Phát huy thế trận toàn dân nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước là vấn đề hết sức quan trọng được bàn đến trong buổi nghiệm thu ĐTKH cấp Quốc gia "Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới" diễn ra ngày 19/12.
Ngoài việc đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của Đề tài, nhiều tướng lĩnh và các học giả cũng đưa ra khuyến nghị cần phải sớm khắc phục những hạn chế trong đầu tư tiềm lực quốc phòng và kinh tế vùng biên giới, trên biển
Đất nước chúng ta đang trong thời bình. Tuy nhiên thời bình không có nghĩa là chúng ta ngủ quên trong chiến thắng. Kiến quốc, phát triển đất nước với không ít những khó khăn trong phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nhằm hội nhập quốc tế không kém gì mặt trận súng đạn. Chưa hết Diễn biến hòa bình vẫn còn dai dẳng biến tướng, cùng sự nổi dậy khẳng định lợi ích riêng của nhiều nước lớn nhỏ, thậm chí là sự lấn lướt nhau trong chủ quyền lãnh thổ luôn đặt Việt Nam trước những nguy cơ thách thức và nhu cầu cấp bách làm thế nào để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và biển đảo quê hương.
Hiện tại, Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế, việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển sẽ tạo môi trường thuận lợi và động lực cho quá trình phát triển đất nước. Trong khi nhận thức và trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia của một số ngành, lực lượng và cấp ủy chính quyền địa phương chưa đầy đủ, thống nhất. Năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển của các cơ quan chức năng nhà nước và địa phương còn một số hạn chế, bất cập. Hệ thống pháp luật về quản lý biên giới, vùng biển chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, còn chồng chéo. Chiến lược biên giới quốc gia và hệ thống chính sách về biên giới của nước ta chậm được ban hành. Đặc biệt, trước thực trạng tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền ở biển Đông, nhất là 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây, cùng với những tồn tại nhiều vấn đề phức tạp về biên giới, lãnh thổ của Việt Nam với các nước láng giềng…, đòi hỏi chúng ta không thể xem nhẹ, lơi lỏng vấn đề bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia.
Từ đó, việc nghiên cứu đề tài “Bảo vệ chủ quyền quốc gia trong tình hình mới” vừa có ý nghĩa cấp thiết trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài. Vấn đề này càng có ý nghĩa và giá trị sâu xa trong công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế, việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển sẽ tạo môi trường thuận lợi và là động lực cho quá trình phát triển đất nước. Đề tài do Thượng tướng Võ Trọng Việt, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm chủ nhiệm và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng là Cơ quan chủ trì thực hiện.
Đây là nghiên cứu khá công phu về những thành tựu cũng như những mặt còn tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ bảo về chủ quyền và quyền chủ quyền của đất nước trong suốt 30 năm vừa qua. Cụ thể, Đề tài làm rõ được khái niệm: Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia; hệ thống một số quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia; cơ sở pháp lý, lịch sử bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và Việt Nam về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia. Đề tài đi sâu phân tích đánh giá thực trạng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam trong 30 năm qua; phân tích đặc điểm, tình hình tác động trực tiếp đến bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia; đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, tìm ra nguyên nhân của những kết quả, hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia.
Đề tài xác định rõ mục tiêu, nội dung, yêu cầu, phương thức bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền; phân tích và dự báo những nhân tố tác động đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam trong tình hình mới.
Từ kết quả này nhóm nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị, để bảo vệ vững chắc chủ quyền và quyền chủ quyền của đất nước, vấn đề xây dựng thế trận toàn dân và phát huy hơn nữa vai trò của thế trận này là hết sức quan trọng. Các tác giả của Đề tài đã đề xuất 5 nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới. Đó là các nhóm giải pháp về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới; Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới; Hoàn thiện hệ thống pháp luật và ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới; Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới; Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, đấu tranh trên mặt trận lý luận về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia.
Tại buổi nghiệm thu Đề tài Thiếu tướng, TS.Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho rằng: "Chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia đặc trưng là lòng yêu nước, do vậy đề tài thành công là xây dựng lòng tin của nhân dân, xây dựng thế trận của nhân dân trên biển cũng như biên giới, muốn xây dựng được phải xuất phát từ lòng tin, đây chính là phương pháp luận mà Đảng ta đề cập để tìm tòi sức mạnh".
Tiếp cận ở góc độ cụ thể hơn, Thiếu tướng, PGS.TS. Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhận định: "Trong tình hình mới chúng ta vẫn phải tiếp tục dựa vào dân, lấy dân làm gốc, trong đó coi trọng các chương trình mục tiêu quốc gia, xóa đói giảm nghèo về xây dựng nông thôn mới, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng tốt hơn. Đảm bảo dân thực sự tin với Đảng, gắn với Đảng là một thế hệ lòng dân vững chắc, xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam thì mọi thắng lợi đều thành công".
Tại buổi bảo vệ này, nhiều tướng lĩnh và các học giả cũng đưa ra khuyến nghị cần phải sớm khắc phục những hạn chế trong đầu tư tiềm lực quốc phòng và kinh tế vùng biên giới, trên biển, một giải pháp cũng cần phải được hết sức chú trọng đó là tiếp tục nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trong tình hình mới.
Đánh giá về kết quả Đề tài, Hội đồng nghiệm thu nhận định Đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện chiến lược Bộ Công an khẳng định: Đề tài KX.04/11-15 đã cung cấp thực tiễn và luận cứ khoa học để tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định chiến lược quốc gia, xử lý các tình huống phức tạp về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên tuyến đất liền và biển đảo trong tình hình mới.
Đề tài góp phần làm thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài có ý nghĩa quan trọng phục vụ việc xây dựng dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng và quá trình cụ thể hóa chủ trương của Đảng; đồng thời vận dụng các nhóm giải pháp trên trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trong tình hình mới.