Chính trị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm việc tại tỉnh Thái Nguyên

Nguyễn Liên - Quang Huy 09/08/2024 - 15:11

Ngày 9/8, trong chuyến công tác tại tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7; tặng quà các đối tượng chính sách, học sinh nghèo trên địa bàn; dự lễ khánh thành Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

3-8054.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh mong muốn đồng bào đoàn kết, nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Sáng 9/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cùng Đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tưởng niệm, tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích 27/7.

Tham gia Đoàn công tác có lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu Quốc hội.

Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Vũ Duy Hoàng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đoàn Thị Hảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên; Đỗ Đức Công, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và huyện Đại Từ.

snapedit_1723186283694.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cùng Đoàn công tác và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tưởng niệm, tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích 27/7.

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, xúc động, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Anh hùng liệt sĩ đã không tiếc tuổi thanh xuân, máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc; nguyện đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, xây dựng nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

2-3328(1).jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và Đoàn công tác trao quà tri ân người có công với cách mạng, gia đình chính sách trên địa bàn xã Tân Thái (huyện Đại Từ).

Nhằm tri ân người có công với cách mạng và động viên các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Tân Thái (huyện Đại Từ), dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và Đoàn công tác trao quà cho đại diện 20 gia đình chính sách và 10 học sinh.

Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, ngày 27/7/1947 tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, diễn ra Lễ công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận sự đóng góp to lớn của những người có công với nước. Từ đó, nơi đây trở thành địa chỉ đỏ để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tri ân công lao của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh.

bec56b6c-3e79-47ff-8fbd-e000b73c078e.jpg
Lễ khánh thành khánh thành Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Trong chuyến công tác đồng chí đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác dự khánh thành Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Chương trình là một trong những hoạt động chào mừng 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2024) và Quốc khánh 2/9. Đây cũng là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2025).

882fa926a64d02135b5c.jpg
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và các đại biểu tham quan tư liệu, hiện vật tại di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Cách đây 75 năm (ngày 4/4/1949), tại thôn Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của Báo chí cách mạng Việt Nam, cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay chúng ta đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ. Tính đến hết năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình và trên 40.000 người làm báo…

fdfdf(1).jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại lễ khánh thành, bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu son đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta. Từ mái trường đơn sơ đó, lớp báo chí đầu tiên đã góp phần hình thành phẩm chất, bản lĩnh, năng lực cho nhiều nhà báo tên tuổi đóng góp to lớn cho sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước, trở thành những viên gạch quý bồi đắp nền tảng vững chắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Công trình được khánh thành thể hiện sâu sắc ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, sự tri ân công lao của các thế hệ tiền bối đã tận hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; đồng thời tôn vinh truyền thống vẻ vang, sứ mệnh cao cả và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

5d1e415a-e928-47d0-833b-500b2022402e.jpg
Phù điêu với 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949.

Đây cũng là dịp để các thế hệ nhà báo ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, những trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, để nhận thức sâu sắc hơn, đóng góp trách nhiệm hơn trong thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của báo chí, truyền thông đáp ứng kịp thời yêu cầu của giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm việc tại tỉnh Thái Nguyên