Nhiều vấn đề quan trọng đối với sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam đã được mang ra thảo luận tại “Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ: Kỷ niệm 25 năm Thương mại và Đầu tư” diễn ra tại Hà Nội.
Hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng thương mại Hoa Kỳ (USCC) tổ chức, luận bàn về tương lai mối quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ.
Thời điểm “vàng” cho hợp tác song phương
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá mối quan hệ hai nước đã có những bước phát triển nhanh, vượt bậc cả về tầm mức và chiều sâu trong thời gian qua với nhiều sự kiện mang ý nghĩa lịch sử như: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo nước ASEAN đầu tiên thăm chính thức Hoa Kỳ ngay sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức; Tổng thống Trump là vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Việt Nam hai lần trong một nhiệm kỳ.
“Chính sách xuyên suốt của Việt Nam coi Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ, trong đó, hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư tiếp tục là nền tảng và động lực của quan hệ hai nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhận xét về tăng trưởng thương mại giữa hai nước, Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink chỉ rõ: Nếu như năm 1994, Việt Nam là nguồn nhập khẩu đứng thứ 95 tại Hoa Kỳ thì đến thời điểm này, Việt Nam vươn lên đứng thứ 12. Hoa Kỳ hiện tại là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ngược lại Việt Nam cũng là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất tại Hoa Kỳ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị
Đại sứ Daniel J. Kritenbrink cho rằng “đây là thời điểm tuyệt vời để mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ thương mại – đầu tư Hoa Kỳ – Việt Nam, hướng kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2020.”
Từ khóa quan trọng
Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về sự phát triển kinh tế của Việt Nam, trong đó phiên thảo luận xoay quanh các giải pháp thúc đẩy đầu tư và chính sách bền vững đã thu hút nhiều đóng góp đến từ các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng: “Phát triển bền vững, đổi mới và hội nhập, đang là những từ khóa quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Việt Nam đang hướng tới một cơ cấu đầu tư và thương mại có chất lượng cao hơn, bền vững hơn và Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên hành trình thực hiện mục tiêu này.”
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng hiện nay, không ít nhà đầu tư chỉ chú trọng hiệu quả tài chính mà chưa thực sự quan tâm đến yếu tố xã hội và môi trường – hai thành tố quan trọng cho công cuộc đầu tư bền vững.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Dương Thị Mai Hoa - Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways cho rằng để thúc đẩy đầu tư bền vững, điều kiện tiên quyết là Chính phủ ban hành các chính sách thích hợp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; xây dựng và thực thi nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, tiêu chí về kinh tế, kỹ thuật, môi trường… phù hợp với yêu cầu tăng trưởng “xanh”.
Bà Dương Thị Mai Hoa - Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways (chính giữa) trong khuôn khổ Hội nghị
Lấy ví dụ về Tập đoàn FLC, đầu tư bền vững luôn là một chiến lược phát triển xuyên suốt của Tập đoàn và các công ty thành viên, trong đó có Hãng hàng không Bamboo Airways, bà Dương Thị Mai Hoa phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị.
Việc đầu tư thực hiện các dự án của tập đoàn FLC và các công ty thành viên ngoài việc giúp thay đổi diện mạo cho địa phương, còn góp phần thu hút làn sóng đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Không chỉ vậy khi triển khai các dự án, FLC luôn định hướng thiết kế và xây dựng hài hòa với thiên nhiên và môi trường, tôn trọng và nâng tầm cảnh quan khu vực xung quanh dự án cũng như bảo tồn các di sản văn hóa địa phương vì một tương lai phát triển bền vững, lâu dài.
“Đối với Bamboo Airways, chúng tôi đã xác định và thực thi nhiều hoạt động cụ thể như: Đầu tư hạ tầng công nghệ hướng tới mô hình Hãng hàng không số (digital airline), xây dựng hệ thống quản trị minh bạch, định hướng phát triển đội máy bay có động cơ hiện đại thân thiện môi trường.
Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng đóng góp vào sự phát triển của hạ tầng ngành hàng không Việt Nam thông qua việc xây dựng và phát triển các cơ sở đào tạo huấn luyện và bảo dưỡng tàu bay tại các sân bay lớn, đồng thời tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường trong cung cấp sản phẩm dịch vụ”, bà Dương Thị Mai Hoa chia sẻ.