Để đưa chính sách BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện đến với đông đảo người dân, thời gian qua, BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước đã thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền phù hợp với đặc điểm từng địa phương.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
BHXH tự nguyện là chính sách nhân văn với mục tiêu giúp cho mọi người dân, người lao động trong khu vực phi chính thức không tham gia BHXH bắt buộc, khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ có lương hưu để ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động. Một trong những mục tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đã nêu rõ phấn đấu đến năm 2021, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2025 đạt khoảng 2,5% và đến năm 2030 đạt khoảng 5%.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, hàng loạt các biện pháp trong đó có việc tuyên truyền đã được BHXH Việt Nam cũng như BHXH các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Sự linh hoạt trong công tác tuyên truyền vận động cũng được BHXH các tỉnh, thành phố áp dụng và đã ghi nhận được những kết quả ban đầu mà thực tế tại tỉnh Quảng Nam là một ví dụ.
Cán bộ Bưu điện tỉnh Quảng Nam tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho người dân huyện Tây Giang. Ảnh: Thanh Dũng
Theo ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam, để phát triển đối tượng tham gia BHXH ngay từ đầu năm 2019, BHXH tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác tuyên truyền và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN năm 2019 nhằm định hướng nội dung tuyên truyền trong năm 2019 và những năm tiếp theo, trong đó tập trung tuyên truyền nội dung Nghị quyết 28- NQ/TW và Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông qua nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau; trong đó chú trọng tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT theo hộ gia đình; phấn đấu đạt được chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT đã đề ra.
BHXH tỉnh Quảng Nam và BHXH cấp huyện cũng đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và Bưu điện tỉnh tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền, đối thoại, tọa đàm về chính sách BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện để người dân hiểu và tham gia.
Linh hoạt trong phương thức tuyên truyền
Theo ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Nam cho biết để triển khai việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, Bưu điện tỉnh đã thành lập tổ chỉ đạo triển khai công tác kinh doanh dịch vụ BHXH tự nguyện theo Quyết định số 224/QĐ-BĐQN do Giám đốc bưu điện tỉnh làm tổ trưởng, theo đó chia làm 3 nhóm phụ trách 3 khu vực để chỉ đạo, hỗ trợ đơn vị thực hiện. Bưu điện tỉnh chủ động phối hợp với UBND, BHXH trong việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho người dân; chủ động thay đổi phương thức tuyên truyền cho phù hợp với đời sống của người dân trên địa bàn.
“Có những địa bàn, thay vì tổ chức hội nghị tuyên truyền ban ngày, chúng tôi tổ chức vào buổi tối, sau khi người dân có thể tham gia. Hoặc chúng tôi tổ chức hội nghị theo nhóm tại khu vực miền núi để việc tuyên truyền được hiệu quả”, ông Bình cho biết. Chỉ tính trong 7 tháng đầu năm 2019, toàn Bưu điện tỉnh tổ chức 184 hội nghị tuyên truyền, có 6,518 người tham dự, đạt 115% so với kế hoạch hội nghị, trong đó các đơn vị có số lượng hội nghị cao gồm Đại Lộc 25 hội nghị, Núi Thành 23 hội nghị, Duy Xuyên 16 hội nghị…
Không chỉ có bưu điện tỉnh mà các cấp, các ngành tại Quảng Nam cũng đã chung tay vào việc phát triển BHYT, BHXH tự nguyện. Hội phụ nữ các cấp tại Quảng Nam đã rất tích cực trong việc tuyên truyền, vận động phụ nữ và người dân tham gia BHXH, BHYT, thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2020. Đến nay, đã phối hợp tổ chức được 32 lớp tuyên truyền tại cộng đồng với hơn 3.000 người dự,...
Bên cạnh việc tuyên truyền, Hội phụ nữ còn tiến hành tư vấn, giải đáp thắc mắc liên quan đến chính sách BHYT, BHXH và phát các tờ rơi/thông tin về BHYT đến hộ gia đình, BHXH tự nguyện, BHYT cho học sinh sinh viên với hơn 3.000 tập. Qua đó, tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện BHXH, BHYT; về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia các loại hình BHYT, BHXH tự nguyện.
Ngoài hình thức tuyên truyền trong các hội nghị, hội thảo, truyền thông,… các cấp Hội còn tổ chức nhiều hoạt động đối thoại trực tiếp nhằm tuyên truyền sâu hơn các chính sách về BHXH, BHYT giúp người dân nói chung, phụ nữ nói riêng được giải đáp băn khoăn, vướng mắc khi tham gia bảo hiểm,…
Với sự phối hợp tích cực giữa cơ quan BHXH và các cấp các ngành, công tác phát triển BHXH tự nguyện tại Quảng Nam đã có những bước tiến rõ rệt. Nếu 2018, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở Quảng Nam còn khá khiêm tốn, thì tính đến 31/7/2019, số người tham gia BHXH tự nguyện cả tỉnh đã tăng lên 4.030 người, tăng 1.892 người so với cuối năm 2018; Trong năm 2019, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển ít nhất 5.400 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.