Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP. Đà Nẵng, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều loại ma túy mới dưới dạng các loại hàng hóa (bánh kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm…) chứa chất ma túy được đóng gói có nhãn mác, chủ yếu ở nước ngoài mang về.
Cụ thể, ngoài các loại ma túy tổng hợp có dạng viên nén có tên gọi thuốc lắc, hàng đá, hàng khay, các đối tượng buôn bán ma túy đã sản xuất ma túy mới độc hại núp dưới dạng đồ ăn, nước uống, thực phẩm chức năng chủ yếu ở nước ngoài mang về với các tên gọi như: White Coffee, Coffee House, Chali, Collagen, Just Do It, Yaoyao… để dụ dỗ, lôi kéo người sử dụng.
Với nhiều kiểu ngụy trang, bắt mắt, đa dạng và dễ sử dụng, dễ mua, ma túy mới đang âm thầm len lỏi và tấn công vào giới trẻ. Nếu người dân, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên vô tình sử dụng rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Mới đây, qua công tác trinh sát, ngày 6/4, Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng bắt quả tang Ngô Văn Sang (SN 1992, quê tỉnh Quảng Nam, tạm trú quận Liên Chiểu) đang gửi 2kg thảo mộc khô tẩm chất ma túy cho một người ở tỉnh Thừa - Thiên Huế.
Khám xét nơi ở của Sang, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ thêm hơn 28kg thảo mộc khô, nhiều chất bột các loại, gần 5 lít tinh dầu và hóa chất. Sang khai nhận dùng các nguyên liệu này để sản xuất thảo mộc tẩm tinh dầu và ma túy, bán kiếm lời.
Ngày 13/6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp Bộ Tư lệnh vùng 2 Cảnh sát biển bắt Lương Cao Hải Đăng (SN 1996, quê tỉnh Hà Nam, tạm trú quận Sơn Trà), thu giữ gần 200 gram ketamine, 317 viên thuốc lắc và hàng chục gói ma túy (gần 1kg) được ngụy trang dưới dạng gói cà phê White Coffee...
Ngày 14/6, Công an quận Ngũ Hành Sơn cũng bắt Phạm Đình Huy (SN 1998, trú quận Ngũ Hành Sơn), thu giữ 1kg ketamine, 1.000 viên thuốc lắc, 27 gói ma túy loại White Coffee...
Một vụ khác, vào lúc 21 giờ 45 ngày 16/6, tại đường Hồ Nghinh (quận Sơn Trà), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phát hiện, bắt quả tang Trần Lê Huy Khang (SN 2005, trú quận Sơn Trà) đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 2 viên thuốc lắc và 1 gói ketamine.
Khai thác nhanh đối tượng, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy bắt khẩn cấp Phạm Sĩ Khôi (SN 1998) và Phạm Thị Hồng Ngọc (SN 2000, đều trú quận Liên Chiểu) vì hành vi mua bán trái phép chất ma túy; đồng thời bắt giữ Trần Anh Phú (SN 2000, trú quận Cẩm Lệ) vì hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.
Khám xét nơi ở của 3 đối tượng tại căn hộ trên đường An Thượng 34 (quận Ngũ Hành Sơn), lực lượng Công an thu giữ 22 viên thuốc lắc, 15 gram ketamine, 2 gói nilon chứa chất bột hiệu Coffee House, 1 cân điện tử, 2 bình khí bơm bóng cười.
Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, phương thức giao dịch, mua bán của các đối tượng chủ yếu sử dụng tài khoản mạng xã hội như viber, zalo, telegram, instagram… để thỏa thuận số lượng, giá cả. Sau đó, các đối tượng thuê các đơn vị, cá nhân vận chuyển mà không trực tiếp giao dịch với nhau. Nếu bị lộ, chúng lập tức xóa tài khoản để trốn tránh.
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, thông tin thêm, trước đó Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP. Đà Nẵng đã thông báo về một chất ma túy mới, được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, đó là chất ADB-4en-PINACA.
Theo các mẫu thu giữ, chất này có tác dụng gây ảo giác tương tự như cần sa, ma túy và rất khó phát hiện bằng các phương pháp thông thường khi giám định. Chất ADB-4en- PINACA được hòa tan thành dung dịch và phun tẩm vào mẫu cỏ khô cắt nhỏ, sợi thuốc lá điếu, thuốc lào hoặc pha trộn vào dung dịch thuốc lá điện tử khi sử dụng để gây ảo giác tương tự như cần sa, ma túy.
Chất này không nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ, do đó gây công tác đấu tranh và xử lý tội phạm sử dụng, vận chuyển, buôn bán trái phép chất này gặp khó khăn. Hiện tại, một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Canada... đã đưa chất ADB-4en-PINACA vào danh mục kiểm soát.
Qua đây, Công an TP. Đà Nẵng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, cập nhật, theo dõi các thông tin về tác hại của ma túy mới, núp bóng dưới dạng thực phẩm, đồ uống để nhận biết, phòng ngừa và không bị lợi dụng.
Đặc biệt, cha mẹ cần quản lý, nhắc nhở, hướng dẫn con cái không “ăn”, không “thử” những loại “bánh kẹo”, thực phẩm, chế phẩm lạ. Cùng với đó, cha mẹ cần giáo dục con em về tác hại của các chất ma túy, nhất là với nhóm trẻ vị thành niên có xu hướng muốn khẳng định bản thân, tò mò trước những điều mới mẻ.
Nhà trường cần giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên; nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào chương trình và hoạt động giáo dục.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phối hợp tăng cường quản lý chặt chẽ cơ sở, cá nhân kinh doanh các loại thực thẩm, nước uống có kiểu dáng, nhãn mác tương tự như trên, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Các chủ hộ kinh doanh khi phát hiện các mặt hàng, đối tượng có buôn bán các loại ma túy mới núp bóng thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ cần báo ngay cho chính quyền hoặc cơ quan Công an gần nhất.