Phố đi bộ Hồ Gươm: Vui nhưng còn "nhức mắt"

Huy Hùng| 09/09/2016 07:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau thời gian triển khai phố đi bộ quanh Hồ Gươm, phố cổ Hà Nội, bên cạnh sự thay đổi tích cực thì người dân và du khách cũng dễ dàng nhận ra những điểm trừ không đáng có.

Hiệu quả và những tín hiệu đáng mừng

Không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm được tổ chức từ 19h thứ Sáu đến 24h Chủ nhật hàng tuần, bắt đầu thực hiện từ 1/9 đến hết năm 2016. Trong những ngày đầu tiên, hàng nghìn người dân và du khách quốc tế đã đến không gian này để tham quan, vui chơi giải trí.

Sau 4 ngày thí điểm không gian đi bộ hồ Gươm và phụ cận, du lịch Hà Nội ngay lập tức có tin vui. Theo đó, khách du lịch đến Hà Nội đạt 207.236, doanh thu từ du lịch đạt 526 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2015.

Không thể phủ nhận là tuyến phố đi bộ những ngày đầu tiên đã thu hút sự tò mò và thích thú từ khá nhiều người dân. Suốt dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, khu vực này luôn náo nhiệt, sôi động với hàng vạn lượt người.

Đặc biệt, nhiều khách du lịch có mặt tại khu vực hồ Gươm tỏ ra hào hứng, thích thú khi được thoải mái thả bước trong không gian yên tĩnh quanh hồ Gươm mà không bị ảnh hưởng bởi khói bụi và tiếng ồn của xe cộ. Đường sá khu vực hồ Gươm khang trang, sạch sẽ; các biển hiệu chỉ dẫn rõ ràng gây được ấn tượng tốt với du khách.

Phố đi bộ Hồ Gươm: Vui nhưng còn

Phố đi bộ Hồ Gươm: Vui nhưng còn

Đông đảo du khách dạo chơi trên phố đi bộ

Đến với tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm, người dân và du khách có thể thoải mái chọn lựa thưởng thức những hoạt động nghệ thuật phù hợp với sở thích. Cụ thể là nghệ thuật đường phố xiếc, ảo thuật,  trang trí ánh sáng, hoa xuất hiện ở khắp nơi. Các hoạt động giao lưu biểu diễn nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh, các tác phẩm nghệ thuật tại khu vực tượng đài Vua Lê, vườn hoa đồng hồ hay Đền Ngọc Sơn - Đền Bà Kiệu…

Việc Hà Nội mở rộng không gian đi bộ và nới rộng thời gian hoạt động của các hàng quán cũng được kỳ vọng như một trong những nút mở cho du lịch. Đặc biệt là những khách du lịch có múi thời gian lệch với Việt Nam. Được ăn một món ăn đậm chất bản địa, thong thả cảm nhận TP về đêm, chứng kiến sự thân thiện, hiếu khách của người dân thủ đô.

“Đã rất lâu rồi tôi mới được cảm nhận không khí Hà Nội sôi động và ý nghĩa đến thế. Tiếng trống chiêng của đoàn múa lân, múa rồng vốn thường xuất hiện trong dịp Tết nay lại vang lên trên các nẻo đường.  Các con, cháu tôi rất thích thú khi được thưởng thức các loại hình âm nhạc truyền thống và tận mắt xem các trò chơi dân gian tại đây” – cô Hoa, sống tại Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.

Những bất tiện và những điểm trừ không đáng có

Vào buổi tối, xung quanh phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm cũng đã xuất hiện các bãi giữ xe tự phát, thu phí cao gấp 10 lần giá quy định (20.000-30.000 đồng/ xe); tập trung ở các phố Cầu Gỗ, Hai Bà Trưng. Như tại bãi xe đoạn từ 28 - 32 phố Hai Bà Trưng, có tới 3 bãi xe không phép, mỗi xe máy ở đây bị thu 20.000 đồng/lượt (cao gấp 4 lần so với giá niêm yết).

Việc gửi xe bị “chặt chém” khiến người dân vô cùng bức xúc. “Điểm trông giữ xe của họ có ghi rõ ràng bảng giá, thế nhưng vẫn thu quá số tiền quy định, người trông xe thì không hề mặc đồng phục bảo vệ. Tôi có thắc mắc thì họ nói có gửi thì gửi không thì thôi. Tôi nghĩ bãi xe nào cũng vậy nên đành ngậm ngùi chấp nhận", anh Thành bức xúc cho biết.

Do lượng khách quá đông và nhiều người ý thức chưa tốt, nên đã xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi trên một số đoạn phố, nhất là đoạn trước kem Tràng Tiền và kem Thủy Tạ.

Dù đã được lắp đặt thêm hơn 50 thùng rác đặt quanh hồ, nhưng nhiều người dân vẫn xả rác ra đường. Hiện tượng ngập rác diễn ra nhiều nhất là tại các điểm ăn uống: kem Tràng Tiền, kem Thủy Tạ, café phố Bảo Khánh, phố Hồ Hoàn Kiếm… Dù Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội đã huy động công nhân hoạt động 24/24h, chia 5 ca làm việc liên tục nhưng vẫn không dọn xuể rác.

Phố đi bộ Hồ Gươm: Vui nhưng còn

Phố đi bộ quanh hồ Gươm ngập trong rác thải

“Nhức mắt” không kém là tình trạng hàng rong trên phố đi bộ, bất chấp quy định cấm, càng cuối giờ chiều, các loại hàng rong: Bò bía, kẹo bông, hoa quả, nước giải khát… lại ùa ra bất chấp lệnh cấm.

Đồng thời, do có quá ít nhà vệ sinh công cộng trong khu vực đi bộ nên đã xảy ra tình trạng quá tải. Nhiều người dân "mướt mồ hôi" mới tìm thấy nhà vệ sinh, thì cũng phải xếp hàng sau cả chục người mới đến lượt.

Cùng với những bất cập này, việc tổ chức phố đi bộ cũng đang khiến cuộc sống của người dân trong khu vực bị đảo lộn. “Để về nhà, chúng tôi phải dắt bộ xe, hoặc gửi xe tại bãi xe miễn phí của quận cách đó khoảng 500m. Mỗi khi phải đi lại người dân chúng tôi phải dắt xe máy cả kilômét, ra khỏi khu vực cấm mới có thể lên xe đi được rất vất vả” - Một người dân phố cổ chia sẻ.

Những cửa hàng kinh doanh trong khu vực cũng bị ảnh hưởng. Nói về kết quả kinh doanh trong những ngày bị cấm, các chủ cửa hàng khẳng định ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu, các mặt hàng không bán được. Một nhân viên bán hàng đầu phố Hàng Dầu (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Dãy phố chủ yếu bán ba lô, túi xách, giầy dép. Từ hôm thành phố đi bộ, do phải gửi xe mới vào mua được, nên lượng khách mua hàng giảm”.

Nhiều cửa hàng kinh doanh buôn bán đề nghị tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm chỉ nên cấm xe vào khoảng 17 giờ vào các ngày cuối tuần như khu phố đi bộ trong phố cổ, thay kéo dài cả 3 ngày như hiện nay. Ngoài ra, theo nhiều người đánh giá, hoạt động văn hoá trên tuyến phố đi bộ vẫn chưa có điểm gì đặc sắc.

Để tuyến phố đi bộ trở thành “điểm đến du lịch”, được triển khai lâu dài thì cần phải thay đổi, nếu không có những hoạt động khắc phục mặt hạn chế, hiệu quả sẽ không được bền lâu và khi đó phố đi bộ có lẽ chỉ là nơi cấm xe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phố đi bộ Hồ Gươm: Vui nhưng còn "nhức mắt"