Đắc Sở (Hoài Đức) những ngày này tấp nập xe cộ, người ra vào các vườn phật thủ đông như trảy hội. Ai cũng muốn săn tìm được những trái phật thủ có hình dáng đẹp mắt, độc đáo để chuẩn bị trưng Tết, dù từ nay đến Tết nguyên đán vẫn còn hơn một tháng nữa.
Thú chơi phật thủ ngày Tết
Nhiều năm trở lại đây, phật thủ trở thành thứ quả được người dân ưa chuộng, đặc biệt là vào các dịp lễ Tết. Phật thủ có hình dáng độc đáo, mỗi quả có nhiều “ngón tay”, xếp thành từng vòng tròn, tựa như bàn tay Phật khum vào chở che bao bọc, tượng trưng cho sự bình an, sum vầy, sung túc. Vì ý nghĩa đó, nhiều người tin rằng, bày phật thủ trên mâm ngũ quả trong ngày Tết thì gia chủ sẽ gặp may mắn trong năm mới.
Ghé thăm một số vườn phật thủ ở Đắc Sở vào dịp này, đúng độ phật thủ đang vào mùa, lúc lỉu trên cành cây là những trái phật thủ sai trĩu trịt, nhiều quả đã chín vàng ươm, tỏa mùi hương thơm ngát dễ chịu.
Những cây phật thủ sai trĩu trịt, trung bình mỗi cây trưởng thành có khoảng 30 quả
Anh Khổng Tiến Sơn, chủ vườn phật thủ rộng hơn 4 mẫu ở Đắc Sở cho biết, thời điểm này những quả đẹp nhất trong vườn nhà đều đã có chủ ngắm trước. Họ đến xem phật thủ từ cả tháng nay, đánh dấu vào những quả ưng mắt rồi chờ đến gần Tết mới đến lấy về.
Dẫn đi một lượt quanh vườn, anh Sơn cho biết, giá phật thủ trong vườn dao động mạnh, có những quả chỉ vài chục nghìn nhưng có những quả lên đến tiền triệu, tùy theo kích cỡ, hình dáng của chúng. “Quả càng nhiều ngón thì giá càng cao, bởi người ta quan niệm rằng phật thủ nhiều ngón sẽ mang lại lộc tài, sung túc”.
Những quả phật thủ có nhiều ngón này có giá 500 nghìn, đã được khách đặt mua từ cách đây mấy hôm. Gần Tết, những quả có hình dáng tương tự thế này có thể tăng giá lên đến tiền triệu/quả
Đến thời điểm này, theo quan sát có đến một nửa số phật thủ trong vườn đã chín, chuyển sang màu vàng, nhưng anh Sơn khẳng định không lo ngại trái hỏng vì “phật thủ để được rất lâu, người thích trái vàng sẽ mua quả chín, còn nhiều người lại thích mua quả xanh. Phật thủ lại có quanh năm, không lo chín sớm trước Tết”.
Người dân ở đây cho biết, phật thủ là loại quả có thể để từ 6 – 8 tháng mà không sợ bị hỏng, những quả ngón tay càng to lại càng để được lâu. Vì thế, khác với các thứ quả khác, người ta mua phật thủ về có thể bày thoải mái từ trước, trong đến những ngày sau Tết.
Chỉ vì thú chơi độc đáo này, ngoài lái buôn, có rất nhiều người ở mọi miền xa xôi đã tìm về tận đây để trực tiếp lựa cho mình trái phật thủ ưng ý.
Đổi đời nhờ cây kinh tế
Phật thủ có ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng nhất là phật thủ ở đất Đắc Sở, Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội). Nhờ sự ưu ái của thiên nhiên, mảnh đất ven sông Đáy ngày đêm được phù sa bồi đắp nên loại đất thịt pha cát này tự nhiên đã hợp với thứ quả họ bưởi. Bởi vậy dù nhiều nơi trồng được phật thủ nhưng chỉ có ở nơi đây mới trồng được những quả phật thủ to nhất, có hình dáng độc, lạ, đẹp nhất và mùi hương thơm nhất. Đắc Sở, Yên Sở vì thế cũng trở thành “thủ phủ” của loại quả nức tiếng này.
Do nhu cầu của người dân ngày càng lớn, giá thành cao mang lại giá trị kinh tế nên hiện nay diện tích đất trồng cây phật thủ ngày càng được mở rộng. Hầu hết các hộ dân ở Đắc Sở đều trồng phật thủ, nhà nào không có vườn cũng đi làm thuê cho các nhà khác, tiền công chăm sóc mỗi ngày từ 150-200 nghìn đồng.
Phật thủ cho thu hoạch cả năm, riêng dịp Tết càng mang lại nguồn thu nhập lớn. Anh Sơn cho biết, hàng năm, sau đợt Tết, trừ các chi phí chăm sóc, nhân công, anh thu được 400-500 trăm triệu đồng/mẫu từ tiền bán phật thủ. Có những vườn nhiều trái đẹp, dù chỉ khoảng gần chục sào nhưng cũng có thể mang về cho chủ vườn khoảng 600-700 triệu đồng. Cùng với cam canh, phật thủ trở thành nguồn thu nhập chính trong gia đình anh Sơn và nhiều hộ dân khác ở Đắc Sở. Nếu như cách đây chục năm, người dân Đắc Sở mới chỉ biết đến đồng ruộng, rơm rạ, thì ngày nay, nhờ phật thủ, nhiều nhà đã có nhà xây, mua được ô tô, cuộc sống ngày càng ổn định, no ấm.
Người trồng phật thủ phải thường xuyên chăm sóc, nhặt từng cái lá rơi dưới gốc để cây không bị chết
Tuy nhiên, để chăm sóc và nuôi dưỡng loại cây kinh tế này cũng đòi hỏi người làm phải đầu tư khá nhiều công sức, bởi giống cây này có sức đề kháng yếu, dễ bị sâu bệnh. Để phòng trừ cho cây, mỗi tháng, người làm phải phun thuốc từ 2-3 lần. Việc trông coi cũng phải thường xuyên, bởi quả phật thủ rất nặng, nếu không để ý chống đỡ cho cây thì quả rất dễ bị rụng, dập nát. Đặc biệt là lá cây phật thủ là loại có chất dầu, khi lá rụng xuống quanh gốc phải thuê người đi nhặt cho bằng hết, nếu không cây sẽ không sống được do đất bị cằn.
Và thường xuyên để ý, chống đỡ cho cây để trái phật thủ không bị rụng, dập nát