Sáng 13/10, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (BCĐ CCTPTW) họp phiên thứ 23 thảo luận về hai Đề án phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp do Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp và Đảng ủy Công an Trung ương trình.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng BCĐ CCTPTW đã chủ trì phiên họp.
Theo Đề án của Bộ Tư pháp, thời gian gần đây, các hiện tượng tiêu cực đa phần tập trung vào một số lĩnh vực có liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp. Thực trạng này là do các hành vi tiêu cực trong các lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý đa dạng, phức tạp, không dễ nhận biết, từ nguy cơ nội tại phát sinh tiêu cực và tác động của quá trình xã hội hóa các dịch vụ công do Bộ Tư pháp quản lý. Ban cán sự Đảng, Bộ Tư pháp đưa ra 17 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Giám sát, phát hiện, xử lý tiêu cực, phát huy vai trò của xã hội, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc phòng, chống tiêu cực, cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp. (Ảnh: VGP)
Tại phiên họp, các đại biểu đồng tình với nhiều nội dung, giải pháp đề ra, đồng thời cũng đã có những ý kiến đóng góp vào một số nội dung hai Đề án này. Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong cho rằng, giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh chống tiêu cực là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh cá nhân có vi phạm; hình thành cơ chế, tạo điều kiện để các đơn vị, tổ chức, cá nhân giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp của lực lượng CAND. Bên cạnh đó là việc hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức, xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động của các cơ quan tư pháp là cần thiết.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân cũng cho rằng, Đề án của Bộ Công an cần phân biệt, giới hạn phạm vi, đối tượng điều chỉnh vì trong hoạt động của lực lượng CAND, có cả quản lý hành chính và hoạt động tố tụng. Cần bổ sung thực trạng tiêu cực trong hoạt động tư pháp mới xác định được các giải pháp. Các nhóm giải pháp Đề án đưa ra khá hoàn thiện nhưng cần nhấn mạnh giải pháp đột phá, cơ bản là “tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm” và cần bổ sung giải pháp “tăng cường trách nhiệm thủ trưởng đơn vị vì quản lý tốt thì dứt khoát tiêu cực, tham nhũng khó phát sinh”. Ngoài ra, cần chú ý đến các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm.
Đồng tình với các giải pháp phòng, chống tiêu cực của hai Đề án, Thường trực BCĐ CCTPTW đề nghị xác định giải pháp ưu tiêu, mang tính đột phá cho phù hợp với tình hình mới, cụ thể hơn các giải pháp phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương trong công tác phòng, chống tiêu cực ở các lĩnh vực hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến việc móc ngoặc giữa điều tra viên với kiểm sát viên, Thẩm phán, luật sư, người thân của bị can, bị cáo trong quá trình tố tụng và các biểu hiện tiêu cực của cán bộ lãnh đạo, quản lý các Cơ quan điều tra, đơn vị có liên quan trong lực lượng CAND.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ rõ, tiêu cực trong hoạt động tư pháp dù mức độ không đáng kể vẫn có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quá trình xây dựng nền tư pháp công minh, liêm chính, vững mạnh, vì con người. Vì vậy, các Đề án cần được nghiên cứu kỹ, phản ánh đầy đủ thực trạng, giải pháp, đáp ứng được tính đồng bộ, đột phá và đảm bảo tính đặc thù cho những lĩnh vực “thường xuyên xảy ra tiêu cực”. Đồng thời, cần chú trọng đến quá trình tổ chức thực hiện để các Đề án phát huy tác dụng trong thực tế, góp phần tích cực cho việc phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp.
Các Đề án phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp được các Bộ, ngành và tổ chức trình sẽ được BCĐ tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo thực hiện.