5 nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Tòa án điện tử năm 2022

Nguyên Bình| 04/02/2022 21:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2021, TANDTC đã khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Tư liệu - Thư viện, Trung tâm Giám sát và Điều hành, Phần mềm trợ lý ảo cho Thẩm phán, Nền tảng xét xử trực tuyến. Những ưu việt mà các ứng dụng này mang lại làm nền tảng quan trọng trong xây dựng Tòa án điện tử từ nay đến 2025.

z3091016333583_e432e14250ed344af8737176e1472bbe.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi Lễ khánh thành Trung tâm Tư liệu - Thư viện, Trung tâm Giám sát và Điều hành, Phần mềm trợ lý ảo cho Thẩm phán, Nền tảng xét xử trực tuyến của TANDTC.

Tạo tiền đề xây dựng Tòa án điện tử

Năm 2022, là năm tiền đề tiếp theo để xây dựng và hoàn thiện Tòa án điện tử theo lộ trình. Như đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC đã quán triệt, việc xây dựng Tòa án điện tử không còn là kế hoạch của tương lai, mà là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay, cần được cụ thể hóa để quyết liệt hoàn thành sớm.

Theo đó, đây cũng là cơ hội để hệ thống Tòa án nước ta tiếp tục nâng cao niềm tin vào công lý của người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động và xây dựng Tòa án hiện đại, theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII. Công cuộc chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử sẽ tạo ra những giá trị lớn lao, đóng góp quan trọng vào thành công của Chiến lược cải cách tư pháp nước ta, bắt kịp với xu hướng phát triển của tư pháp tiến bộ trên thế giới.

Bản chất của Tòa án điện tử là chuyển một phần hoạt động của Tòa án từ không gian thực lên không gian số, trong đó, cốt lõi là việc tiến hành, tối ưu hóa và phát triển trên nền tảng số một số hoạt động: quản trị nội bộ Tòa án; công khai hoạt động của Tòa án; cung ứng cho người dân các dịch vụ tư pháp công; hỗ trợ các tiện ích nâng cao hiệu quả hoạt động của các chức danh tư pháp; kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu của các nền tảng số quốc gia; đặc biệt là tiến hành các hoạt động tố tụng điện tử.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhận định: Tòa án điện tử mang đến nhiều lợi ích to lớn cho Tòa án, người dân và xã hội, cụ thể là: Giúp tăng năng suất lao động của Tòa án. Đây cũng chính là giải pháp để khắc phục một phần khó khăn, áp lực khi số lượng các vụ án gia tăng không ngừng nhưng phải giảm biên chế theo yêu cầu chung;

Tiếp đến là, hỗ trợ Thẩm phán ra phán quyết chính xác với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) sẽ giúp Thẩm phán và Thư ký Tòa án xử lý hồ sơ nhanh hơn, thuận tiện hơn trong việc tra cứu văn bản pháp luật và án lệ liên quan, tìm kiếm các vụ án có tình huống pháp lý tương tự. Đặc biệt, phần mềm ”Trợ lý ảo” hỗ trợ đắc lực cho Thẩm phán trong quá trình nghiên cứu để tham khảo và đưa ra phán quyết đúng pháp luật, nhanh chóng, chính xác; Tiết kiệm công sức, thời gian và chi phí của người dân; Công khai, minh bạch hoạt động của Tòa án; tăng năng lực quản lý và giám sát trong hệ thống Tòa án, tăng tính minh bạch và phòng ngừa tiêu cực và tiết kiệm ngân sách nhà nước.

z3096201304784_1f9396a97f198c6e794b63610b94d748.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án 2022.

Một số nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới

Để xây dựng thành công Tòa án điện tử, cần có nhận thức đúng, quyết tâm cao, giải pháp đồng bộ, nguồn lực cần thiết, điều hành quyết liệt. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, trước mắt, phải thực hiện 05 nhiệm vụ chính sau đây:

Thứ nhất, xây dựng Chiến lược tổng thể về chuyển đổi số trong hệ thống Tòa án.

Trong Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để xây dựng Tòa án điện tử. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao cũng cam kết hoàn tất việc xây dựng và vận hành Tòa án điện tử vào năm 2025. Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao phải khẩn trương xây dựng và triển khai Chiến lược tổng thể này về chuyển đổi số trong hệ thống Tòa án đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ hai, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.

Vận hành Tòa án điện tử phải có hệ thống pháp luật hoàn thiện, đồng bộ, thích ứng với công nghệ số. Hạ tầng pháp lý chính yếu của Tòa án điện tử bao gồm: 1- Pháp luật về tố tụng điện tử; 2- Pháp luật về công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo; 3- Pháp luật về tổ chức bộ máy của Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng.

Hệ thống pháp luật nêu trên phải được hoàn thiện theo hướng cho phép tiến hành các hoạt động tố tụng trực tuyến; quy định về chứng cứ điện tử; cơ sở khoa học và tính pháp lý của các phần mềm phục hồi chứng cứ điện tử; an ninh, an toàn mạng; tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tiến hành tố tụng điện tử; vai trò, quyền tham gia tố tụng của các kỹ sư công nghệ thông tin…

Thứ ba, phát triển hạ tầng số hiện đại. Hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong phát triển Tòa án điện tử. Tòa án nhân dân tối cao cần xây dựng Đề án trang bị cơ sở vật chất cho Tòa án điện tử. Nội dung chủ yếu của Đề án là nhằm trang bị: 1- Hạ tầng kỹ thuật số bao gồm các thiết bị số đầu cuối, đường truyền tốc độ cao ổn định, trung tâm lưu trữ dữ liệu lớn và trung tâm điều hành; 2- Các nền tảng số vận hành Tòa án và “Trợ lý ảo” ứng dụng trí tuệ nhân tạo tương ứng với từng nhiệm vụ, hoạt động của Tòa án; 3- Chương trình đào tạo cho quản lý, vận hành và ứng dụng Tòa án điện tử. Đây là một Đề án cần được đầu tư thỏa đáng về kinh phí, do đó, phải có lộ trình thích hợp cho cả trước mắt, cả trung hạn và dài hạn tùy thuộc vào tiềm năng của nền kinh tế và trình độ phát triển của công nghệ. Huy động đa dạng các nguồn lực - từ ngân sách nhà nước, từ hợp tác quốc tế và từ xã hội hóa. Việc đầu tư thiết bị công nghệ phải bảo đảm các yêu cầu như hiện đại, an ninh, an toàn, tiện lợi và cân nhắc “đi tắt, đón đầu”.

z3099453743539_556e3a2f1d2deaa23259ace6166907a6.jpg

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử. Phát triển nguồn nhân lực để Tòa án điện tử được thực thi trong thực tiễn phải có sự đồng bộ cả về nhân lực quản lý, vận hành và ứng dụng công nghệ số. Thẩm phán, cán bộ Tòa án phải được đào tạo lại để nhận thức đầy đủ về Tòa án điện tử và thay đổi thói quen làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường không gian mạng. Nền tảng số của Tòa án điện tử phải trở thành nền tảng làm việc chung của toàn hệ thống với gần 800 Tòa án; cán bộ Tòa án không vào nền tảng này sẽ không làm việc được. Chỉ có như vậy, Tòa án điện tử mới thực sự thành công.

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Thời gian qua, hệ thống Tòa án nước ta đã tích cực triển khai nhiệm vụ xây dựng Tòa án điện tử và đạt được một số kết quả bước đầu, song vẫn còn khiêm tốn. Hợp tác quốc tế là con đường đi ngắn nhất để chúng ta xây dựng Tòa án điện tử, cho phép tiếp cận ngay các thành tựu tiên tiến của công nghệ số trên thế giới cũng như ứng dụng trong các hoạt động của Tòa án. Qua đó, không tốn kém về thời gian, công sức, kinh phí để tìm tòi, nghiên cứu; đồng thời, khắc phục được những bất cập, hạn chế khi thực hiện.

Hợp tác quốc tế còn giúp chúng ta tranh thủ được các nguồn lực tài chính (hỗ trợ phát triển chính thức - ODA) cho xây dựng Tòa án điện tử. Hợp tác với những nước đã xây dựng được Tòa án điện tử hiện đại, chúng ta sẽ chia sẻ được kinh nghiệm, đồng thời tiến tới kết nối hạ tầng số để “thu hẹp khoảng cách số” giữa các nền tư pháp, sớm về đích nhiệm vụ xây dựng Tòa án điện tử và chuyển đổi số trong hệ thống Tòa án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Tòa án điện tử năm 2022