Trong 3 ngày (từ 10/2 đến 12/2), tại thành phố Hải Phòng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã tổ chức phiên họp toàn thể tháng 2/2022.
Phiên họp do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC chủ trì.
Tại phiên họp này, Hội đồng Thẩm phán sẽ cho ý kiến các nội dung: Dự thảo Chuyên đề “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Thông qua về mặt nguyên tắc đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo;
Hội đồng Thẩm phán cũng sẽ cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; Dự thảo Giải đáp một số vướng mắc về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự và kinh doanh thương mại và Dự thảo “Đề án đề nghị xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên” và dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Phát biểu tại phiên họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây là phiên họp rất quan trọng, bàn về 6 vấn đề lớn nêu trên.
Về nội dung thứ nhất là thông qua đề án về CCTP, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây là đề án thành phần trong Đề án lớn của Trung ương ( Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam) do đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng Ban chỉ đạo. Đề án CCTP của Tòa án là cấu phần quan trọng của đề án lớn này, theo lộ trình, sẽ được báo cáo BCH Trung ương vào cuối năm nay. CCTP theo tinh thần NQ49 của Bộ Chính trị về CCTP chúng ta đã có được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng CCTP nước nhà.
Về nội dung thứ 2 là cho ý kiến tư pháp người chưa thành niên. Nội dung của tố tụng tư pháp về lĩnh vực này đã được nghiên cứu và tổ chức nhiều hội thảo quốc tế trong quá trình hoàn thiện nội dung. Tòa án phải xây dựng dự án luật về tư pháp người chưa thành niên. Tất cả quốc gia có nền tư pháp văn minh đều có bộ luật độc lập về vấn đề này. Hiện nay Tòa án đã xây dựng dự thảo và tại phiên họp này HĐTP sẽ cho ý kiến các nội dung liên quan. Theo lộ trình, dự án luật cũng đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật nhiệm kỳ này. Tháng 6 tới, TANDTC sẽ báo báo Quốc hội để đưa vào chương trình xây dựng luật dự án luật này. Đây là bước đi nhằm nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó có Luật về tư pháp người chưa thành niên, Chánh án cho biết.
HĐTP cũng cho ý kiến về pháp lệnh, để thực hiện Luật về phòng chống ma túy, trong đó có Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trình tự này từ trước đến nay thực thi trên cơ sở thông tư, nghị định và vừa qua Quốc hội sau khi thông qua Luật phòng chống ma túy đã giao cho TANDTC xây dựng pháp lệnh này. Theo đúng tinh thần của Hiến pháp, những quyết định liên quan đến quyền con người phải do HĐTP ban hành. TANDTC được giao nhiệm vụ này, vì vậy cần ban hành sớm pháp lệnh này. Theo kế hoạch pháp lệnh phải được thông qua vào năm 2022.
Ngoài ra, HĐTP cũng sẽ cho ý kiến vào hai nghị quyết về án treo và hướng dẫn Bộ luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Về giải quyết an treo, hiện đã có nghị quyết 02/2018 của HĐTP hương dẫn, tuy nhiên từ 2018 đến nay qua tổng kết xét xử thấy rằng vẫn còn một số vướng mắc, quy định chưa hợp lý cần phải sửa đổi cho phù hợp.
Cuối cùng là dự thảo Giải đáp một số vướng mắc về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự và kinh doanh thương mại, Chánh án cho biết, từ thực tế tổng kết xét xử có nhiều vướng mắc trong quá trình xét xử và cả điều tra, truy tố nên cần phải hướng dẫn, Chánh án cho hay.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị các thành viên HĐTP nghiên cứu và cho ý kiến các nội dung trên. Các ý kiến thể hiện sự đồng tình không cần nhắc lại, nhưng những vẫn đề mới cần phải phân tích thêm để rõ hơn; đồng thời, yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của TANDTC cũng cần phải tham góp ý kiến về các nội dung này, Chánh án nhấn mạnh.