Phát hiện hàng ngàn văn bản có dấu hiệu trái luật

Quốc Huy| 12/01/2016 21:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hơn 1.100 văn bản có dấu hiệu trái luật, trái nội dung, thẩm quyền ban hành trong 10 tháng của năm 2015 là con số được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2015 mới đây khiến không ít người giật mình về chất lượng ban hành văn bản hiện nay.

Phát hiện 1.181 văn bản có dấu hiệu trái luật

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, năm 2015, các Bộ và các cơ quan đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 1.003 văn bản. Công tác xây dựng, ban hành văn bản chi tiết cũng được quan tâm, chỉ đạo sát sao, chất lượng văn bản ngày càng được nâng lên với 120 văn bản được ban hành trong năm 2015, tăng 14 văn bản so với cùng kỳ năm trước. Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành năm 2015 là 3.241 VBQPPL, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác thẩm định, kiểm tra VBQPPL được cơ quan này chú trọng và tích cực thực hiện. Ước tính năm 2015 các Bộ, cơ quan địa phương đã tiếp nhận và kiểm tra theo thẩm quyền 42.357 văn bản. Kết quả kiểm tra 10 tháng đầu năm phát hiện 1.181 văn bản trái nội dung, thẩm quyền. Ngoài ra, có khoảng 3.500 văn bản khác sai về thể thức, kỹ thuật trình bày. Qua đó, đã kiến nghị xử lý 422 văn bản. Công tác kiểm tra theo chuyên đề cũng được tiến hành, qua đó đã phát hiện ra nhiều văn bản có dấu hiệu trái luật kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tự kiểm tra xử lý kịp thời.

Tại Bộ Tư pháp, tính đến hết năm 2015 cũng đã kiểm tra 2.391 văn bản; qua kiểm tra bước đầu phát hiện 44 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền (chiếm 1,84% tổng số văn bản được kiểm tra).

Phát hiện hàng ngàn văn bản có dấu hiệu trái luật

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2016

Bên cạnh đó, tình trạng xin lùi, rút các dự án Luật khỏi Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội còn khá phổ biến; Việc nợ đọng văn bản hướng dẫn quy định chi tiết thi hành vẫn còn diễn ra. Tính đến cuối năm 2015 vẫn còn nợ 33 văn bản; số lượng văn bản bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật, Pháp lệnh rất ít, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thi hành các Luật này. Số lượng các VBQPPL do các Bộ, ngành, HĐND, UBND ban hành còn quá nhiều. Việc xử lý các VBQPPL có dấu hiệu trái pháp luật còn chậm hoặc chưa đạt yêu cầu, nhiều trường hợp gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng này theo lý giải của lãnh đạo Bộ Tư pháp là lãnh đạo một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý VBQPPL; đội ngũ công chức làm công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát VBQPPL còn ít, tính chuyên nghiệp chưa cao. Cùng với đó là việc kiện toàn các tổ chức pháp chế ở một số Bộ, cơ quan, nhất là tại các địa phương còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra…

Còn nhiều cán bộ THADS tiêu cực, nhũng nhiễu

Cùng với việc xây dựng, ban hành, thẩm định các văn bản Luật, VBQPPL thì công tác thi hành án dân sự (THADS) tại Bộ Tư pháp năm 2015 cũng có nhiều điểm cần phải bàn đến. Có thể nói rằng, công tác THADS trong năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực được ghi nhận trên nhiều mặt. Kỷ cương, kỷ luật hành chính được siết chặt và đi vào nề nếp; việc luân chuyển, điều động cán bộ được tiến hành thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng THADS. Một số vụ án lớn, nghiêm trọng liên quan đến tín dụng, ngân hàng được chú trọng.

Theo báo cáo của Tổng cục THADS, trong năm 2015, ngành THADS thụ lý hơn 791.400 vụ việc. Trong tổng số gần 596.000 vụ việc có điều kiện giải quyết, ngành này đã giải quyết được hơn 89%, vượt 1% chỉ tiêu Quốc hội giao.

Phát hiện hàng ngàn văn bản có dấu hiệu trái luật

Công tác thi hành án dân sự còn nhiều bất cập, hạn chế

Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng cho hay, thị trường bất động sản chưa khởi sắc trở lại nên nhiều tài sản, nhất là bất động sản đã kê biên, thẩm định giá nhưng rất khó bán. Nhiều vụ việc phải định giá lại nhiều lần vẫn không có người mua. Tính đến hết ngày 30/9, cả nước có trên 14.600 vụ việc đã kê biên, thẩm định giá nhưng bán đấu giá không thành, tương ứng với số tiền trên 17.558 tỷ đồng. Những năm gần đây, có nhiều vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước, giá trị phải thi hành lớn nhưng khả năng thi hành thấp do tài sản của đương sự có giá trị rất nhỏ, không đủ bảo đảm thi hành án, nổi cộm là vụ Vinashin, Vinalines, vụ Huỳnh Thị Huyền Như…

Tuy nhiên, trong năm 2015 số lượng công chức vi phạm kỷ luật còn nhiều như Gia Lai, An Giang... Nhiều nơi để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho các bên đương sự, làm bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh cán bộ, công chức nói chung và cán bộ thi hành án nói riêng.

Cũng trong năm 2015, có 14 vụ việc liên quan đến việc phải bồi thường trong lĩnh vực THADS.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện hàng ngàn văn bản có dấu hiệu trái luật