Phiên họp giao ban Liên ngành tư pháp Trung ương-Nội chính

Trần Minh Giang| 15/02/2017 22:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều ngày 15/2/2017, tại trụ sở TANDTC, đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã chủ trì buổi Giao ban phối hợp Liên ngành tư pháp Trung ương-Nội chính.

Phiên họp giao ban Liên ngành tư pháp Trung ương-Nội chính

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đón tiếp Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương; Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và đại diện lãnh đạo các cơ quan trong khối hoạt đông tư pháp, nội chính…

Thực hiện tốt các quy chế phối hợp

Thay mặt các cơ quan tư pháp, nội chính, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn trình bày báo cáo tình hình thực hiện công tác phối hợp giữa các cơ quan hoạt động tư pháp và nội chính Trung ương trong năm 2016. Theo đó, trong năm qua nhiệm vụ của các cơ quan hết sức nặng nề. Cùng với việc chủ động đề ra các chương trình, kế hoạch công tác với nhiều giải pháp đột phá, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, các cơ quan có hoạt động tư pháp và Ban Nội chính Trung ương đã quan tâm làm tốt các quy chế phối hợp trên các mặt công tác; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương ký kết, thực hiện tốt các quy chế phối hợp.

Các cơ quan có hoạt động tư pháp Trung ương đã thường xuyên phối hợp xây dựng và tham gia nhiều dự án luật, pháp lệnh, đặc biệt là các dự án luật liên quan tới hoạt động của các cơ quan tư pháp như: BLHS, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước... Quá trình xây dựng đã đảm bảo thể chế hóa các chủ trương của Đảng, quy định mới của Hiến pháp, luật hóa các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và tinh thần cải cách tư pháp trong các dự án luật, pháp lệnh được xây dựng. Các cơ quan cũng chú trọng phối hợp trong công tác ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, qua đó tháo gỡ nhiều vướng mắc trong áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án địa phương, đảm bảo việc áp dụng đúng và thống nhất các quy đinh của pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Trong năm 2016, TANDTC đã chủ trì phối hợp với VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Công an xây dựng 5 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, 4 Thông tư liên tịch; đồng thời các cơ quan đã tham gia ý kiến đối với 10 án lệ do Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành.

Phiên họp giao ban Liên ngành tư pháp Trung ương-Nội chính

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo buổi làm việc

Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cùng với việc phối hợp giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, lãnh đạo các cơ quan đã chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương tăng cường công tác phối hợp trong quá trình giải quyết các vụ án trên cơ sở quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mỗi cơ quan. Đối với các trường hợp còn có ý kiến khác nhau về áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án thì đều tổ chức họp ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm để tháo gỡ. Việc tổ chức họp liên cơ quan đảm bảo không can thiệp tới tính độc lập của từng cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm thống nhất về nhận thức và áp dụng pháp luật, với mục đích cuối cùng là đảm bảo giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, pháp luật; không làm oan người vô tội nhưng cũng không để lọt tội phạm. Các cơ quan tư pháp cũng đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan nội chính các cấp, kịp thời báo cáo cấp ủy địa phương về quan điểm, đường lối xử lý vụ án theo đúng quy định của Chỉ thị số 15-CT/TW về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng, bảo đảm giải quyết vụ án đúng pháp luật và ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương.

Trong năm qua, các cơ quan đã tham mưu cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo xử lý tốt nhiều vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng. Đối với các vụ án tham nhũng thuộc diện Ban chỉ đao Trung ương về phòng, chống tham nhũng hay Ban Nội chính Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy theo dõi đều được Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, bảo đảm tính kết nối giữa các cơ quan tiến hành tố tụng từ giai đoạn khởi tố, điều tra và sớm hoàn tất hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật như các vụ án Phạm Công Danh, Phạm Thị Bích Lương,....

Về giải quyết các đơn kêu oan và đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết các đơn kêu oan; đã thành lập tổ chuyên viên liên ngành để xem xét, giải quyết các trường hợp có mức phạt tù từ 20 năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình có đơn kêu oan; việc giải quyết được thực hiện một cách kỹ lưỡng, thận trọng. TANDTC và VKSNDTC đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm từ khâu thụ lý, rà soát, thông tin kết quả giải quyết cũng như phối hợp trong việc chuyển hồ sơ vụ án để xem xét, giải quyết, nhằm tránh việc chồng chéo khi giải quyết.

Mặt khác, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, các cơ quan bảo vệ pháp luật Trung ương tiếp tục phối hợp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Bộ máy của các cơ quan được giao thực hiện các hoạt động tư pháp đã được kiện toàn theo đúng quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp đã được quan tâm nhiều hơn; hoạt động họp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp tiếp tục được tăng cường. Đặc biệt, trong năm 2016, các cơ quan có hoạt động tư pháp Trung ương đã phối hợp tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương xây dựng chương trình cải cách tư pháp toàn khóa (2016- 2021).

Phiên họp giao ban Liên ngành tư pháp Trung ương-Nội chính

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước

Ngoài ra, để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng bản án tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, VKSNDTC, TANDTC đã phối hợp chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương thực hiện việc rà soát các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án để kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề thuộc trách nhiệm của mỗi cơ quan theo đúng tinh thần Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp, VKSNDTC, TANDTC. Trong lĩnh vực lý lịch tư pháp, việc cung cấp, tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp được các cơ quan tư pháp trung ương và địa phương phối hợp thực hiện nghiêm túc; các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; công tác hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp... được các cơ quan có hoạt động tư pháp trung ương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.

Do có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời và nghiêm túc trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật nên các cơ quan có hoạt động tư pháp và Ban Nội chính Trung ương tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng công tác tư pháp - nội chính nói chung và tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi hơn giúp từng cơ quan thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.

Phát biểu tại buổi giao ban, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng nhất trí cao với hiệu quả của sự phối hợp giữa các cơ quan, đồng thời đề xuất một số vấn đề để trong năm 2107 tiếp tục đưa công tác này đạt hiệu quả hơn nữa.

Cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao việc giao ban định kỳ giữa Liên ngành tư pháp Trung ương và Ban Nội chính Trung ương. Sự phối hợp công tác có ý nghĩa quan trọng trong định hướng cho các cơ quan hoạt động tư pháp và nội chính từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan đã chú trọng làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng pháp luật xử lý các vụ việc nổi cộm, rất tích cực xây dựng các đạo luật, quy phạm pháp luật, nhất là liên quan đến hoạt động của cơ quan tư pháp. Các cơ quan cũng tăng cường phối hợp xây dựng văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật, tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc, giúp cho các cơ quan trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Mặt khác, các cơ quan hoạt động tư pháp, nội chính đã phối hợp giải quyết khiếu nại tố cáo, trong đó có nhiều trường hợp kêu oan. Quá trình giải quyết đảm bảo chặt chẽ, khách quan; khi phát hiện sai sót thì khắc phục kịp thời và bồi thường; khi giải quyết mà không phát hiện oan sai thì kiên quyết xử lý và giải thích cho dư luận rõ.

Phiên họp giao ban Liên ngành tư pháp Trung ương-Nội chính

Toàn cảnh buổi làm việc

Chủ tịch nước cũng đánh giá cao các cơ quan trong công tác cải cách tư pháp, đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng trọng điểm; triển khai có hiệu quả các chương trình trọng điểm quốc gia về phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, Liên ngành tư pháp Trung ương, Ban Nội chính Trung ương cũng chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp, nội chính, giúp nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần củng cố lòng tin của nhân đối với Đảng, Nhà nước giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Định hướng công tác của Liên ngành tư pháp Trung ương- Nội chính, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ, trong năm 2017 tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp. Bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta cũng còn nhiều khó khăn, tội phạm gia tăng, các khiếu kiện không giảm; quá trình hội nhập, đổi mới cũng đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề. Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan tiếp tục tập trung làm tốt công tác phối hợp trong các lĩnh vực xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Mỗi cơ quan trên cơ sở nhiệm vụ của mình chỉ đạo các cơ quan có hoạt động tư pháp, nội chính các cấp tăng cường công tác phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng; phối hợp trong việc tham mưu cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương triển khai các nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp và phối hợp trong công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, trao đổi thông tin, thống kê tội phạm và đào tạo cán bộ....

Mặt khác, liên ngành tư pháp, nội chính cần thực hiện tốt hơn trong công tác đào tạo cán bộ có chức danh tư pháp để cán bộ phải tinh thông nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Chủ tịch nước tin tưởng với truyền thống quan hệ chặt chẽ, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các lãnh đạo liên ngành tư pháp, nội chính, chắc chắn thời gian tới công tác phối hợp sẽ ngày càng hiệu quả và mỗi cơ quan sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, xây dựng bộ máy Nhà nước vững mạnh.

Thay mặt Liên ngành tư pháp Trung ương- Nội chính, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình lĩnh hội các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước và hứa sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để làm tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền và quá trình hội nhập quốc tế.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên họp giao ban Liên ngành tư pháp Trung ương-Nội chính