Ở Việt Nam, từ lâu trách nhiệm pháp lý của pháp nhân đã được quy định trong lĩnh vực pháp luật dân sự, kinh tế và hành chính. Tuy nhiên trong lĩnh vực hình sự, BLHS các năm 1985 và 1999 đều chưa quy định TNHS của pháp nhân.
Từ ngày 01-01-2018, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) chính thức có hiệu lực. Đây là lần đầu tiên các quy định về “Pháp nhân thương mại phạm tội” được áp dụng. Theo quy định này, rất nhiều hành vi vi phạm phổ biến trước đây như việc trốn thuế, vi phạm môi trường, sa thải lao động trái pháp luật, không đóng bảo hiểm xã hội, kinh doanh đa cấp … doanh nghiệp (DN) sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, các nhà điều hành có thể phải liên đới chịu trách nhiệm về những sai phạm từ DN của mình gây ra.
Việc quy định TNHS của pháp nhân trong BLHS 2015 là cần thiết trong nền kinh tế thị trường của nước ta hiện nay. Hiện nay có không ít các tổ chức kinh tế - pháp nhân thương mại, vì chạy theo lợi nhuận cục bộ đã có sự thông đồng thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế như trốn thuế, kinh doanh trái phép, đầu cơ, buôn lậu hoặc vì lợi ích cục bộ đã không thực hiện các biện pháp mà pháp luật đòi hỏi để bảo vệ môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng. Việc núp bóng dưới danh nghĩa pháp nhân để phạm tội ngày càng tăng, tính chất nguy hiểm ngày càng cao.
Luật sư Trần Quốc Toản
Các hành vi vi phạm pháp luật mang tính chất tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện trong thời gian qua diễn ra ngày càng tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, đòi hỏi cần phải có giải pháp mạnh để phòng ngừa và đấu tranh. Ví dụ điển hình có thể nhắc đến là vụ việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh-FHS có hành vi hủy hoại môi trường biển Việt Nam bằng việc xả chất thải có chứa độc tố là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy làm dư luận trong nước rất bất bình và thế giới cũng rất quan tâm.
Theo quy định tại Điều 76 BLHS 2015 (sửa đổi 2017), pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 33 tội danh chủ yếu liên quan đến quản lý kinh tế, thị trường tài chính, bảo hiểm và môi trường. Quy định mới của BLHS không hề gây ra những khó khăn cho các DN như nhiều cá nhân, tổ chức e ngại.
Ngược lại, khi TNHS của pháp nhân được đặt ra sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức cho các DN: các pháp nhân thương mại sẽ buộc phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật nếu không muốn bị truy tố, tố cáo dẫn đến bị xử lý hình sự. Những pháp nhân thương mại có hành vi cố tình vi phạm BLHS sẽ “tự mình đào thải mình”. Điều này cũng khắc phục được thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian qua bởi cơ chế xử phạt VPHC và BTTH áp dụng đối với pháp nhân thương mại trước đây tỏ ra bất cập, không đủ sức răn đe; Nhiều pháp nhân sẵn sàng chịu phạt để tiếp tục vi phạm, làm giảm hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước.
Bên cạnh những quy định có tính răn đe, để đảm bảo quyền lợi cho pháp nhân thương mại BLHS 2015 đã quy định nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại có hành vi vi phạm là “Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra” (Điểm d, Khoản 2, Điều 3 BLHS 2015 sđ 2017).
Tuy nhiên, quy định TNHS của pháp nhân là chế định hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ nên chắc chắn trong quy định của pháp luật, cũng như việc thực thi trên thực tế sẽ không thể tranh khỏi những thiếu sót, hạn chế và vướng mắc nhất định. Ví dụ như trong trường hợp pháp nhân bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì quyền lợi của người lao động, của chủ nợ, các đối tác đang có hợp đồng hợp tác, kinh doanh với pháp nhân này sẽ được giải quyết như thế nào?
Điều này sẽ tạo ra khó khăn không nhỏ khi thực hiện pháp luật trên thực tế. Do đó, chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa để có những văn bản hướng dẫn thi hành BLHS mới, có những bước tiến hành thận trọng, phù hợp, tránh những hậu quả tiêu cực có thể phát sinh.