Phó Chủ tịch Quốc hội: Cần làm rõ nguyên nhân vì sao dân phản ứng trạm thu phí

PV| 15/08/2017 14:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan đến vấn đề trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần làm rõ thêm, nguyên nhân tại đâu, để tránh tình trạng diễn biến tiếp theo.

Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã đề cập tình hình trên khi thảo luận về báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8.

Theo Báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong những năm gần đây, nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhiều tuyến đường cao tốc được hình thành trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta đã tạo ra sự phát triển nhanh chóng về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế, nguồn vốn ODA thu hẹp dần thì việc huy động vốn thông qua hình thức BOT là hướng đi đúng đắn để phát triển giao thông nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đồng thời giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh đánh giá.

Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế, tồn tại, trong đó có sự thiếu đồng bộ trong các quy định từ khâu quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, lập kế hoạch đầu tư, xác định danh mục dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư (doanh nghiệp dự án), nhà thầu thi công triển khai thực hiện, khai thác, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra trong quá trình thực hiện dự án, cũng như quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có liên quan ở các cấp, các ngành.

Thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, thời gian qua, bộ mặt giao thông đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, riêng vấn đề thu phí BOT hiện nay cũng nổi lên 2 vấn đề là khoảng cách đặt trạm và mức thu phí.

Theo ông Đỗ Bá Tỵ, phản ứng người dân đều liên quan đến vấn đề này, nguyên nhân chủ yếu là khâu quản lý. Mức thu, thời gian, thoả thuận đặt trạm thiếu sự công khai, minh bạch. Như quy định đặt trạm cần tham khảo ý kiến người dân nhưng vừa qua thực hiện không đến nơi đến chốn, có nơi hình thức, một số nơi áp đặt nên dẫn đến hậu quả trên.

Ông Đỗ Bá Tỵ cho rằng, sự việc tại Trạm thu phí Cai Lậy mấy ngày qua là điều đáng buồn. Các lái xe đã phản ứng bằng cách sử dụng tiền lẻ để trả phí khi qua trạm dẫn đến ùn tắc giao thông kéo dài. Về vấn đề này, ông Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm "cần làm rõ nguyên nhân tại sao lại có phản ứng như vậy, để tránh tình trạng, diễn biến tiếp theo".

Phó Chủ tịch Quốc hội: Cần làm rõ nguyên nhân vì sao dân phản ứng trạm thu phí

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ

Về nguồn lực làm BOT, ông Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh thực chất các dự án BOT đều sử dụng vốn vay ngân hàng. Có dự án sử dụng mức vốn vay rất cao, phí vay, thời gian vay nhiều dẫn đến tình trạng thời gian thu dài, mức thu cao. Để giải quyết vấn đề này cần làm rõ nguyên nhân, phân tích rõ hơn nữa cơ chế tín dụng, kênh huy động vốn để không tạo sức ép cho việc thực hiện BOT.

“Phần lớn BOT nằm ở giao thông đường bộ mà đường thuỷ, sắt không thấy nhà đầu tư “nhảy vào”. Phải chăng chỉ đường bộ mới mang lại lợi ích cho nhà đầu tư? Đây cũng là cái tập trung nghiên cứu. Vậy chính sách ưu tiên của nhà nước đối với lĩnh vực này như thế nào?” – Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Cũng theo ông Đỗ Bá Tỵ, giám sát của Quốc hội chưa đủ mà cần nâng cao thanh tra, kiểm tra của nhà nước, xử lý nghiêm sai phạm, giám sát chặt thu phí giao thông đường bộ, đảm bảo minh bạch, công khai. Cùng với đó rà soát các trạm thu phí, nơi nào không đảm bảo khoảng cách 70km thì Nhà nước nên mua lại để bỏ việc thu phí, bớt bức xúc cho dân. Cần thiết thì tổng rà soát để xây dựng quy hoạch BOT, thu phí cả nước do Chính phủ quy định thì bài bản và chủ động hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Cần làm rõ nguyên nhân vì sao dân phản ứng trạm thu phí

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá những tồn tại, hạn chế phần nhiều do chủ quan. Như phản ánh đường độc đạo ông bà để lại nhưng đầu tư lên một chút lại thu tiền nên bà con bức xúc. Hay đường quá ngắn chúng ta cũng làm BOT. Chất lượng công trình một số dự án còn kém, giá thành dự án đầu tư cao, đội giá...

“Theo dõi tình hình trạm thu phí Cai Lậy mấy ngày qua rất buồn. Xả trạm 2 lần rồi và sẽ lây lan nơi khác nếu không sớm xử lý” – ông Nguyễn Văn Giàu bày tỏ và đặt vấn đề cần quy hoạch trên cả nước có bao nhiêu km quốc lộ chính triển khai BOT, rồi tại sao những nhà đầu tư nước ngoài có năng lực chưa quan tâm.

Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải, đánh giá hiệu quả của dự án BOT giao thông không đơn giản chỉ nhìn vào hiệu quả kinh tế như góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho người dân khu vực dự án đi qua phát triển kinh tế mà còn phải nhìn vào yếu tố xã hội.

“Đơn cử như khu vực Tây Nguyên, trước đây chưa có các dự án BOT, kinh tế khu vực chậm phát triển do không phát huy được tiềm năng, lợi thế, bây giờ thì khác hẳn. Kinh tế khu vực này ngoài việc phát triển rất nhanh mà tai nạn giao thông giảm rõ rệt vì xe ô tô không còn phải “đấu đầu” nhau vì đã có đường BOT một chiều”.

Phản ánh ý kiến của cử tri, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: “Tiếp xúc cử tri, người dân hỏi, giao thông là nhu cầu thiết yếu, không ai không phải tham gia giao thông, tại sao con đường từ bao đời nay người dân vẫn đi bình thường, giờ đi thì lại phải trả tiền? Nếu muốn thu tiền, thì doanh nghiệp làm đường mới, ai có nhu cầu đi nhanh, giảm bớt thời gian, công sức, chi phí các loại thì phải trả tiền, còn người dân không có nhu cầu thì phải được đi đường cũ, dù có xấu hơn nhưng không phải trả tiền mới hợp lý”.

Để xử lý các tồn tại kể trên, theo các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán các dự án giao thông BOT. “Dự án nào chấp hành tốt, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho người dân và xã hội cũng phải đánh giá công tâm. Dự án nào thực hiện chưa đúng quy định, gây bức xúc cũng phải nêu rõ địa chỉ để xử lý”, bà Nga kiến nghị.

Theo số liệu của Bộ Giao thông - Vận tải, giai đoạn 2011 - 2016 đã đã huy động được 171.308 tỷ đồng đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó vốn BOT 154.481 tỷ đồng đầu tư vào 59 dự án, chiếm khoảng 90,2% tổng nguồn vốn.

Trong số 59 dự án đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông thì đường bộ chiếm 57 dự án với tổng số tiền 169.813 tỷ đồng, gồm cả vốn ngân sách và vốn BOT. Đến thời điểm này đã đưa 55 dự án BOT với tổng mức đầu tư 137.819 tỷ đồng vào vận hành khai thác.

Ngoài ra, hiện còn 15 dự án BOT với tổng mức đầu tư 60.042 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước khoảng 5.070 tỷ đồng) đang được triển khai đầu tư.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Chủ tịch Quốc hội: Cần làm rõ nguyên nhân vì sao dân phản ứng trạm thu phí