Ngày 23/11, Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch vùng Tây Bắc. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc chủ trì hội nghị.
Tập trung nâng cấp hạ tầng du lịch
Tây Bắc được biết đến là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, là nơi sinh sống của hơn 32 dân tộc thiểu số với một không gian văn hóa rộng lớn, phong phú và cảnh quan hùng vĩ. Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi nhưng đến nay, Tây Bắc vẫn còn là vùng đất còn nhiều khó khăn về mọi mặt, đặc biệt trong việc phát triển du lịch chưa tương xứng với thế mạnh tài nguyên du lịch địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu tại Hội nghị.
Theo thống kê Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2014, vùng Tây Bắc đón 8,7 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 1,5 triệu lượt, chiếm tỷ trọng nhỏ dưới 10% trong cơ cấu khách du lịch cả nước. Xác định rõ tiềm năng phát triển vô cùng lớn của vùng Tây Bắc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xây dựng Chương trình phát triển du lịch quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 gắn với vùng Tây Bắc, chú trọng đầu tư các dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù; đẩy mạnh các dự án về quảng bá, xúc tiến và phát triển thương hiệu du lịch đồng thời chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực của vùng.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường thời gian sắp tới, ngành Giao thông Vận tải thực hiện nhiều giải pháp phát triển hạ tầng giao thông các tỉnh vùng Tây Bắc đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch; đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường có vốn đầu tư nước ngoài; tiếp tục đầu tư các dự án mới...
Lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc cũng nhận thức rõ tầm quan trọng và lợi thế phát triển du lịch của địa phương. Nhiều tỉnh đã bắt đầu chủ động tập trung khai thác thế mạnh tiềm năng du lịch nhằm thu hút khách trong nước và quốc tế. Ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh hiện đang tập trung phát triển nhiều khu du lịch tài nguyên thiên nhiên lẫn tài nguyên du lịch nhân văn như: Cao nguyên Sìn Hồ, khu danh thắng Pusamcap, động Ông Tiên, động Tiên Sơn, suối nước nóng Mường So, Miếu Nàng Han, Dinh thự Đèo Văn Long… đồng thời hợp tác du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, với huyện Kim Bình – Vân Nam – Trung Quốc và hướng tới các tỉnh Bắc Lào, các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM nhằm tạo thêm nhiều cơ hội phát triển, xúc tiến, liên kết du lịch có hiệu quả.
Đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai chia sẻ, trong 20 năm qua, du lịch tỉnh đã có những bước phát triển quan trọng, duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2014, tỉnh đón hơn 1,47 triệu lượt khách; dự kiến 2015 đón trên 2 triệu lượt khách với tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 4.500 tỷ đồng. Trong những năm tới, ngành du lịch tỉnh Lào Cai tập trung chú trọng đến phát triển các sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng núi theo hướng sinh thái trên cơ sở phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên và khí hậu độc đáo của địa phương.
Phát triển thương hiệu du lịch Tây Bắc
Nhận thấy được tiềm năng to lớn trong phát triển du lịch tại vùng Tây Bắc, nhiều doanh nghiệp lữ hành hàng đầu tại TP.HCM từ nhiều năm qua đã lên kế hoạch, triển khai, mở các tuyến du lịch tham quan các tỉnh, thành vùng Tây Bắc. Nhiều hoạt động được các doanh nghiệp triển khai tại các địa phương trong vùng nhằm quảng bá, phát triển du lịch, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chứng kiến lễ ký kết hợp tác đầu tư, xúc tiến du lịch giữa các sở, ngành và doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM cũng bày tỏ sẽ tiếp tục triển khai, mở rộng các tuyến du lịch và quảng bá các điểm đến vùng Tây Bắc cho du lịch trong và ngoài nước. Thêm đề xuất cho phát triển du lịch Tây Bắc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho rằng: Ngoài những hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch vùng Tây Bắc, cần quan tâm việc ưu tiên cho các hoạt động liên hoan nghệ thuật, điện ảnh được tổ chức tại đây. Thông qua sức lan tỏa rộng rãi của các hoạt động đặc trưng này, chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Tây Bắc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất cả nước. Tuy giàu tiềm năng, phong phú và đa dạng về tài nguyên du lịch nhưng chưa thực sự khai thác được hết hiệu quả; chưa phát triển xứng tầm cả về quy mô và tính chất; điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, hoạt động du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm du lịch đơn giản, rời rạc… chưa thu hút thị trường trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, trong thời gian tới, Tây Bắc cần có chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; đặc biệt đẩy mạnh liên kết trong vùng, liên vùng, nhất là liên kết với TP.HCM trong quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Tây Bắc cần tập trung phát triển sản phẩm đặc thù gắn với đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch vùng; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, du lịch canh nông. UBND TP.HCM tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các doanh nghiệp tìm hiểu, khảo sát, xây dựng kế hoạch dự án đầu tư, hỗ trợ, liên kết các tỉnh Tây Bắc trong quảng bá, giới thiệu hình ảnh.
Tại hội nghị, đại diện của 14 tỉnh vùng Tây Bắc đã ký cam kết hợp tác đầu tư với Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch và các doanh nghiệp lữ hành TP.HCM , nhằm tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch đến các tỉnh, thành vùng Tây Bắc. Tỉnh Bắc Kạn cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Saigontourist đẩy mạnh phát triển du lịch tại tỉnh .