Tư vấn pháp luật

Phát hiện cơ sở IVF nhầm lẫn tinh trùng, phải làm sao?

Hà An 21/11/2024 - 09:19

Trong trường hợp vợ chồng bạn có căn cứ cho rằng con không mang ADN của chồng là lỗi của “ekip” thực hiện ca thụ tinh nhân tạo thì có thể tố cáo hành vi vi phạm quy định về khám bệnh.

Bạn đọc Nguyễn Thị Thủy hỏi: Vợ chồng tôi hiếm muộn, sau 5 năm quyết định đi làm thụ tinh nhân tạo (IVF). Con càng lớn, chồng tôi lại cảm thấy con không có điểm giống bố nên quyết định đi làm xét nghiệm ADN thì phát hiện không phải con mình. Vợ chồng tôi vô cùng hoang mang, nay vợ chồng tôi muốn tố cáo để truy trách nhiệm cơ sở làm IVF này có được không?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) trả lời: Theo như thông tin bạn cung cấp thì vợ chồng bạn hiếm muộn nên có nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo (IVF) nhưng con bạn không mang ADN của chồng bạn xuất phát từ lỗi của phía bệnh viện.

thu-tinh-nhan-tao.png
Hình minh họa

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nhầm lẫn tinh trùng đối với cơ sở làm IVF mà chỉ mới quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Tại điểm b, khoản 4, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định hành vi “thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không tuân theo quy trình kỹ thuật, quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành” thì bị phạt tiền từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng.

Trường hợp của vợ chồng bạn có thể làm đơn khiếu nại về hành vi “không tuân theo quy trình kỹ thuật, quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành” dẫn đến hậu quả cháu bé sinh ra không mang ADN của người cha gửi đến Sở y tế nơi cơ sở IVF đặt trụ sở.

Từ đó, yêu cầu cơ sở IVF xử lý kỷ luật ê kíp thực hiện ca thụ tinh ống nghiệm cho vợ chồng bạn, đồng thời yêu cầu phương án giải quyết hậu quả và bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp vợ chồng bạn có căn cứ cho rằng con không mang ADN của chồng là lỗi của các y, bác sĩ thực hiện ca thụ tinh nhân tạo này thì có thể tố cáo hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 315, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện cơ sở IVF nhầm lẫn tinh trùng, phải làm sao?