Phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ trong bối cảnh dịch COVID-19: “Góp phần khôi phục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”

Minh Anh| 16/08/2021 11:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo đánh giá của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đã góp phần khôi phục và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện “mục tiêu kép” trong bối cảnh khó khăn của đại dịch tác động đến tất cả mọi mặt của đời sống trong nước và trên toàn cầu.

Trong Báo cáo số 11/BC-UBXH15 về một số ý kiến về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận định, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua bốn đợt bùng phát dịch.

Nếu như ba đợt bùng phát dịch bệnh trước đây đã được khống chế thành công, thì đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang tiếp tục đối mặt với đợt bùng phát dịch thứ tư, được đánh giá có diễn biến hết sức phức tạp, khác hẳn và khó khăn hơn nhiều so với các giai đoạn trước. Tính đến ngày 20/7/2021 đã có 58 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn.

hiem3.jpg
Nỗ lực triển khai các chính sách nhằm hỗ trợ cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá cao việc thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đã thể hiện tính ưu việt của chế độ và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời, trách nhiệm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Đồng thời, góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch bệnh COVID-19; không chỉ giúp người lao động và doanh nghiệp có thêm nguồn lực để chống đỡ dịch bệnh, mà quan trọng hơn là còn giúp người lao động và doanh nghiệp có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp tục tham gia thị trường lao động, góp phần động viên tinh thần và sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp đối với Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, huy động, tạo động lực, khuyến khích để người dân, cộng đồng xã hội, doanh nghiệp cùng sáng tạo nhiều cách làm, phương thức cụ thể nhằm chia sẻ khó khăn với Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, khó lường; phát truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện.

Đáng chú ý, ngày 21/7, BHXH Việt Nam ban hành văn bản số 2157/BHXH-TST gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc về việc khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Có thể khẳng định, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, BHXH Việt Nam đã khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thực hiện các công tác liên quan một cách chủ động, kịp thời, với mục tiêu cao nhất là đưa chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến từng người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN; đảm bảo khâu thực hiện giải quyết hồ sơ được triển khai một cách thuận tiện và trong thời gian nhanh nhất, tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng lao động và người lao động.

BHXH Việt Nam đã khẳng định vai trò là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, góp phần tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình triển khai thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, đối với các chính sách liên quan đến Quỹ BHXH, Quỹ BHTNLĐ-BNN, Quỹ BHTN, cần phải có sự thống kê, theo dõi cụ thể đối với từng trường hợp; có dự báo sớm tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tránh tình trạng việc triển khai hỗ trợ làm ảnh hưởng đến việc bảo toàn Quỹ, không bảo đảm được quyền lợi của người lao động.

Trong đó, cần phải lưu ý về hệ quả pháp lý, lộ trình hoàn trả khoản tạm ngừng đóng BHXH trong trường hợp sau khí hết thời hạn tạm dừng đóng nhưng doanh nghiệp không có khả năng hoàn trả, dẫn đến tình trạng gây khó khăn và ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH cho người lao động, cũng như khó khăn cho cơ quan thực hiện quản lý Quỹ BHXH.

Đồng thời, cần cân nhắc thêm việc có cơ chế hỗ trợ cho các địa phương, nhất là với các địa phương không tự cân đối được ngân sách để đảm bảo mọi đối tượng đủ điều kiện đều có thể tiếp cận được gói hỗ trợ để ổn định cuộc sống, phát huy ý nghĩa, giá trị của chính sách.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai chính sách, cần lưu ý tới nhóm đối tượng bị cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, về cơ bản nhóm đối tượng này cũng gặp khó khăn như cách ly tập trung và trong khu vực phong tỏa.

Thời gian tới, Ủy ban Xã hội của Quốc hội kiến nghị với Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện về các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để đưa ra các dự báo, kịch bản, đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn, thuận lợi cho việc tiếp cận vào đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng; thích ứng với cách tiếp cận mới, quan điểm chỉ đạo mới về phòng, chống dịch bênh.

Trong trường hợp cần thiết tiếp tục có chính sách hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng cho người dân, người lao động và doanh nghiệp, cần nghiên cứu cụ thể các đề xuất chính sách của địa phương và các đối tượng thụ hưởng.

Đồng thời, tiêp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 với các thông điệp 5K + vắc xin; truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về các loại vắc xin được cấp phép sử dụng và công tác tiêm phòng để không làm giảm sự tin tưởng của người dân, tránh để những thông tin sai lệch làm hoang mang dư luận và có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và ban hành theo thẩm quyền các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách an sinh xã hội và các chính sách khác nhằm hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động  - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan tiến hành khảo sát thực tế, có cơ chế tiếp cận thông tin thường xuyên, kịp thời đầy đủ về doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng, báo cáo Chính phủ để có chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân bảo đảm chính sách hỗ trợ đáp ứng yêu cầu khắc phục khó khăn trước mắt, cấp bách và lâu dài, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy sản xuất tiêu dùng hàng trong nước.

Ngoài ra, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm việc phân bổ ngân sách dự phòng để hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm và các đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm và các đối tượng khác bị ảnh hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ trong bối cảnh dịch COVID-19: “Góp phần khôi phục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”