Lễ trao Giải báo chí quốc gia 2013 sẽ diễn ra vào tối 21/6 tại Hà Nội nhằm tôn vinh các tác phẩm báo chí xuất sắc nhất, tôn vinh sức lao động sáng tạo không mệt mỏi của các nhà báo đã luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Nhân dịp này phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Giải báo chí quốc gia 2013.
Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện:
Thành công với nhiều điểm mới tích cực
Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về những điểm thành công và nét mới của mùa giải năm nay ?
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ: Giải báo chí quốc gia năm nay tiếp tục tinh thần đổi mới của năm trước, đặt chất lượng các tác phẩm báo chí lên hàng đầu. Năm nay, Giải trao tặng 11 loại giải (trước đây chỉ có 8), đặt ngang hàng 4 loại hình báo chí gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, nhằm phát huy tối đa sức mạnh của báo chí trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tác phẩm dự Giải báo chí quốc gia 2013 là những tác phẩm tiêu biểu, phản ánh bức tranh chung của báo chí cả nước, trong đó đã thể hiện sự quan tâm, trăn trở, đưa ra các giải pháp cho nhiều vấn đề của đất nước, đặt ra cho xã hội. Đó là vấn đề chủ quyền biển đảo, đạo đức xã hội trong đó có đạo đức báo chí, những khó khăn, tiêu cực trong quá trình phát triển kinh tế...
Phóng viên ghi lại hình ảnh một tàu của Trung Quốc trong sự kiện nước này cho đặt giàn khoan thăm dò dầu khí trái phép vào vùng biển của Việt Nam.
Tác phẩm đoạt giải A cao nhất từ trước tới nay, chiếm 8/11 loại giải, trong đó báo in có 3, báo hình có 2, báo nói có 2 và báo điện tử có 1. Năm nay có nhiều giải A không phải do Hội đồng chung khảo "thoáng" hơn mà chính là do chất lượng tác phẩm tham dự. Hội đồng Giải báo chí quốc gia luôn mong muốn có được 11 giải A ở cả 11 loại giải. Những tác phẩm báo chí được giải A, giải B, giải C, kể cả giải khuyến khích năm nay chúng tôi đều trân trọng, bởi lẽ đây là những tác phẩm xuất sắc nhất trong số hàng vạn tác phẩm báo chí mà đội ngũ báo chí cả nước sản xuất ra trong một năm. Đó là lao động trí tuệ, sáng tạo hết sức vất vả có khi là nguy hiểm đến tính mạng của người làm báo.
Giải báo chí quốc gia năm nay thành công với nhiều điểm mới tích cực. Ở những đề tài lâu nay chúng ta vẫn cho là khó, ít xuất hiện nhưng năm nay xuất hiện khá nhiều. Đó là các tác phẩm viết về điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt có tới 11 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo và nhiều tác phẩm đoạt giải. Điều này cho thấy những tác phẩm về đề tài này ở vòng sơ khảo chắc chắn sẽ nhiều hơn. Đây là kết quả của việc báo chí tích cực tham gia cuộc vận động viết về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết trung ương do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động. Một hiện tượng khác được Hội đồng Giải báo chí quốc gia năm 2013 đánh giá cao đó là Liên chi hội Đài tiếng nói Việt Nam gửi tác phẩm tham dự ở cả 4 loại hình báo chí và đều giành được giải cao. Đây là điều mà không phải cơ quan báo chí nào dù có đầy đủ các loại hình báo chí cũng có thể làm được. Bước vào năm thứ 8, Giải báo chí quốc gia năm nay xác lập được nhiều cái nhất so với các năm trước đó. Đó là có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất với 1665 tác phẩm, tăng 200 tác phẩm so với năm ngoái. Số cấp Hội gửi bài dự thi đông nhất với 196 đơn vị, cá nhân, trong đó có 58/63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố; 93 Liên chi hội, Chi hội nhà báo, cơ quan báo chí trung ương. Số cộng tác viên, cá nhân gửi tác phẩm dự thi cũng đông nhất từ trước tới nay. Điều này cho thấy Giải báo chí quốc gia ngày càng có uy tín, trở thành một thương hiệu, một sự kiện được giới báo chí mong đợi.
Chờ đợi những tác phẩm có tính phát hiện, sâu sắc và mới mẻ hơn
Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn những điểm yếu, bất cập nào cần tiếp tục khắc phục để chất lượng của Giải ngày càng được nâng cao?
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ: Có 115 tác phẩm báo chí được trao Giải báo chí quốc gia 2013, trong đó có giải A, 28 giải B, 41 giải C và 38 giải Khuyến khích. Số lượng tác phẩm giành giải A cao nhất từ trước tới nay song cũng giống như những năm trước, Hội đồng Giải báo chí quốc gia vẫn chờ đợi những tác phẩm xuất sắc, có tính phát hiện sắc sảo, sâu sắc hơn trong lý giải và mới mẻ hơn nữa trong cách thể hiện. Bên cạnh dó, Hội đồng Giải báo chí quốc gia cũng nhận thấy những bất cập, yếu kém cần được khắc phục trong công tác tổ chức cũng như tác phẩm tham gia Giải.
Phóng viên trên tàu cảnh sát biển ghi hình giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép vào vùng biển của Việt Nam.
Trong số 11 loại giải vẫn có 3 loại không tìm được giải A, đó là ảnh báo chí, phim tài liệu truyền hình và phóng sự, phóng sự điều tra báo điện tử. Trong số này, đáng buồn nhất vẫn là ảnh báo chí. Đây là khâu yếu trầm kha, liên tục nhiều năm nay không có giải A, thậm chí có năm đến giải B cũng không có. Đây có lẽ là hậu quả của quan điểm dùng ảnh làm minh họa cho bài viết chứ không làm tác phẩm báo chí riêng rẽ. Một vấn đề khác cũng cần phải được đề cập đến đó là các cấp Hội đã không quan tâm đến việc chọn tác phẩm ở thể loại tin mà chỉ chọn bài dài. Thể loại xã luận, bình luận cũng có rất ít tác phẩm hay, chất lượng các tác phẩm phát thanh của đài địa phương chưa cao do dành nhiều sự ưu ái, quan tâm cho truyền hình...
Về công tác tổ chức, sau lễ trao giải, Hội đồng Giải báo chí quốc gia năm nay sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng Giải. Như thường lệ, các tác phẩm của năm trước sẽ dự thi và được trao giải vào tháng 6 năm sau, đúng dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Để nâng cao chất lượng của Giải, thường trực Hội đồng Giải sẽ công bố thể lệ, hướng dẫn sớm hơn, chi tiết hơn nữa. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng cần quan tâm, thực hiện đúng hướng dẫn để không bỏ sót, bỏ lọt tác phẩm hay, phân loại chính xác tác phẩm dự thi. Thêm vào đó, thời gian tiếp nhận tác phẩm sẽ được đẩy sớm lên để Hội đồng sơ khảo, chung khảo có thêm nhiều thời gian chấm, chọn, phân tích kỹ lưỡng và trao giải xứng đáng.
Khâu chấm sơ khảo ở Trung ương cũng được yêu cầu cần cải tiến theo hướng tăng cường chất lượng, chọn các thành viên giỏi, sâu về chuyên môn. Hội đồng sơ khảo đã và đang được cải tiến nhưng cũng có thực tế khó khăn, bất cập khó tránh là số lượng tác phẩm dự thi rất nhiều, lên tới 400 tác phẩm báo in, 100 tác phẩm truyền hình ở một tiểu ban. Năm nay, Ban tổ chức đã ghi tác phẩm vào ổ cứng đối với các thể loại báo nói, báo hình để từng thành viên của hội đồng chung khảo chấm trước. Sau đó đến phiên chung khảo trong 2 ngày 31/5 và 1/6, tất cả các thành viên đã cùng xem lại gần như tất cả các tác phẩm đó, trao đổi, thống nhất quan điểm chung về các tác phẩm, xác định giải cao, thấp, đảm bảo khách quan, công bằng nhất cho các tác phẩm dự thi...
Phóng viên: Tin là thể loại báo chí nhanh nhạy nhất, bao trùm đời sống báo chí thường nhật, có tác dụng tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ và chi phối dư luận mạnh nhất trong các thể loại báo chí, nhất là trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay. Đồng chí có thể cho biết tại sao danh sách các giải thưởng cao của Giải báo chí quốc gia như giải A nhiều năm gần đây lại vắng bóng thể loại này?
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ: Đúng như đồng chí đã nói, tin là thể loại báo chí đầu tiên mà người phóng viên thực hiện khi phát hiện vấn đề trong xã hội, sau tin người ta mới nghĩ đến những thể loại dài hơi hơn. Giải báo chí quốc gia cũng có giải dành cho thể loại tin và đã có không ít tin giành được Giải báo chí quốc gia. Có ý kiến cho rằng có vẻ như tin đang bị lép vế trước các thể loại báo chí khác. Tuy nhiên, trong thực tế lại không phải là như vậy. Việc này là do quan điểm của các cơ quan báo chí, các cấp Hội trong việc lựa chọn tác phẩm dự thi. Trong quá trình chọn các tác phẩm tham dự Giải báo chí quốc gia các cơ quan báo chí cũng như các Hội địa phương đã quá chú trọng việc lựa chọn các tác phẩm hoành tráng, muốn tác phẩm lớn để Hội đồng chấm đánh giá cao hơn. Tôi khẳng định luôn: Đây là một quan niệm chưa chính xác. Hội đồng Giải báo chí quốc gia luôn khuyến khích sự tham gia của các tác phẩm tin. Các cấp Hội chưa quan tâm đến việc chọn tác phẩm ở thể loại tin mà chỉ chọn bài dài, có khi ghép 6-10 tác phẩm đăng rải rác thành chùm. Riêng ở mảng tin quốc tế, thông tin quốc tế đối nội cũng rất ít tác phẩm được tuyển chọn dự thi, do vậy không có giải.
Năm nay, các thành viên Hội đồng chung khảo Giải báo chí quốc gia muốn rằng các tác phẩm mà các nơi gửi tới dự thi phải đề rõ ngày, thời gian công bố thông tin đó để làm căn cứ xem xét thông tin đó là công bố vào thời gian nào, có sớm hơn thông tin của các cơ quan khác hay không. Hội đồng đánh giá cao những thông tin sớm nhất, dù chưa thật đầy đủ nhưng có tính phát hiện cao, tính thời sự, theo sát thực tế cuộc sống. Những tác phẩm ra đời sau đó, dù rất đầy đủ, lắng đọng tất cả sự phân tích, ghi nhận, cảm nhận nhưng tính phát hiện, tính thời sự đã nhạt đi rất nhiều. Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí có lợi thế về thông tin, chuyên về thông tin trong nước, quốc tế đã giành được Giải báo chí quốc gia cho thể loại tin...
Phóng viên: Việc Trung Quốc ngang nhiên vi phạm chủ quyền trong vùng biển của Việt Nam đặt ra yêu cầu đấu tranh thông tin đối ngoại (bằng các thứ tiếng nước ngoài) phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn để bạn bè quốc tế hiểu đúng bản chất vụ việc. Đây trở thành nhiệm vụ chính trị của giới báo chí cả nước. Vậy trong tương lai, Hội Nhà báo Việt Nam có tính đến việc cần có một thể loại Giải báo chí về thông tin đối ngoại và đặt nó ngang bằng các thể loại giải báo chí khác trong cơ cấu Giải báo chí quốc gia hay không?
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ: Thông tin báo chí đối ngoại bằng tiếng Việt cũng như bằng tiếng nước ngoài cũng có những đặc thù nhất định của nó. Nhưng tôi cho rằng hiện nay ranh giới giữa thông tin đối nội và đối ngoại cũng không còn nhiều. Thông tin của chúng ta ở trong nước cũng được thế giới tiếp nhận một cách nhanh chóng, không hẳn cứ phải đưa thông tin ra nước ngoài họ mới tiếp nhận. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh thông tin đối ngoại bằng ngoại ngữ cũng như tiếng Việt là cần thiết. Việc có đưa giải dành riêng cho thông tin đối ngoại vào cơ cấu chung của Giải báo chí quốc gia đã được bàn tới song chưa thể đưa ra quyết định. Theo tôi được biết, hiện có giải thưởng độc lập dành riêng cho thông tin đối ngoại đang hình thành và sắp tới sẽ "trình làng".
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thanh Giang