Phát huy vai trò của Hội thẩm nhân dân: Cần sự quan tâm từ nhiều phía

Thái Vũ – Trung Thành| 24/07/2015 07:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chế định Hội thẩm nhân dân là bảo đảm nguyên tắc thực hiện quyền lực của nhân dân trong hoạt động xét xử của Tòa án, thể hiện bản chất nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Tuy nhiên vai trò của Hội thẩm nhân dân hiện nay có chỗ còn mờ nhạt do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Những vấn đề vướng mắc chung

Tham dự một số Hội nghị Tổng kết công tác Hội thẩm nhân dân (HTND) của một số Tòa án địa phương, chúng tôi thấy những vấn đề vướng mắc, bất cập trong công tác này khá tương đồng. Nhìn qua một đơn vị có thể thấy được bức tranh chung của cả hệ thống với mức độ đậm nhạt khác nhau, bên cạnh những kết quả đạt được hết sức có ý nghĩa, hoạt động của HTND vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.

Đơn cử như báo cáo về công tác HTND của Tòa án Tp Sông Công, Thái Nguyên, 6 tháng đầu năm 2015, sau khi nêu các thành tích, ưu điểm cũng đưa ra những tồn tại. Đó là do không đồng đều về chuyên môn nghiệp vụ xét xử nên một số ít vị Hội thẩm còn hạn chế khi tham gia xét xử những vụ án có tính chất phức tạp. Đa số các vị Hội thẩm làm công tác lãnh đạo, quản lý ở nơi công tác, bận nhiều công việc nên đã ảnh hưởng nhất định đến thời gian xét xử của các phiên tòa.

Phát huy vai trò của Hội thẩm nhân dân: Cần sự quan tâm từ nhiều phía

Ông Nguyễn Khắc Lâm, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Tp Sông Công

Bên cạnh những vị Hội thẩm có tinh thần trách nhiệm, tham gia xét xử nhiệt tình, có chất lượng, vẫn còn một số ít các vị Hội thẩm bận nhiều công việc chuyên môn, chưa tham gia nghiên cứu, xét xử được đầy đủ theo sự phân công của Tòa án. Một số vị nghiên cứu hồ sơ còn sơ sài, qua loa, dẫn đến việc nắm bắt nội dung vụ án chưa đầy đủ, thiếu chủ động. Trong quá trình tiến hành tố tụng tại phiên tòa chưa phát huy được vai trò của của HTND trong việc phân tích, lập luận mang tính thuyết phục. Một số ít chưa tích cực tham gia, tích cực nghiên cứu văn bản, tài liệu để nâng cao kiến thức pháp luật, vận dụng trong quá trình xét xử.

Tuy có sự đổi mới về cơ cấu tổ chức, được nâng cao hơn về trình độ nghiệp vụ nhưng so với yêu cầu thì trình độ nghiệp vụ xét xử của Hội thẩm còn chưa tương xứng với yêu cầu, tỷ lệ Hội thẩm có trình độ chuyên ngành luật còn thấp. Do Hội thẩm ở nhiều đơn vị khác nhau nên công tác quản lý Hội thẩm còn gặp nhiều khó khăn.

Vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương

Dự hội nghị tại Tp Sông Công, lắng nghe một số tham luận của các vị Hội thẩm chúng tôi thấy các khó khăn được nêu cũng tương tự báo cáo chung, cũng tương tự các địa phương khác. Qua đó có thể thấy những khó khăn, vướng mắc đó như một thứ bệnh kinh niên, khá phổ biến nhưng khó khắc phục.

Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Chánh án TAND tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị các vị HTND phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm và vai trò của mình để cùng với Tòa án nâng cao chất lượng xét xử.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Khắc Lâm, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Tp Sông Công đã chỉ đạo và trao đổi lại từng vấn đề mà các đại biểu phản ánh một cách tâm huyết.

Thứ nhất, ông Lâm cho rằng về vấn đề các vị Hội thẩm nêu hạn chế về trình độ pháp luật, trình độ không đồng đều, cần nhận thức cho rõ. Hội đồng xét xử sơ thẩm quy định có hai HTND để với chuyên môn của mình các vị Hội thẩm cùng Thẩm phán xem xét giải quyết vụ án thấu tình, đạt  lý, đánh giá vụ việc được khách quan, đúng tâm tư nguyện vọng của nhân dân địa phương, chứ không phải đòi hỏi các vị Hội thẩm có trình độ pháp luật như Thẩm phán. Mặc dù cần tích cực nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, nhưng phải xác định rõ vai trò xã hội của Hội thẩm. Nếu chỉ yêu cầu giỏi pháp luật thì Hội đồng xét xử đã không có Hội thẩm tham gia.

Phát huy vai trò của Hội thẩm nhân dân: Cần sự quan tâm từ nhiều phía

Chánh án TAND Tp Sông Công Hoàng Văn Kiên (Ảnh: Trung Thành)

Thứ hai, về hiện tượng Tòa án phản ánh nhiều Hội thẩm đến ngày xét xử nêu lý do bận công việc cơ quan, không đến Tòa thực hiện trách nhiệm của Hội thẩm, cần quy định, trường hợp như vậy yêu cầu phải có giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan, xác nhận bận công việc không thể đến Tòa. Nếu Hội thẩm vi phạm nhiều lần, trốn tránh nghĩa vụ xét xử hay quá bận thì đề nghị Hội đồng nhân dân xem xét, bãi miễn.

Thứ ba, về kinh phí, Tòa án và đoàn Hội thẩm cần có dự toán kinh phí để HĐND duyệt ngay từ đầu năm, khi có trường hợp đột xuất, cần bổ sung thì xem xét tiếp.

Thứ tư, không thể nói mỗi vị Hội thẩm một cơ quan mà khó quản lý. Vậy thì Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, mỗi thành viên một cơ quan thì cũng không quản lý được hay sao? Chỗ này cần có sự phối hợp tốt hơn giữa Tòa án và Đoàn Hội thẩm cũng như cơ quan của các vị Hội thẩm.

Thứ năm, có ý kiến nên bầu HTND là các vị đã về hưu, ông Lâm cho rằng, có thể mời các vị hưu trí như đại diện cho người cao tuổi nhưng lực lượng chủ yếu phải là những người còn đang làm việc, vì người đang làm việc có điều kiện cập nhật thông tin, kiến thức và có sức khỏe, có lương cao hơn. Vấn đề ở chỗ phải chọn được người có tâm huyết, có điều kiện và khả năng tham gia hoạt động xét xử.

Chánh án TAND Tp Sông Công Hoàng Văn Kiên cho rằng, phát biểu chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đúng với tâm tư của Thẩm phán, HTND, trúng những vấn đề cốt lõi nhất và chỉ đạo rất sát sao, thiết thực, nên Tòa án Sông Công tin tưởng trong thời gian tới hoạt động của HTND sẽ có những chuyển biến tích cực.

Thay đổi từ nhận thức

Có thể nói, hoạt động của HTND những năm qua, ở góc độ nào đó còn nặng tính hình thức, tỷ lệ án sơ thẩm có kháng cáo chiếm tỷ lệ cao, khi bản án sơ thẩm bị hủy thì cũng chỉ có Thẩm phán phải chịu trách nhiệm, nên vai trò của HTND còn mờ nhạt. Ở các cơ quan có HTND, thì hoạt động xét xử của HTND cũng không được xem xét, khen thưởng như nhiệm vụ ở cơ quan. Bên cạnh đó là chế độ đãi ngộ, hiện nay theo quy định mỗi ngày làm việc, nghiên cứu hồ sơ hay xét xử của HTND được 90.000 đồng là còn thấp. Một số địa phương, có hỗ trợ thêm nhưng cũng không nhiều.

Theo quy định của pháp luật thì người được bầu làm Hội thẩm chỉ cần có kiến thức pháp lý mà không quy định một tiêu chuẩn cụ thể, trong khi tham gia xét xử với những Thẩm phán có kiến thức pháp luật và kỹ năng xét xử cao, do đó để có đủ năng lực “ngang quyền” với Thẩm phán buộc HTND phải có kiến thức pháp lý. Vì vậy, HTND được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử là rất quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu này thì HĐND cần xem xét hỗ trợ thêm kinh phí cho Tòa án tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn cho Hội thẩm, đặc biệt là tập huấn các văn bản pháp luật hoặc văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật mới; tổ chức rút kinh nghiệm trong xét xử một số loại vụ án đặc thù...

Do đó, phải thay đổi từ nhận thức, không chỉ với mỗi HTND, mỗi Tòa án mà quan trọng hơn là từ cấp ủy, HĐND địa phương. Phát biểu của ông Bí thư Thành ủy Sông Công cho thấy, nếu địa phương quán triệt được tinh thần và thực hiện nghiêm chỉ đạo như vậy thì hoạt động của HTND sẽ thực chất hơn, hiệu quả hơn. Ngược lại, nếu thiếu sự sâu sát của cấp ủy, HĐND thì hoạt động này khó có chuyển biến tích cực. Trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, Tòa án là trung tâm của các cơ quan tư pháp, do đó quan tâm đặc biệt đến Tòa án, đến hoạt động của HTND phải là một nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Hội đồng xét xử sơ thẩm cần tới hai HTND trong khi chỉ cần một Thẩm phán, đó chính là yêu cầu tăng cường tính xã hội, đưa tiếng nói từ cuộc sống sinh động vào hoạt động xét xử. Luật pháp được xây dựng theo một quy trình chặt chẽ nhưng không bao giờ bao quát được toàn bộ thực tiễn, và luôn đi chậm hơn thực tiễn. Hơn nữa, ngoài các quy phạm pháp luật thực định, pháp luật còn chứa đựng trong đó một giá trị lớn hơn đó là tinh thần pháp luật. Tinh thần pháp luật có thể hiểu một cách đơn giản là cái đích mà pháp luật mong muốn hướng đến. Do đó, việc quy định về HTND trong Hội đồng xét xử là rất cần thiết, và phù hợp với các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền.

Vai trò mà các HTND tham gia trong Hội đồng xét xử phải là những kiến thức, kinh nghiệm sống thực tiễn mà trong cùng hoàn cảnh sống hoặc rất gần hoàn cảnh sống đối với các bị cáo, nguyên đơn, bị đơn trong các vụ án được đem ra xét xử, nên vụ án sẽ được xem xét một cách toàn diện, phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, phong tục địa phương. Nhận thức thật đúng đắn về vai trò, tính chất của các HTND là hết sức cần thiết để  đáp ứng được đòi hỏi của thực tế, tránh những quy định mang tính hình thức và những lãng phí về mặt xã hội, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, giúp cho Tòa án ban hành những bản án “thấu tình, đạt lý”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò của Hội thẩm nhân dân: Cần sự quan tâm từ nhiều phía