Nhiều lần Tòa án gửi giấy triệu tập tới tòa nhưng bị cáo vẫn ngang ngược không chấp hành, buộc TAND TP Hà Nội phải đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật dù không có mặt... bị cáo.
Mất tình chị em chỉ vì mâu thuẫn đất đai
Có lẽ hiếm có phiên tòa xét xử nào mà lại vắng mặt bị cáo như phiên xét xử ngày 5/5 của TAND TP Hà Nội. Mặc dù đã năm lần bảy lượt TAND TP Hà Nội gửi giấy triệu tập bị cáo Nguyễn Thị Hải, 46 tuổi (ở thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) tới tòa nhưng lần nào Hải cũng từ chối không nhận giấy mời và thản nhiên vắng mặt tại phiên xét xử mà không có bất cứ lý do gì.
Tại phiên xét xử Hải, ngoài vị Chủ tọa, hai vị Thẩm phán, một vị đại diện VKS và Thư ký Tòa án thì chỉ có duy nhất bị hại có mặt. Tuy nhiên, trình tự phiên xét xử vẫn được tiến hành đầy đủ.
Tất tả từ huyện Mê Linh tới TAND TP Hà Nội, chị Ngô Thị Hà, 37 tuổi (ở thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội), ngơ ngác bước vào phòng xử. Trong tâm trạng rối bời chị kể, gia đình chị lâm vào cảnh anh chị em đánh đập nhau và phải đưa nhau ra công đường là do tranh chấp đất đai, di sản thừa kế do bố mẹ chồng để lại.
Chị Hà và bị cáo Hải vốn là chị em dâu trong một gia đình, trước nay dù quan hệ cũng không quá thân thiết nhưng cũng không đến mức “cạn tàu ráo máng với nhau”. Thế nhưng, từ khi bố mẹ chồng mất đi, có di chúc lại hơn 300m2 đất cho vợ chồng chị Hà thì mâu thuẫn bắt đầu nổi lên trong đại gia đình.
Anh chị em ruột và các nàng dâu chia thành hai “chiến tuyến”, vợ chồng chị Hà đơn độc một phương. Những trận cãi vã, tranh chấp đất liên tục nổ ra và cuối cùng phải nhờ đến sự phán xét của tòa án. Phần thắng thuộc về vợ chồng chị Hà, bởi toàn bộ thửa đất này đã được bố mẹ di chúc lại cho vợ chồng chị. Đuối lý, những người anh em của chồng chị Hà đành chấp nhận dù không vui vẻ gì. Tuy nhiên, Nguyễn Thị Hải, chị dâu của chồng chị Hà vẫn hậm hực muốn đòi quyền thừa kế. Vì vậy, mâu thuẫn liên tục xảy ra giữa hai gia đình.
Đỉnh điểm dẫn tới vụ ẩu đả của hai nàng dâu là vào khoảng 7h40 ngày 4/5/2014, Hải ra ruộng trồng dưa chuột của gia đình mình tại cánh đồng cây Giông, giáp đường đi liên xã thuộc thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm. Tại đây, chị Hà cũng đang vun luống hành ở ruộng giáp bên cạnh.
Khi đến ruộng dưa nhà mình, Hải thấy hàng rào bị phá liền chửi thô tục về phía chị Hà đang làm, dẫn đến hai bên lời qua tiếng lại chửi bới nhau. Sau đó, Hải đi về nhà mình uống nước. Một lúc sau Hải quay lại ruộng dưa, cầm theo chiếc liềm. Nhìn thấy chị Hà và anh Tạ Văn Khoa (chồng chị Hà) đang vun hành, Hải tiếp tục dùng lời lẽ thô tục chửi mắng chị Hà, đồng thời đi sang đứng phía sau chị Hà, vung chiếc liềm bổ một nhát trúng vào vùng đỉnh đầu chị Hà, lúc này trên đầu chị Hà đang đội chiếc nón lá.
Nghe tiếng “bộp” trên đầu và đau nhói ở đỉnh đầu, theo phản xạ chị Hà ngoảnh mặt lại thì nhìn thấy Hải đang cầm liềm, bổ liên tiếp về phía đầu mình, chị Hà giơ chiếc cuốc lên đỡ thì bị Hải tóm lấy, hai bên giằng co khiến chị Hà ngã xuống đất.
Thấy vậy, anh Khoa chạy lại giằng chiếc liềm trên tay Hải và chiếc cuốc mà hai bên đang giằng co nhau. Cùng lúc này, thấy anh Tạ Văn Khôi là anh trai chồng của Hải và Hà đang làm cỏ ở cạnh ruộng nhà mình, nên Hải kêu lên: “anh Khôi ơi cứu em với, vợ chồng nhà Hà - Khoa nó đánh chết em rồi”. Thấy vậy anh Khôi đến quát mắng và cùng một số người dân tới can ngăn.
Sau đó, chị Hà được anh Khoa đưa tới nhà Trạm trưởng trạm y tế xã sơ cứu khâu vết thương, rồi đưa tới Bệnh viện K74-Phúc Yên khám và điều trị. Chị Hà bị tổn hại 5% sức khỏe.
Phiên tòa diễn ra trang nghiêm nhưng không có mặt...bị cáo
Bị cáo ngang ngược
Tại cơ quan điều tra, Hải thừa nhận có cầm trên tay chiếc liềm và có sự xô xát, cãi vã với chị Hà nhưng không thừa nhận hành vi dùng liềm bổ vào đầu gây thương tích cho chị Hà.
Quá trình điều tra, Hải không chịu ký vào các Quyết định về tố tụng hình sự cũng như các biên bản ghi lời khai. Tuy nhiên, Hải vẫn bị Viện KSND huyện Mê Linh truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”.
Trong quá trình chuẩn bị xét xử, TAND huyện Mê Linh đã gửi tống đạt Quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo Hải nhưng Hải không nhận. TAND huyện Mê Linh đã niêm yết công khai Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Ngày 6/1/2015, TAND huyện Mê Linh đã mở phiên tòa công khai nhưng Hải vắng mặt không lý do, HĐXX đã quyết định áp giải bị cáo tới phiên tòa nhưng Hải không chấp hành nên việc áp giải không thực hiện được. HĐXX hoãn phiên tòa và đã tống đạt cho bị cáo các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật nhưng bị cáo vẫn vắng mặt không lý do.
Ngày 28/1/2015, TAND huyện Mê Linh tiếp tục đưa vụ án ra xét xử, lần này bị cáo Hải vẫn vắng mặt không lý do. Tuy nhiên, phiên tòa vẫn được tiếp tục.
Sau khi xem xét, xét thấy hành vi của bị cáo là coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử bị cáo không chấp hành các quy định của pháp luật gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, khi lượng hình HĐXX xét thấy, bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội nhưng không gây thiệt hại lớn, việc Hải gây thương tích cho chị Hà cũng do một phần lỗi của bị hại. Để tạo cơ hội cho hai bên có cơ hội hàn gắn tình cảm gia đình nên đã tuyên phạt Hải 7 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa hai bên vẫn không được giải quyết, chị Hà đã làm đơn kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt cho chị dâu.
Cũng như phiên sơ thẩm, Hải không chịu nhận tống đạt Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên phúc thẩm ngày 5/5, Hải tiếp tục vắng mặt không lý do.
Xét thấy, hành vi của bị cáo là coi thường pháp luật nên HĐXX đã quyết định chuyển hình phạt từ 7 tháng tù treo thành 7 tháng tù giam.
Rời khỏi Tòa, tâm trạng của chị Hà vẫn rất nặng nề. Chị dâu đã phải trả giá cho hành vi ngông cuồng, bạo lực nhưng chắc chắn tình cảm ruột thịt sẽ mãi mất đi, thứ còn lại chỉ là hận thù giữa những người thân trong gia đình.