 2 “vỡ trong kế hoạch”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng đây có thể là cách nói vui, trong nghề không có câu này.
Chiều 17/10, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đã báo cáo tình hình lún sụt đê Hữu Bùi 2, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Theo ông Trần Thanh Nhã, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ ngày 9-12/10, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có mưa lớn, lượng mưa đạt tới 340mm, đồng thời khu vực huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) cũng có mưa lớn (khoảng 500-600mm). Nước từ Lương Sơn đổ về sông Bùi nhiều, cộng với mưa trong lưu vực huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức làm mực nước sông Tích, sông Bùi dâng cao và nhanh, cường độ lớn, trên các sông, mực nước đều vượt mức báo động 3.
Ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin tại cuộc giao ban
Mưa lớn và lũ đã làm ngập nhiều khu vực trên địa bàn huyện Chương Mỹ nhiều tuyến đường và đê từ chiều 10/10 đã bị tràn, cụ thể: Đoạn đê Bùi Xả, thị trấn Xuân Mai (ngập 1.500m); đê đồng Trỗi, xã Thủy Xuân Tiên (ngập 1.500m); đê Bùi 2 và đê bao Khúc Bằng, xã Tân Tiến (ngập 500m); một số tuyến đê bao xã Nam Phương Tiến, xã Hoàng Văn Thụ… mức độ tràn từ 0,2-1,2m.
Đặc biệt, khoảng 6h30 ngày 11/10, đoạn đê bao Hữu Bùi (đê Bùi 2), địa bàn thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến sau khi bị tràn đã xảy ra sự cố xói mái đê và lún sụt khoảng 7m đê bao, mặt đê bê tông bị hạ thấp từ cao trình +7m xuống cao trình +4m đến 4,5m. Trên đoạn đê bao này, phần mặt đê bê tông nằm trong phạm vi dự án tu bổ nâng cấp đê Hữu Bùi, huyện Chương Mỹ (dự án chỉ đổ bê tông mặt đê không gia cố thân và mái đê).
Ngay khi xảy ra sự cố, Sở NN&PTNT, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai đã phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ nắm bắt tình hình, huy động lực lượng, thiết bị máy móc vật tư để xử lý sự cố ngăn chặn diễn biến sạt lở, sự cố không có thiệt hại về người.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đê hữu Bùi 2 là đê bao bảo vệ nhân dân 3 xã của huyện Chương Mỹ. Đây là vùng phân chậm lũ cho sông Hồng trong trường hợp khẩn cấp đã được Chính phủ quy định. Với thiết kế hiện tại, thì khi đến báo động 2 nước sẽ tự tràn qua thân đê hữu Bùi.
“Khi mực nước đến báo động 1 và 2 chúng tôi đã báo cho nhân dân được biết những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Do vậy, nhân dân đã sơ tán kịp thời, nước chỉ gây thiệt hại cho nông sản và nhà cửa của người dân”, ông Nhã giải thích.
Trước những băn khoăn về việc nhiều người dân ở khu vực đê hữu Bùi 2, không nhận được thông báo khi mực nước lên báo động 1 và 2, ông Nhã cho biết, các thông báo đã được phát đi. Tuy nhiên, có thể trong tình hình mưa lụt một số hộ dân không nhận được thông báo.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc đê hữu Bùi 2 là vỡ hay sạt lở, ông Nhã cho biết, khi nước tràn qua đê dẫn đến xói món dần, dẫn đến vỡ. “Việc tràn đê hữu Bùi 2, được thiết kế trong nhiệm vụ đến báo động 2 là phải tràn, chứ không ai dám giữ nước ở đây. Còn đê đất tràn đến đâu vỡ đến đấy là rất khó lường”, ông Nhã thông tin.
Liên quan đến phát ngôn của ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội về việc đê Bùi 2 “vỡ có kế hoạch”, ông Nhã cho biết, trong nghề không có câu này. Có thể đây chỉ là cách nói vui, là phát ngôn trong ngữ cảnh nào đó của ông Thịnh.
Trước đó, sáng 12/10, một đoạn đê Bùi 2, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ bị lở trôi khoảng 10m khiến nhiều thôn thuộc xã bị ngập trong biển nước, nhiều diện tích hoa màu và nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.