Liên quan đến vụ phá rừng pơ mu hàng trăm năm tuổi ở huyện Nam Giang (Quảng Nam), trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện thêm hàng trăm phách gỗ pơ mu được cất giấu gần trạm Biên phòng, Hải quan.
Trưa 17/7, lực lượng Công an phát hiện 2 bãi tập kết 85 phách gỗ pơ mu bị giấu trong bụi rậm. Hai bãi tập kết này cách trụ sở Hải quan khoảng 50 m và cách Trạm Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc (thuộc Đồn biên phòng Cửa khẩu Nam Giang) khoảng 500m.
Trước đó, ngày 9/7, lực lượng Kiểm lâm huyện Nam Giang và Công an huyện này nhận được thông tin của người dân thông báo lâm tặc đang khai thác trái phép một khoảng rừng pơ mu lớn tại khoảnh 10 và tập kết về khoảnh 5 (tiểu khu 351 gần cột móc biên giới 717). Đây là khu vực giáp biên giới giữa huyện Nam Giang và huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào).
Qua kiểm tra thực tế và thống kê có đến 30 cây pơ mu hàng trăm năm tuổi, có đường kính từ 1-2 mét bị triệt hạ và cưa ra thành phẩm gồm 280 phách với khối lượng 28m3. Điều đáng nói, số gỗ được tập kết trong rừng nằm cách Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang khoảng 1 km, còn địa điểm phá rừng nằm cách đó chừng 5-7 km đường rừng.
Liên quan đến vụ việc phá rừng pơ mu đặc biệt nghiêm trọng này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, đồng thời chuyển hồ sơ cho Công an huyện Nam Giang điều tra theo thẩm quyền.
Hàng trăm cây pơ mu đã bị lâm tặc triệt hạ không thương tiếc
Trong quá trình điều tra, khoảng 17 giờ ngày 15/7, khi kiểm tra quanh Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa khẩu Nam Giang (thuộc Đồn biên phòng Cửa khẩu Nam Giang), lực lượng chức năng đã phát hiện gần 30 phách gỗ pơ mu với khối lượng 2,4 m3 giấu trong bụi cây, cách bờ rào trạm biên phòng hơn 10 m.
Tiếp đó, ngày 16/7, lực lượng Công an phát hiện 115 phách gỗ pơ mu với trọng lượng 8,2m3 được cất giấu phía sau dãy nhà làm việc nằm trong khuôn viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang. Đến tối cùng ngày, lực lượng chức năng tiếp tục thu giữ 25 phách pơ mu với trọng lượng 1,2 m3 được cất giấu tại một nhà dân gần khu vực cửa khẩu này.
Liên quan đến vụ việc này, trước đó, trả lời với báo chí xung quanh nghi vấn có sự tiếp tay của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cho lâm tặc hay không? Đại tá Dương Hoài Nam, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam cho biết, ông tin rằng lực lượng BĐBP không bao giờ làm chuyện này. “Nếu quân nhân nào tiếp tay cho lâm tặc sẽ bị tước quân tịch ngay”, ông Nam nói.
Đại tá Dương Hoài Nam cũng cho biết khu vực xảy ra phá rừng thuộc đường vành đai biên giới giữa Việt Nam và Lào. Đây là đường bất khả xâm phạm, mọi hoạt động quân sự, chính trị, kinh tế phải có sự kết hợp giữa 2 bên. Khu vực này không phải ai cũng có thể vào ra được.
Nhiệm của BĐBP ở khu vực biên giới là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, an ninh biên giới, đường biên cột mốc. Dù thế, ông khẳng định khi để xảy ra phá rừng trong khu vực này thì BĐBP cũng phải có trách nhiệm liên đới.
Được biết, cây gỗ pơ mu thuộc ngành Thông, họ Hoàng đàn hay họ Bách, là một họ thực vật hạt trần phân bổ rộng khắp thế giới. Cây gỗ pơ mu là một loại cây gỗ quý, thân thẳng, tán hình tháp, không có bạnh ở gốc, chiều cao 25-30 mét, đường kính từ 1-2 mét, pơ mu có vòng đời kéo dài tới hàng trăm năm.