Phi công người Anh mắc Covid-19 đã 10 ngày liên tục âm tính với SARS-CoV-2

Chí Tâm| 18/05/2020 16:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bệnh nhân hiện không sốt, có đáp ứng khi kích thích, không chảy máu, tiểu tốt, EF bình thường, không tràn khí màng phổi, diện đông đặc phổi không tăng.

Ngày 18/5, thông tin từ Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, hiện sức khoẻ của nam bệnh nhân phi công người Anh (bệnh nhân 91) mắc Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM diễn biến lâm sàng cải thiện tốt hơn.

Bệnh nhân hiện không sốt, có đáp ứng khi kích thích, không chảy máu, tiểu tốt, EF bình thường, không tràn khí màng phổi (bệnh nhân đã ngừng dẫn lưu màng phổi từ ngày 16/5), diện đông đặc phổi không tăng lên (hiện diện đông đặc 2 phổi của bệnh nhân khoảng 90%), men gan bình thường.

Kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của bệnh nhân đã âm tính 10 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, bệnh nhân còn phải dùng noradrenalin, giãn thất phải, phổi còn đông đặc, bạch cầu máu còn tăng, còn phải dùng kháng sinh, kháng nấm, tăng GGT (tổn thương gan do thuốc), còn phải lọc máu ECMO.

Phi công người Anh mắc Covid-19 đã 10 ngày liên tục âm tính với SARS-CoV-2

Bệnh nhân 91 được Hội đồng chuyên môn cùng các chuyên gia hội chẩn nhiều lần và thống nhất chỉ định ghép phổi.

Trong ngày, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tạm ngưng máy lọc máu, đưa phi công người Anh cùng với hệ thống ECMO (ôxy hóa máu ngoài cơ thể) đến phòng chụp CT Scan để chụp phổi.


TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM thông tin, phương pháp CT Scan có độ tương phản cao, nhận diện tổn thương rõ, chụp được nhiều góc, nhiều lát cắt, giúp đánh giá rõ các tổn thương phổi của bệnh nhân. Để chuẩn bị cho phương án ghép phổi, bệnh nhân 91 cần được đánh giá tình hình sức khỏe tổng thể.

Kết quả chụp CT Scan lần trước của bệnh nhân 91 cho thấy phổi của phi công người Anh đông đặc hai bên, chỉ còn 10% hoạt động.

Bệnh nhân này cũng đã tiếp tục được cấy máu để phân lập virus, nếu kết quả âm tính đề xuất chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị giai đoạn chuẩn bị và chờ ghép phổi.

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đang nghiên cứu xem xét các văn bản quy định pháp lý, xác định chi phí điều trị, chi phí ghép để tìm kiếm nguồn tài trợ cho ca ghép.

Tính đến hôm nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 59 ngày điều trị (từ ngày 18/3). Bệnh nhân tiếp tục sử dụng máy ECMO ngày thứ 42. Đây là bệnh nhân nặng nhất đến thơi điểm này. Ê-kíp đang nỗ lực nâng sức khỏe phi công Anh để có thể chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị cho ca ghép phổi.

Ngay từ khi nhập viện, nam phi công người Anh liên tục tiến triển nặng, nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính trở lại. Các chuyên gia giải thích, bệnh nhân có yếu tố béo phì với chiều cao 1,83m, nặng 100kg. Thêm đó, cơ thể bệnh nhân phản ứng quá mức với virus SARS-CoV-2, tạo ra “cơn bão cytokine”, tấn công cả tế bào lành. Bệnh nhân này cũng kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị...

Bệnh nhân 91 được Hội đồng chuyên môn cùng các chuyên gia hội chẩn nhiều lần và thống nhất chỉ định ghép phổi. Hiện các bác sĩ vẫn ưu tiên số 1 là tìm tạng hiến tặng từ người hiến đã chết não để tiến hành quy trình ghép phổi cho bệnh nhân.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phi công người Anh mắc Covid-19 đã 10 ngày liên tục âm tính với SARS-CoV-2